Trở thành người bạn thân thiết của nhân dân

Chính quyền địa phương 2 cấp trên cả nước đã chính thức đi vào hoạt động được 2 ngày. Bỏ qua những bước chạy đà, các phường, xã và tỉnh, thành phố đã bắt nhịp ngay với vị thế mới, công việc mới. Người dân ở nhiều địa phương trên cả nước cũng hồ hởi, phấn khởi.

Phấn khởi là bởi, giờ đây, một số thủ tục đã được chuyển về xã, phường thực hiện, chứng thực, điển hình như việc Chủ tịch UBND xã, phường sẽ được ký cấp sổ đỏ lần đầu. Và, riêng trong lĩnh vực đất đai sẽ có 14 thủ tục liên quan đất đai do cấp xã giải quyết. Điều này, chắc chắn sẽ đem lại một bước đột phá về thủ tục hành chính liên quan đất đai, rút ngắn thời gian xử lý các công việc.

Cùng với đó, cán bộ cơ sở sẽ thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với người dân và lắng nghe tiếng nói từ cơ sở để điều chỉnh cách tiếp cận công việc, từ đó phục vụ dân tốt hơn. Đó có lẽ cũng là một trong những nguyên do quan trọng để Đảng ta chủ trương thu gọn hay nói cách khác là cải cách bộ máy hành chính theo hướng: Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả.

Trong vận hành bộ máy mới, rõ ràng, cấp xã đã làm thay công việc mà cấp huyện (trước kia) để lại vì phân cấp, phân quyền đã rõ ràng, mạch lạc. Muốn làm tốt công việc được giao, công chức cấp xã không có cách nào khác là phải nỗ lực học hỏi, vững chuyên môn và luôn biết lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với người dân. Có như thế, mỗi công chức mới thực sự là “người bạn dân”, là công bộc của dân.

Điều này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sau khi đi kiểm tra công tác thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp tại Hà Nội, TPHCM và trong cuộc làm việc tại phường Tây Hồ (Hà Nội). Quan điểm là không phải chỉ làm cho tròn chức trách mà “phải làm việc với tinh thần đến nơi đến chốn, có kết quả, làm cho người dân hài lòng”. Thậm chí, theo Tổng Bí thư, thấy dân băn khoăn gì phải lao vào, lao đến để hỗ trợ, tiếp sức, hướng dẫn, động viên, gợi ý cho người dân. “Dân người ta biết hết, xã hội có cái gì, cần cái gì, dân biết hết. Cán bộ mà không biết dân cần cái gì nữa thì rất dở, còn dở hơn nữa là biết mà không làm, thấy không có quyền lợi gì là lơ đi, thì càng dở" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Chính quyền địa phương 2 cấp - một mô hình rất mới, rất khác so với trước đây ở nước ta, nó đòi hỏi cán bộ nhiều hơn cả về trình độ cũng như cái tâm; nhưng có một điều bất biến: Dù là chính quyền cấp nào, cán bộ phải luôn rèn giũa bản thân để trở thành “người đầy tớ” đúng nghĩa của nhân dân. Phải biết hòa mình với những gian khó của dân; biết giúp dân vượt qua gian khó ấy. Muốn như vậy, mỗi cán bộ công chức không chỉ cần có khát vọng cống hiến mà phải lấy khát vọng ấy làm kim chỉ nam cho việc rèn bản lĩnh, nâng trí tuệ, đạo đức công vụ. Và, quan trọng nhất là phải hết lòng phụng sự nhân dân.

Hoàng Mai

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tro-thanh-nguoi-ban-than-thiet-cua-nhan-dan-10309423.html
Zalo