Trợ lực mới thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo
Sử dụng các kênh tiêu thụ mới, hiện đại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo đã trở thành xu thế kinh doanh tất yếu, hướng đến kinh doanh hiện đại và bền vững.
Những năm gần đây, việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo đã đem lại những kết quả tích cực cho kinh tế và thương mại hàng hóa trên các địa bàn, thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại, bền vững. Nhiều sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Triển khai chương trình "Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo", Bộ Công Thương luôn coi việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và được lồng ghép vào nhiều hoạt động phát triển, kết nối khác. Từ đó, Bộ Công Thương đã tổ chức hoạt động nhằm hình thành chuỗi cung ứng, kích thích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư, thúc đẩy sản xuất tiêu thụ sản phẩm.
Các hoạt động đã thu hút sự vào cuộc, chung tay của các hệ thống phân phối lớn như Saigon Co.op; Central Retail, Winmart, MM Market Aeone, các chuỗi cửa hàng đặc sản, các kênh thương mại điện tử… tham gia kết nối tiêu thụ. Các hệ thống này đã tổ chức ưu tiên trưng bày và có các sự kiện kích cầu riêng cho sản phẩm này, tạo hiệu quả rõ rệt.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các địa phương tổ chức thành công nhiều sự kiện như hội chợ trưng bày, giới thiệu các đặc sản của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Từ đó, nhiều đặc sản vùng, miền như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh Quảng Nam, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sapa Lào Cai, rượu sim Phú Quốc Kiên Giang… cũng mở đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Về phía các địa phương, nhiều nơi đã tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối với các hệ thống phân phối để tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Cụ thể, Hải Phòng trong thời gian qua chú trọng vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tích cực triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo như: Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng… Đồng thời, Hải Phòng cũng tổ chức hỗ trợ đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng bà con khu vực biển đảo tới các địa phương và tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại.
Với tỉnh Yên Bái, thời gian gần đây, nhiều sản phẩm vùng núi và bà con tỉnh Yên Bái đã có mặt tại các siêu thị, các cửa hàng đặc sản ở Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước. Đây là các đặc sản quý mang tính đặc sắc của vùng miền cao, có nguồn gốc tự nhiên, có vùng nguyên liệu an toàn, hữu cơ, được sản xuất truyền thống… như Bưởi Đại Minh, gạo nếp Tú Lệ, miến Giới Phiên, thịt sấy gác bếp, quế Văn Yên, lạc đỏ Lục Yên…
Tiếp tục hỗ trợ thương mại hóa và mở rộng chuỗi cung ứng sản phẩm miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết: "Về phía Bộ Công Thương, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiến hành triển khai một số giải pháp vừa ban hành kịp thời trong thời gian qua.
Một là, hướng dẫn các địa phương triển khai tổ chức những hoạt động gắn giữa văn hóa, du lịch với thương mại như các lễ hội, hội chợ để vừa tôn vinh văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, vừa phát triển và bán được sản phẩm hàng hóa của bà con. Trên tinh thần chúng tôi hướng dẫn không phải chỉ bán hàng hóa sản phẩm mà còn là bán giá trị trong gắn kết cả văn hóa vào sản phẩm.
Hai là, Bộ Công Thương sẽ tổ chức triển khai nhóm giải pháp lồng ghép các Chương trình và Đề án cùng với việc truyền thông trong triển khai các giải pháp này.
Ba là, thông qua các Đề án, Chương trình Bộ Công Thương xây dựng những mô hình thí điểm phù hợp với điều kiện kinh tế từng vùng, miền, đặc biệt là mô hình thí điểm về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Bốn là, Bộ Công Thương sẽ tổ chức đào tạo được nguồn nhân lực về quản lý nhà nước, về kinh doanh cho bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, và cả các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực để hỗ trợ nâng cao nhận thức và hỗ trợ trong việc tiêu thụ hàng hóa một cách thuận lợi hơn.
Năm là, đẩy mạnh nhóm mà giải pháp như tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tới cộng đồng người tiêu dùng trong nước và quảng bá qua kênh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài.
Bộ Công Thương hiện có trên 40 đại diện thương mại tại các nước trên thế giới, tôi cho rằng đây là một kênh có thể khai thác, truyền tải được một cách nhanh chóng và trực tiếp đến các thị trường tiềm năng, khi đó chúng ta có thể vừa thu hút được, bán được các sản phẩm hàng hóa, cũng là thu hút được cả du lịch cũng như khai thác được tiềm năng để đầu tư phát triển những khu vực này đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng đang và sẽ rà soát lại những văn bản quy phạm pháp luật đang triển khai để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem cần phải cập nhật gì trong bối cảnh mới, tình hình mới, đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Những hoạt động này được kỳ vọng sẽ giúp ích được trong việc phát triển kinh tế xã hội nói chung cũng như hoạt động thương mại của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong thời gian tới".