Trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Chiều 27-11, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trình bày tờ trình về việc tiếp tục chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực hiện Nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ trình Quốc hội về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Hiện nay, điện hạt nhân ngày càng được nhiều nước quan tâm và tiếp tục phát triển trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm an ninh năng lượng.

 Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường dự phiên họp của Quốc hội chiều 27-11. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường dự phiên họp của Quốc hội chiều 27-11. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam mang lại nhiều tác dụng như đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng. Đáp ứng nhiệm vụ kép vừa cung cấp điện nền, vừa bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất điện trung bình của điện hạt nhân có thể cạnh tranh được với các nguồn truyền thống khác. Phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân.

 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: VIẾT CHUNG

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, cơ quan thẩm tra thống nhất việc cần thiết về tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Bởi trong bối cảnh kinh tế xã hội toàn cầu biến động, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao.

Vì vậy việc tiếp tục triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cấp thiết, bảo đảm mục tiêu cung cấp nguồn điện có quy mô công suất đủ lớn, ổn định, là nguồn năng lượng xanh và bền vững. Để tái khởi động dự án này, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận phù hợp thực tế.

Tính đến cuối tháng 8-2024, trên thế giới có 415 lò hạt nhân năng lượng đang vận hành, với tổng công suất lắp đặt 373.735 MWe, và 62 lò đang được xây dựng với tổng công suất khoảng 64.971 MWe.

Bên cạnh 32 nước đang sở hữu và vận hành các nhà máy điện hạt nhân, 20 quốc gia khác đang xem xét phát triển để đáp ứng nhu cầu năng lượng, hiện thực hóa các cam kết khí hậu.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao. Tổng công suất hệ thống điện hiện nay khoảng 80 GW, cần thêm khoảng 70 GW đến năm 2030 và 400-500 GW đến năm 2050.

VĂN MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/trinh-quoc-hoi-chu-truong-dau-tu-du-an-dien-hat-nhan-ninh-thuan-post770319.html
Zalo