Trong nghề tình báo, không có gì là 'chi tiết nhỏ'
Từ những bước đi đầu tiên trong sự nghiệp, các nhà tình báo tương lai đã được thấm nhuần một chân lý bất di bất dịch: trong nghề tình báo, không có gì là nhỏ nhặt. Bởi vì không nơi đâu mà những điều tưởng chừng nhỏ nhặt lại phải trả giá đắt như ở đó. Nguyên nhân của tai họa có thể là một chi tiết nhỏ, một sự việc tầm thường, một sai sót không đáng kể của nhà tình báo.
Tập vé tàu định mệnh
Trong ba tuần đầu tiên của tháng 7/1941, chỉ riêng Mặt trận phía Tây đã điều động 19 nhóm tình báo và phá hoại cùng 7 đội du kích vào hậu phương của Đức. Tổng cộng là 500 người. Thoạt nhìn, đó là một lực lượng đáng nể. Nhưng tất cả chỉ đúng, nếu ta dừng lại ở những con số.
Như sau này Thiếu tướng Nikolay Sherstnyov, Trưởng phòng Tình báo thuộc Tổng cục Tình báo Quân đội (GRU) trong những năm chiến tranh, thừa nhận: "Tổn thất của đội ngũ điệp viên là rất lớn…".
Các điệp viên hy sinh vì nhiều lý do, trong đó có những điều nhỏ nhặt rất khó chịu khiến họ bị bắt giữ, bị Gestapo thẩm vấn, bị đưa vào các trại tập trung, và thậm chí mất mạng.

Thiếu tướng Nikolay Sherstnyov.
Ví dụ, nhóm tình báo mang mật danh "M-3" gồm ba cô gái cùng tên Maria - Kozlova, Artyomova và Zhukova. Họ đã được huấn luyện tình báo khá bài bản. Với trình độ học vấn và phẩm chất cá nhân, họ nổi bật hơn so với các học viên khác. Có thể nói, họ có đủ lý do để tin tưởng vào sự thành công của mình.
Trưởng nhóm Maria Zhukova, trước chiến tranh, làm việc tại viện kiểm sát.
Vỏ bọc của họ cũng đã được chuẩn bị rất hợp lý, rằng ba cô gái này đã làm việc tại các cơ sở quốc phòng ở huyện Vyazma, sau đó vì công việc tay chân nặng nhọc, họ đã bỏ trốn và giờ đây đang trên đường đến Smolensk.
Cuộc đổ bộ của họ vào hậu phương địch diễn ra rất tốt đẹp, không ai bị phát hiện. Họ bí mật thiết lập một đài phát thanh, cất giấu vũ khí và tài liệu, rồi tiếp tục hành trình đến điểm hẹn. Trên đường đi, họ bị cảnh sát Đức chặn lại và khám xét.
Mọi chuyện tưởng chừng đã ổn, nhưng vào phút chót, trong túi áo khoác của một cô gái, cảnh sát tình cờ phát hiện ra một tập vé tàu điện ngầm Moscow đã nhàu nát, trên đó ghi rõ năm, tháng vào thời điểm hiện tại. Đây là một thất bại lớn. Các nữ điệp viên bị thẩm vấn rất lâu, sau đó bị đưa vào trại tập trung. May mắn thay, sau khi trải qua các tầng địa ngục của Đức Quốc xã, họ đã sống sót đến ngày Hồng quân giải phóng trại tập trung.

Thành phố Rotterdam trong Thế chiến II.
Bí mật ẩn sau một mẩu tin
Một điệp viên tình báo phải biết và làm được rất nhiều việc. Nhưng khả năng nắm bắt bản chất của từng chi tiết nhỏ là phẩm chất hàng đầu, thậm chí có thể nói là quan trọng nhất.
Ví dụ điển hình là trường hợp xảy ra với Đại tá Nikolay Patrahaltsev, người đứng đầu cơ sở tình báo quân sự Liên Xô tại Nam Tư năm 1944.
Nhiệm vụ quan trọng của cơ quan này là sử dụng các thông tin tình báo sẵn có của Bộ Tổng tham mưu, tù binh, người dân Đức và Nam Tư có quan hệ với Đức và Áo để tiến hành tuyển mộ, huấn luyện và tung điệp viên vào lãnh thổ kẻ thù.
Tuy nhiên, đôi khi Trung tâm lại giao những nhiệm vụ rất độc đáo. Sau đây là lời kể của Đại tá Nikolay Patrahalsev về một trong những nhiệm vụ như vậy.
“Cục trưởng Cục 2 của Tổng cục Tình báo Quân đội (GRU) đã “mất” một quân đoàn tăng thiết giáp. Quân đoàn tăng thiết giáp Đức không phải là cây kim trong đống rơm, nhưng dù sao thì điều đó cũng đã xảy ra.
Tôi được giao nhiệm vụ tìm ra quân đoàn này. Có lẽ, ban lãnh đạo nghĩ rằng nó có thể được điều chuyển về khu vực tôi phụ trách, Ý hoặc Áo.
Tôi bắt đầu liên hệ với các thông tin viên người Nam Tư của tôi. Một chiến sĩ du kích báo cáo rằng anh ta đã thấy 26 chiếc xe tải của Đức chạy về hướng Áo. Đây là một tín hiệu đáng chú ý. Tôi trình lên Trung tâm.

Đại tá Nikolay Patrahaltsev.
Tôi cử người của mình sang Áo, bảo anh ta xem tình hình ở Vienna thế nào, hãy quan sát những người lính Đức. Nhìn quân phục là biết họ từ mặt trận về hay ở hậu phương.
Người của tôi trở lại và xác nhận rằng có một đơn vị tăng thiết giáp vừa quay về từ chiến trường. Nhìn quân phục biết ngay họ là lính mặt trận: rách rưới, sờn cũ…
Nhưng vấn đề là làm sao kiểm tra thông tin này? Liệu thông tin viên của tôi có thật sự đến Áo không? Tôi nói, rất tốt, cậu hãy mang cho tôi xem một vé xe điện hoặc xe buýt của Áo.
Cậu ta không mang vé xe đến, nhưng lại tặng tôi một tờ báo Áo. Tờ báo khá thú vị. Tôi đọc kỹ. Trong một mẩu tin nhỏ ở trang cuối, tôi thấy một thông báo không có vẻ gì là quan trọng: "Sắp tới, một dàn nhạc quân đội sẽ biểu diễn tại công viên thành phố".
Tôi đề nghị Trung tâm cho phép đến Vienna để nghe dàn nhạc quân đội biểu diễn. Tuy nhiên, Trung tâm đã từ chối và yêu cầu tôi cho biết tên của nhạc trưởng. Sau khi cung cấp thông tin, tôi được biết rằng hồ sơ của Cục Thông tin thuộc GRU đã phát hiện một chi tiết quan trọng. Viên nhạc trưởng thực chất là chỉ huy dàn nhạc của một trong các sư đoàn của quân đoàn tăng thiết giáp, vốn đã "mất tích". Đây chỉ là một mẩu tin nhỏ, nhưng giá trị của nó vô cùng lớn.

Nữ tình báo Maria Kozlova.
Chỉ một câu tiếng Đức
Năm 1943. Leningrad lạnh và đói. Trung sĩ Dmitry Ashurkov thuộc Sư đoàn vô tuyến 472, Mặt trận Leningrad đang có ca trực.
Anh ta đang nghe lén sóng phát thanh, nhưng trong đầu cứ lởn vởn những ý nghĩ về thức ăn. Sóng phát thanh đầy những âm thanh xa lạ. Còn thông tin của quân Đức, vốn rất cần thiết đối với nhân viên tình báo vô tuyến Ashurkov, lại im bặt. Cái đói và lạnh khiến anh buồn ngủ.
Đột nhiên, một giọng nói khàn khàn hoàn toàn xa lạ, cất lên qua sóng radio vỡ vụn một câu duy nhất, thoạt nghe có vẻ chẳng có ý nghĩa gì:
- "Tôi sẽ hạ cánh sau một phút...".
Trung sĩ Ashurkov thậm chí còn nghi ngờ liệu mình có nghe nhầm vì đói hay không. Tuy nhiên, anh liếc nhìn đồng hồ: 14 giờ 07 phút. Vậy là, vào lúc 14 giờ 07 phút ngày 19/3/1943, máy bay Đức đã hạ cánh.
Vì chỉ có phi công chỉ huy mới liên lạc với đài kiểm soát sân bay, nên có thể kết luận rằng một tốp máy bay Đức đã hạ cánh.
Theo dữ liệu từ hệ thống định vị, các máy bay địch đã hạ cánh xuống sân bay Kotly.
Sau 40 phút, tốp máy bay Đức thứ hai cũng đã hạ cánh. Một báo cáo khẩn cấp đã được gửi tới Phòng Tình báo mặt trận và Trung tâm Chỉ huy Quân đoàn không quân 13, thông báo về khả năng hai tốp máy bay địch đã hạ cánh tại sân bay Kotly.
Máy bay trinh sát của Liên Xô đã cất cánh thực hiện nhiệm vụ và xác nhận các thông tin tình báo vô tuyến. Trên sân bay, có khoảng 20 máy bay ném bom của phát xít, và điều quan trọng là không hề có hệ thống phòng không nào.
Một trận mưa bom dữ dội đã ập xuống đội máy bay “Junkers-88” của Đức. Sau đó, các phi công đã gửi những bức ảnh chụp các máy bay Đức đang bốc cháy cho các nhân viên tình báo vô tuyến như một cử chỉ tri ân.
Chỉ một câu tiếng Đức đơn giản đã khiến bọn phát xít phải trả giá bằng hai chục máy bay ném bom”.

Đại úy Viktor Lyubimov ở Hà Lan.
"Đôi khi người già cũng có thể sai lầm "
Đại úy Viktor Lyubimov, phụ trách cơ sở tình báo quân sự Liên Xô tại Hà Lan, đang chuẩn bị một cuộc gặp bí mật với điệp viên ở Rotterdam. Có rất nhiều vấn đề cần giải quyết - thảo luận về quy trình làm việc trong vài tháng tới, thực hiện thanh toán cho các tài liệu mà điệp viên trước đó đã cung cấp, và đơn giản là trò chuyện với nhau.
Viktor Lyubimov là một người giàu kinh nghiệm. Ông đã từng làm việc ở Mỹ, Pháp với tư cách sĩ quan tác chiến, phó trưởng cơ quan tình báo. Hiện nay ông phụ trách cơ sở tình báo tại Hà Lan dưới vỏ bọc phó đại diện thương mại.
Cuộc gặp với điệp viên quý giá đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Thế nhưng, một chi tiết nhỏ đã bị bỏ qua…
Đúng giờ hẹn, vào khoảng giữa trưa, một nhân viên của cơ sở tình báo cho sếp xuống xe ở một con phố của Rotterdam, cách công viên thành phố không xa.
Lyubimov cẩn thận quan sát xung quanh, kiểm tra xem liệu có ai đang bám theo mình hay không... May mắn thay, dường như không có dấu hiệu nào cho thấy ông bị theo dõi. Trấn tĩnh lại, ông bước về phía điểm hẹn. Nhưng thật khó diễn tả hết sự ngạc nhiên của Lyubimov khi trên đường đi, ông bất ngờ gặp một viên cảnh sát - rồi không lâu sau đó, thêm hai người nữa. Cảm thấy có điều bất thường, ông lập tức rẽ vào một con hẻm nhỏ, len lỏi qua vài con phố rồi lại tiếp tục hướng về phía công viên. Thế nhưng, ngay ở khúc rẽ kế tiếp, ông lại nhìn thấy... một cảnh sát khác.
“Chuyện gì đang xảy ra vậy? Sao lại có nhiều cảnh sát đến thế?”- Quả thật có lý do để lo lắng. Một nhà ngoại giao Liên Xô trên các con phố ở Rotterdam với một khoản tiền khá lớn trong túi. Sẽ giải thích thế nào nếu bạn bị bắt ngay tại chỗ?
Câu hỏi đặt ra là: liệu có nên tiếp tục gặp điệp viên không? Nếu có, thì giấu tiền ở đâu? Không thể mang theo tiền qua hàng loạt chốt kiểm soát của cảnh sát, được dựng lên không rõ vì lý do gì.
Và rồi Lyubimov quyết định đến khu vực điểm hẹn để quan sát tình hình trước, không tiếp xúc trực tiếp, chỉ ra hiệu lệnh “đi theo tôi”.
Nhưng trước hết, phải tống khứ số tiền đi. Trong trường hợp sự việc diễn biến bất lợi, nó cũng sẽ là một bằng chứng gián tiếp. Nói “tống khứ” thì dễ... Nhưng chẳng lẽ lại ném vào thùng rác?
Vậy thì, phải tìm một nơi cất giấu. Nhưng nơi cất giấu không thể chọn bừa. Nó phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhưng lúc này, thời gian không còn nhiều. Lyubimov đành giấu gói tiền đâu đó sau một ống thoát nước và tiếp tục bước nhanh về phía công viên. Cảnh sát xuất hiện ngày càng nhiều.
Chỉ khi bước vào công viên, ông mới hiểu ra mọi chuyện. Ông chợt nhớ ra là mình đã nghe nói về một cuộc tụ tập của giới hippie ở Rotterdam, nhưng lại quên mất ngày tổ chức.
Nhận ra điệp viên từ xa, Lyubimov giơ tay ra hiệu. Sau đó, ông đi vòng qua vài khu phố và đến điểm hẹn - một quán cà phê nhỏ ở vị trí đã thỏa thuận từ trước. Không lâu sau, điệp viên cũng xuất hiện. Hai người uống cà phê. Lyubimov giải thích tình hình. Phải hành động nhanh - liệu gói tiền còn ở chỗ cũ không, vì đó là nơi không an toàn? Việc lấy lại gói tiền sẽ do điệp viên thực hiện theo tín hiệu của Lyubimov. May mắn thay, mọi việc diễn ra suôn sẻ.
Trên đường trở về cơ quan, Viktor Lyubimov suy nghĩ mãi về vai trò quan trọng của những chi tiết nhỏ trong cuộc đời của một nhà tình báo.