Triển lãm Quốc tế về công nghệ: Kết nối giao thương, thu hút doanh nghiệp công nghệ
Xây dựng thành phố thông minh, Bình Dương lấy khoa học công nghệ là 'chìa khóa' cho sự phát triển. Để xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hàng đầu Việt Nam, dẫn đầu về đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, phát triển hệ sinh thái khu công nghiệp 4.0, trở thành thành phố thông minh trong giai đoạn mới, tỉnh đang đẩy mạnh hợp tác với các đối tác nước ngoài, phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo. Đồng thời, thông qua các triển lãm quốc tế tổ chức tại Bình Dương, tỉnh thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương ngày càng mở rộng, thu hút mạnh các doanh nghiệp công nghệ máy móc và tự động hóa.
Tăng cường kết nối hợp tác giao thương
Hiện lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang chiếm 74% tổng vốn đầu tư đăng ký FDI vào Bình Dương. Tỉnh đang tiếp tục cấu trúc lại mạng lưới công nghiệp nội tỉnh, nâng cấp các KCN hiện hữu trở thành các KCN thông minh với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0, giúp nhà đầu tư triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhanh chóng và hiệu quả.
Thông qua các triển lãm quốc tế tổ chức tại Bình Dương, tỉnh thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương ngày càng mở rộng, thu hút mạnh các doanh nghiệp công nghệ máy móc và tự động hóa.
Hơn 400 gian hàng của nhiều doanh nghiệp đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia tại Triển lãm Điện và Năng lượng 2024 và Triển lãm Tự động hóa Việt Nam 2024
Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc Trung tâm Thương mại Thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC), cho biết: “Việc tổ chức các triển lãm quốc tế có ý nghĩa rất lớn trong quá trình Bình Dương nỗ lực nâng tầm sản xuất công nghiệp. Thông qua các triển lãm quốc tế chúng tôi cố gắng phối hợp tổ chức các hội thảo chuyên ngành để quy tụ các chuyên gia, diễn giả uy tín, lãnh đạo DN, nhà sản xuất hàng đầu trong và ngoài nước giao lưu, trao đổi, chia sẻ các cơ hội phát triển, sáng kiến mới. Đồng thời, tạo môi trường giao thương sôi động, hợp tác kinh doanh phát triển mạng lưới chuỗi sản xuất, cung ứng dịch vụ, tiêu dùng bền vững”.
Theo bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, Bình Dương luôn tạo mọi điều kiện để các DN đổi mới trong sản xuất công nghiệp. Ngành công thương đã và đang tích cực hỗ trợ các DN địa phương tăng cường kết nối giao thương với các DN trong, ngoài nước để tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp. Đồng thời, ngành cũng ưu tiên hỗ trợ các dự án sản xuất với công nghệ và giá trị gia tăng cao, khuyến khích đầu tư phát triển trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị, điện tử công nghệ cao.
Gần đây nhất, nằm trong chuỗi các hoạt động sự kiện công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bình Dương đã tổ chức Triển lãm Điện và Năng lượng 2024 và Triển lãm Tự động hóa Việt Nam 2024. Với mục tiêu giới thiệu các giải pháp và công nghệ tiên tiến trong hai lĩnh vực: điện - năng lượng và tự động hóa, hai triển lãm đã thu hút 300 đơn vị, tổ chức với hơn 400 gian hàng từ hơn 1.000 doanh nghiệp đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Đức, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Việt Nam tham gia.
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết, các triển lãm quốc tế không chỉ là nơi trình diễn các giải pháp công nghệ tự động hóa mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp cập nhật những xu hướng mới trong lĩnh vực AI và tự động hóa thông minh. Các chuyên gia sẽ giới thiệu các giải pháp tối ưu hóa sản xuất, giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh, thay đổi toàn diện mọi khía cạnh trên thế giới. Để thành công trong thế giới công nghệ hiện đại, DN không chỉ cần đẩy mạnh công nghiệp hóa mà quan trọng ứng dụng tự động hóa, xu hướng không thể bỏ qua trong tương lai.
Ông Nguyễn Thanh Đảo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quảng cáo và Xúc tiến Thương mại Đông Nam, cho biết: tại triển lãm quốc tế, các DN đã được tìm hiểu, trải nghiệm hàng loạt công nghệ tiên tiến, hiện đại. Từ đó, DN có điều kiện lựa chọn đầu tư, trang bị các loại máy móc, thiết bị hiện đại, phù hợp.
Trong tháng 6-2024, Triển lãm Công nghiệp và sản xuất Việt Nam (VIMF 2024) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Triển lãm quốc tế - WTC Expo (Bình Dương). Triển lãm là hành trình kết nối cung cầu, đa dạng hóa các thiết bị, máy móc, giải pháp tự động ứng dụng trong công nghiệp, tạo động lực giúp các DN trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Triển lãm quy tụ hơn 450 tổ chức và DN đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các ngành hàng chủ yếu được trưng bày tại VIMF 2024 bao gồm: Cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ in, kho bãi và logistics, robot, công nghiệp phụ trợ... VIMF 2024 đã góp phần tạo cơ hội cho việc kết nối và thúc đẩy giao thương giữa các nhà cung cấp thiết bị, máy móc công nghệ với các nhà sản xuất. Tham gia triển lãm có các thương hiệu như: Siemens, Mitsubishi, Autonics, Hanyoung Nux, Emin, Kawasaki, Fanuc, Logiform, Interoll, Brother, Astec, RTC, Tan Hung,...
Đại diện Công ty Cổ phần RTC Technology Việt Nam, cho biết, triển lãm tạo động lực giúp các DN trong nước tập trung nguồn lực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, thực hiện theo chiến lược phát triển nhóm ngành ưu tiên như: công nghiệp cơ khí chế tạo, tự động hóa, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, điện tử, năng lượng mới và năng lượng tái tạo...
Hiện nay, nhiều DN tại Bình Dương đã tiên phong ứng dụng các công nghệ tự động hóa hiện đại vào quá trình sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại. Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm...
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh:
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, sản xuất thông minh và tự động hóa không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là đòn bẩy quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho tỉnh. Bình Dương đặt mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất thông minh, ứng dụng rộng rãi các giải pháp tự động hóa tiên tiến vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành công nghiệp địa phương.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh đã và đang thực hiện nhiều chiến lược và giải pháp đồng bộ trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ các DN trong việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh hợp tác DN trong và ngoài nước để chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và mở rộng thị trường