Trọn tình với biển, đảo Tây Nam: Biển, đảo Tây Nam thay đổi từng ngày (bài cuối)

Tháng 6, Đoàn công tác tỉnh Long An đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Chuyến đi có nhiều ý nghĩa nhưng hơn hết là đã gắn kết thêm tình quân - dân cá nước; thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Long An với biển, đảo quê hương. Vùng biển xinh đẹp ấy đã trải qua những đau thương trong quá khứ nhưng ngày nay, biển Tây Nam phát triển mạnh mẽ bằng những nguồn lực nội tại và sự đóng góp vật chất lẫn tinh thần của cả nước.

Bài cuối: Biển, đảo Tây Nam thay đổi từng ngày

Biển, đảo Tây Nam vẫn xinh đẹp, vẫn làm mê đắm lòng người. Sự thay đổi chúng tôi muốn nói ở đây là cuộc sống người dân. Hiện tại, dưới sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, biển, đảo Tây Nam như "khoác" lên "tấm áo mới". Ở đó, người dân không còn phải lặn hụp "ăn bữa nay, lo bữa mai" với thuyền, chài, thúng, mủng. Họ có nhiều lựa chọn hơn trong nghề nghiệp, không phải nhờ “trời thương” nữa mà đã chủ động hơn, lo được cho bản thân và gia đình.

Nghề xe honda ôm xứ đảo

Tàu cập cảng Nam Du, chúng tôi nhìn lên Trạm ra đa 600 mà ngán ngẩm bởi nếu phải lội bộ lên ngọn núi cao 309m so với mực nước biển, độ dốc bình quân 45% thì đúng là một thử thách. May thay, sau khi thắp hương tại Bia tưởng niệm nạn nhân tử nạn trong bão số 5, chúng tôi được một nhóm bác tài xe honda ôm chào mời với thái độ nhiệt tình, thân thiện.

Nhờ nghề chạy xe honda ôm, chú Nguyễn Văn Bia đủ chi phí sinh hoạt trong cuộc sống. Ngoài ra, chú còn là "hướng dẫn viên" cho du khách

Nhờ nghề chạy xe honda ôm, chú Nguyễn Văn Bia đủ chi phí sinh hoạt trong cuộc sống. Ngoài ra, chú còn là "hướng dẫn viên" cho du khách

Đường lên đỉnh núi rợp bóng cây rừng nguyên sinh, có những chỗ nhìn ra biển đẹp vô cùng. Thế nhưng, chúng tôi còn không dám nhìn lâu huống chi là vươn máy ảnh ra để chụp lại khung cảnh ấy. Bởi đường rất dốc, toàn bộ hành trình xe chỉ chạy số 1, số 2, người ngồi sau không bám chắc bác tài thì khả năng bật ngược ra phía sau rất cao. Việc xảy ra tai nạn giữa nơi núi non hiểm trở, vách đá cheo leo có thể gây ra những hậu quả khó lường.

Sau khi hoàn tất công việc trên trạm, chúng tôi mới có thời gian lắng nghe câu chuyện của chú chạy xe ôm. Chú tên Nguyễn Văn Bia, nhà ở huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang). Chú ra đảo Nam Du từ năm 1983, lấy vợ rồi lập nghiệp tại đây. Lúc trước, chú có ghe đánh bắt hải sản. Dân đi biển cần có sức khỏe dẻo dai, tráng kiện, trong khi chú dần lớn tuổi. Nhận thấy không trụ nổi với nghề nên chú bỏ biển lên bờ. Lúc ấy, Nam Du đang nổi lên là một hòn đảo đẹp, khung cảnh thơ mộng nên thu hút nhiều du khách. Vậy là chú quyết định bán ghe, mua xe máy chở khách du lịch, đến nay cũng ngót nghét 15 năm.

Xe máy ở Nam Du đa phần xe số vì phù hợp với địa hình đồi núi. Xe mua về phải “độ” lại cho thêm cứng cáp; cứ 6 tháng thay nhông, sên, dĩa, vỏ xe 1 lần; còn nhớt phải thay đều đặn 30 ngày/bình. Theo chú Bia, muốn chạy xe ôm ở Nam Dun cần thông thuộc đường đi lối lại, phải biết chỗ nào có dốc, cua gấp, nếu không xảy ra tai nạn như chơi. Chú Bia và những bác tài khác ý thức rằng nghề của họ vừa để kiếm cơm, vừa là “bộ mặt” của địa phương bởi khi tàu cập cảng Nam Du là thấy ngay một bãi xe máy hàng chục chiếc. Do đó, họ luôn thân thiện, mến khách, vừa chạy xe, vừa giới thiệu cho du khách về văn hóa, con người xứ đảo.

Chú Bia kể, bạn của chú có người chạy xe ôm, sau này khá lên, mua thêm xe để cho thuê, cuộc sống dần tốt hơn so với trước.Ở tuổi 65, chú Bia không thể "bon chen" như hồi trẻ. Nhưng nhờ chạy lâu năm, lại được cái tính điềm tĩnh, kỹ càng nên chú có nhiều khách mối, thu nhập mỗi ngày từ 200.000-300.000 đồng. Chú Bia chia sẻ: “Tôi và vợ đều có bệnh nền, mỗi tháng phải vào bệnh viện trong Kiên Giang lấy thuốc. Cũng may nhờ cái nghề xe ôm này mà chúng tôi sống được. Nghề này khó làm giàu nhưng được cái rất vui. Tôi ở đảo nhưng biết nhiều điều vì khách du lịch đến từ khắp nơi trên đất nước, họ kể tôi nghe rất nhiều chuyện trong đất liền”.

Từ cảng Nam Du nhìn vào khu chợ đông đúc trước mặt, chúng tôi thấy những bác tài len lỏi trong cuộc mưu sinh. Họ vẫn kiên trì với biển trời xinh đẹp này, mặc kệ núi cao, vực sâu và muối mặn.

Giờ đỡ lắm, chú ơi!

Bến tàu Nam Du tấp nập khách du lịch

Bến tàu Nam Du tấp nập khách du lịch

Đó là lời của bà Lê Ngọc Dung (71 tuổi, người dân trên đảo Hòn Đốc) khi kể cho chúng tôi nghe về hành trình gánh nước ngọt của mình. Hồi ấy, một số nơi trên núi có chứa nước mưa, người dân quảy thùng, gánh từng đôi xuống núi. Đường dốc, có người vấp té làm nước đổ hết. Hiện tại, nước ngọt đã tới nhà, người dân rất phấn khởi. Cũng theo lời bà Dung, ngày xưa, dân trên đảo chủ yếu sống bằng nghề cào, lặn. Hiện tại, khách du lịch đông hơn, nhiều người chạy xe ôm, xe điện, mở quán tạp hóa, đời sống cải thiện hơn trước, không còn quá lệ thuộc vào biển. Cơ sở vật chất của đảo được nâng cấp khang trang hơn. “Tôi được sự giúp đỡ rất nhiều từ mấy chú bộ đội. Thỉnh thoảng, các chú tặng quà, động viên tôi cố gắng vươn lên trong cuộc sống” - bà Dung bộc bạch.

Có được sự đổi thay ấy một phần nhờ người dân trên các đảo luôn được sự quan tâm, chia sẻ từ nhiều cơ quan, đơn vị khắp cả nước. Trong chuyến hành trình của mình, Đoàn Long An đã tặng nhiều phần quà gồm hiện vật và tiền mặt cho cán bộ, chiến sĩ, người dân trên các đảo đặt chân đến. Nhiều địa phương đã ghi nhận tấm lòng của các đơn vị, tổ chức. Đơn cử, tại xã đảo Thổ Châu, nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, các đoàn công tác tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo và học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Trong đó, Đoàn Chủ tịch nước tặng 25 phần quà cho các gia đình chính sách, người có công, tổng trị giá 87,5 triệu đồng; tặng 15 phần quà cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi, tổng trị giá 37,5 triệu đồng. Đoàn Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 tặng 7 phần quà cho các gia đình chính sách và 1 tấn gạo cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá 23,5 triệu đồng,...

Cũng tại xã đảo Thổ Châu, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình KT-XH tiếp tục ổn định và có bước phát triển, nhiều chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đạt kế hoạch đề ra, tăng so cùng kỳ. Trong đó, các ngành thương mại - dịch vụ tăng 0,51%, tiểu thủ công nghiệp tăng 3,57%, khai thác, nuôi trồng hải sản tăng 2,84%, sản xuất nông nghiệp tăng 1,3%, vận tải hành khách đạt 11.890 lượt người,... Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Châu - Nguyễn Thanh Nhiệm cho biết, thời gian tới, UBND xã tiếp tục chỉ đạo, rà soát các chỉ tiêu, lĩnh vực phát triển còn chậm, tập trung đề ra các giải pháp hợp lý. UBND xã cũng sẽ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động, bảo đảm các hoạt động đúng theo quy định pháp luật.

Chúng tôi ngồi lặng lẽ bên bờ biển, nhìn dòng người nhộn nhịp bên chợ mà lòng khấp khởi mừng. Ở đó có những hàng quán đông đúc khách du lịch, những nụ cười luôn thường trực trên môi. Biển, đảo nơi đây như viên ngọc đang được mài giũa, tóe lên những tia lấp lánh. Ánh sáng của khoa học hiện đại, ấm áp của tình người, thiên nhiên hùng vĩ, kiều mị làm bật lên vẻ đẹp Tây Nam. Chúng tôi thiết nghĩ, sự phát triển của biển, đảo Tây Nam cũng cần đồng bộ nhiều yếu tố, làm sao để đời sống người dân ngày một tốt hơn nhưng không mất chất biển, chất đảo là một bài toán khó. Chúng tôi tin rằng, biển, đảo Tây Nam sẽ còn vươn cao, vươn xa hơn nữa./.

Bài 3: Những “đôi mắt thần” nơi biển, đảo Tây Nam

Đoàn công tác tỉnh đến thăm các trạm ra đa 625 (Hòn Đốc), 600 (đảo Nam Du), 610 (đảo Thổ Chu) thuộc Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân

Châu Thanh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tron-tinh-voi-bien-dao-tay-nam-bien-dao-tay-nam-thay-doi-tung-ngay-bai-cuoi--a178737.html
Zalo