Trình Chính phủ dự thảo 3 Nghị định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trước 25-7
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo 3 Nghị định quy định Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trình Chính phủ trước 25-7.
Sáng 17-7, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã chủ trì cuộc họp với Bộ Tài chính và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lấy ý kiến đối với 3 dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15).

Toàn cảnh cuộc họp sáng 17-7. Ảnh: VGP
Chi tiết 3 dự thảo Nghị định
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm 6 chương, 37 điều. Nghị định hướng dẫn các nội dung về phân công, phân cấp, giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước liên quan đến quản lý và đầu tư vốn nhà nước.
Dự thảo Nghị định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo, công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm 6 chương, 52 điều. Trong đó, quy định đánh giá, xếp loại doanh nghiệp theo 7 chỉ tiêu.
Dự thảo này cũng đề xuất 2 chỉ tiêu mới so với Nghị định 87/2015 là Chỉ tiêu 6 - thực hiện hoạt động đầu tư của doanh nghiệp và Chỉ tiêu 7 - Thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước.
Dự thảo Nghị định cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp gồm 8 chương, 101 Điều và 3 phụ lục kèm theo quy định các nội dung về: Cổ phần hóa doanh nghiệp; chuyển đổi doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên và chuyển đổi doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ trở lên; hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể doanh nghiệp; chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên; chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chuyển giao dự án đầu tư, vốn, tài sản của doanh nghiệp; chuyển giao quyền mua cổ phần, quyền ưu tiên mua cổ phần, quyền ưu tiên mua phần vốn góp; quy định chuyển tiếp các nội dung có liên quan.
So với các quy định hiện hành, dự thảo nghị định bổ sung các nội dung về giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất khi cổ phần hóa; quy định về cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa; về cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, phê duyệt giá trị doanh nghiệp, phê duyệt quyết toán cổ phần hóa của doanh nghiệp cấp 2.
Về sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể doanh nghiệp, dự thảo bổ sung quy định sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp cấp 2 vào doanh nghiệp cấp 1.
Đồng thời, dự thảo quy định cụ thể về giải thể công ty nông, lâm nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; quy định về chuyển giao dự án đầu tư, vốn, tài sản giữa các doanh nghiệp; tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước.
"Luồng gió mới" thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước
Tại hội nghị, lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty: SNP, Viettel, PVN, EVN, VNPT, VNR, TKV, VEC, BECAMEX, SCIC, BIDV nhấn mạnh: Việc Quốc hội ban hành Luật số 68/2025 là "luồng gió mới" tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển.
Đánh giá cao nội dung dự thảo 3 nghị định hướng dẫn Luật, đại diện các doanh nghiệp cũng góp ý cụ thể về các quy định. Cụ thể, đại diện doanh nghiệp góp ý kiến về thẩm quyền phê duyệt chiến lược, kế hoạch phát triển doanh nghiệp; quản lý vốn điều lệ; bảo toàn, phát triển vốn tại doanh nghiệp; đầu tư vốn; cho công ty con vay vốn; cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển giao vốn; định giá đất đai, tài sản khi cổ phần hóa; quản lý, vận hành các công trình trọng điểm quốc gia; cơ cấu lại, sắp xếp doanh nghiệp; trích lập dự phòng tại nước ngoài;…

Lãnh đạo doanh nghiệp phát biểu góp ý các dự thảo. Ảnh: VGP
Ngoài ra, lãnh đạo các doanh nghiệp cũng góp ý về chỉ tiêu, phương thức đánh giá, xếp loại doanh nghiệp; tiêu chí đánh giá người đại diện chủ sở hữu trực tiếp; trình tự, thẩm quyền xử lý các khoản tài chính tồn đọng; quy trình chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; phân phối lợi nhuận sau thuế…
Tại cuộc họp, đại diện TP.HCM; NHNN, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tư pháp cũng góp ý các quy định về tăng vốn điều lệ; phân cấp thẩm quyền đầu tư vốn; định giá giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa; cơ cấu lại doanh nghiệp; quản lý ngân hàng thương mại nhà nước sở hữu trên 50% cổ phần; tiêu chí đánh giá doanh nghiệp; mức chỉ định thầu…
Hoàn thiện dự thảo 3 nghị định trình Chính phủ trước ngày 25-7
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Quốc hội ban hành đã thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, đặc biệt là các Nghị quyết 57, 66 và 68.
Luật không chỉ tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong hoạt động của doanh nghiệp mà còn có nhiều điểm mới mang tính đột phá trong phân cấp, phân quyền, nâng cao tính tự chủ, khơi thông nguồn lực.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo 3 Nghị định quy định Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trình Chính phủ trước 25-7.
Để Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đi vào cuộc sống, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện dự thảo các nghị định trên tinh thần tập trung tháo gỡ vướng mắc, bất cập về quy định phân cấp, phân quyền và tập trung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường thanh tra, giám sát.
Cùng với đó, phải thực hiện nghiêm chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính, không tạo cơ chế xin - cho; không gây phiền hà, ngăn chặn tình trạng sách nhiễu người dân, doanh nghiệp.
Nhấn mạnh phải có tư duy đổi mới, giải pháp đột phá và tầm nhìn chiến lược lâu dài; kiến tạo phát triển, tránh lợi ích cục bộ, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ chế phải đảm bảo cơ sở thực thi, phù hợp thực tiễn, giải quyết được những khó khăn vướng mắc, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu phát triển.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc giao Bộ Tài chính tổng hợp đầy đủ ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp và ý kiến tại cuộc họp; rà soát các quy định chuyển tiếp; phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo 3 nghị định trình Chính phủ trước ngày 25-7 tới.