Trí thức Việt năm châu hợp sức phụng sự đất nước - Bài 1: Cộng hưởng nguồn lực trên 'giao lộ tri thức'

Trí thức trẻ Việt Nam ngày càng vươn xa, kết nối và hợp tác và thể hiện vai trò quan trọng trong cộng đồng trí thức quốc tế. Từ những cuộc giao lưu học thuật, các sáng kiến đổi mới sáng tạo, đến những nghiên cứu mang tính ứng dụng cao, trí thức trẻ người Việt đang cùng nhau xây dựng mạng lưới tri thức toàn cầu để lan tỏa giá trị khoa học và cùng nhau phụng sự đất nước.

Từ cú hích tích cực của Nghị quyết 57, giới khoa học có thêm sức bật trên các lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn. Trong đó, tinh thần “cộng hưởng” nguồn lực, kết nối nơ-ron tri thức góp phần hình thành các “giao lộ tri thức” phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Là một nhà khoa học nữ, TS. Nguyễn Thị Huyền Trang - nghiên cứu dịch tễ học ung thư, y tế công cộng tại Viện Công nghệ Sinh học và Y sinh Hanyang, Đại học Hanyang, Seoul, Hàn Quốc nhận thấy, việc trình bày một ý tưởng mới để đề xuất hay khởi xướng nghiên cứu liên ngành ở xứ người gặp nhiều thử thách.

TS. Nguyễn Thị Huyền Trang - nghiên cứu dịch tễ học ung thư, y tế công cộng tại Viện Công nghệ Sinh học và Y sinh Hanyang, Đại học Hanyang, Seoul, Hàn Quốc.

TS. Nguyễn Thị Huyền Trang - nghiên cứu dịch tễ học ung thư, y tế công cộng tại Viện Công nghệ Sinh học và Y sinh Hanyang, Đại học Hanyang, Seoul, Hàn Quốc.

Nữ tiến sĩ nhớ lại thời điểm khi trình bày đề cương nghiên cứu về bất bình đẳng trong chẩn đoán và điều trị ung thư tại Hàn Quốc. Dự án này khá phức tạp vì đòi hỏi sự kết nối dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau: bệnh viện, bảo hiểm y tế và chỉ số thiếu thốn cấp quận do chính quyền địa phương quản lý.

“Sau khi trình bày xong, tôi đã nhận được một câu hỏi khá thẳng thắn từ hội đồng khoa học: "Liệu dự án đa lĩnh vực như vậy có quá sức với em không?” Câu hỏi đó, dù nhẹ nhàng, cũng khiến tôi chững lại một chút”, chị Trang kể.

Để thuyết phục hội đồng, nữ tiến sĩ đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Chị đã cung cấp thông tin và bằng chứng chi tiết về kế hoạch và nội dung chuẩn bị, bao gồm việc trình bày sự sẵn có của hệ thống thông tin về chỉ số thiếu thốn cấp quận huyện. Chị cũng tự mình thực hiện việc trích xuất dữ liệu và chuyển đổi ngôn ngữ từ Hàn sang Anh, một phần việc không hề đơn giản.

Đó cũng là lúc nữ tiến sĩ trẻ tìm thấy "sợi dây" kết nối với học giả quốc tế. Sự hỗ trợ quý báu từ nhóm nghiên cứu quốc tế về chỉ số thiếu thốn cấp quận ở Hàn Quốc đã giúp chị tự tin hơn khi sử dụng và nghiên cứu tác động của chỉ số này đến việc chẩn đoán/điều trị ung thư và kết quả sống còn ở bệnh nhân ung thư.

"Tôi thở phào khi hội đồng đã nhất trí thông qua đề cương với sự khích lệ và tin tưởng. Kinh nghiệm đó giúp tôi hiểu rằng, với các nghiên cứu liên ngành, câu hỏi về quy mô hay năng lực điều phối, kết nối với học giả quốc tế rất quan trọng”, TS. Trang cho hay.

TS. Trang tham gia các hội thảo khoa học và tích cực kết nối với các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau phục vụ cho dự án nghiên cứu liên ngành.

TS. Trang tham gia các hội thảo khoa học và tích cực kết nối với các nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực khác nhau phục vụ cho dự án nghiên cứu liên ngành.

Khi trở thành một mảnh ghép trong nghiên cứu liên ngành, chị cũng gặp khó khăn để dung hòa hoặc cân bằng các ý tưởng với nhau bởi mỗi ngành sẽ có những mối quan tâm và kết quả đầu ra mong muốn khác nhau.

Chẳng hạn, với những nghiên cứu về dịch tễ học, chị quan tâm đến việc tìm ra những yếu tố bảo vệ để giúp bệnh nhân có kết quả đầu ra tốt nhất. Trong khi đó, những nghiên cứu về kinh tế-y tế lại cần quan tâm tới sản phẩm/điều trị nào có chi phí hiệu quả tốt nhất. Vì vậy, để dung hòa và cân bằng các ý tưởng này thực sự là một việc khó, đòi hỏi sự hợp tác và hỗ trợ chặt chẽ từ tất cả các bên tham gia.

"Điều này có nghĩa là mọi người cần lắng nghe, thấu hiểu quan điểm của nhau và cùng nhau tìm ra điểm chung để đạt được mục tiêu tổng thể của dự án. Không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng đó là điều kiện tiên quyết để dự án liên ngành thành công”, TS. Trang lý giải.

TS. Nguyễn Thị Huyền Trang tham gia các hoạt động kết nối học thuật.

TS. Nguyễn Thị Huyền Trang tham gia các hoạt động kết nối học thuật.

Những phát hiện từ nghiên cứu liên ngành của TS. Trang với học giả quốc tế đã cung cấp bằng chứng quan trọng để xây dựng các chính sách y tế công cộng tập trung vào việc cải thiện khả năng tiếp cận chẩn đoán và điều trị sớm ở các khu vực có mức độ thiếu thốn cao, nhằm giảm thiểu sự bất bình đẳng trong kết cục sống còn của bệnh nhân ung thư.

Đây là một minh chứng cho thấy hợp tác liên ngành và việc xem xét các yếu tố kinh tế xã hội có vai trò then chốt trong việc giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng phức tạp.

“Trong bối cảnh hiện nay, tôi tin rằng sự cộng hưởng tri thức đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thế giới đang đối mặt với những vấn đề ngày càng phức tạp, không thể giải quyết chỉ bằng một lĩnh vực khoa học đơn lẻ. Biến đổi khí hậu, dịch bệnh toàn cầu, bất bình đẳng xã hội hay các thách thức về kinh tế đều đòi hỏi một cách tiếp cận đa chiều, tích hợp kiến thức từ nhiều ngành khác nhau”, nữ TS nhận định.

Thực tế, sự cộng hưởng tri thức giúp tạo ra những giải pháp sáng tạo và toàn diện hơn. Khi các chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau cùng ngồi lại, họ mang theo những góc nhìn, phương pháp và kinh nghiệm độc đáo. Sự giao thoa này sẽ mở ra những ý tưởng mới mà một cá nhân hay một lĩnh vực không thể tự mình nghĩ ra.

Một mặt tiếp cận với tri thức mới ở môi trường quốc tế, TS. Trang cũng luôn "bắt tín hiệu" ở trong nước qua người đã đưa mình đến với nghiên cứu khoa học - GS. Trần Xuân Bách.

Một mặt tiếp cận với tri thức mới ở môi trường quốc tế, TS. Trang cũng thường xuyên giữ liên lạc về học thuật ở trong nước qua người đã đưa mình đến với nghiên cứu khoa học - GS. TS Trần Xuân Bách - Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu.

TS. Trang thường xuyên được GS. Bách kết nối và trao đổi chuyên môn liên ngành với học giả trong nước để mở rộng bối cảnh nghiên cứu và có thêm nhiều sáng kiến với nhóm đối tượng tiếp cận đặc thù ở Việt Nam.

“Thay vì mỗi lĩnh vực tự nghiên cứu và phát triển riêng lẻ, cộng hưởng tri thức trong nước và quốc tế cho phép chia sẻ nguồn lực, tránh lãng phí và tăng cường hiệu quả hơn. Khi các nhà khoa học cộng tác, chúng tôi không chỉ chia sẻ kiến thức mà còn xây dựng các mối quan hệ bền vững, tạo thành một mạng lưới hỗ trợ lẫn nhau, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu chung”, TS. Trang chia sẻ.

Để lọt top 2% nhà khoa học về chỉ số trích dẫn trên thế giới, PGS.TS. Phạm Minh Thông - giảng viên Đại học Nam Australia, nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc của Hiệp hội lớn nhất về vật liệu cốt sợi (FRP) trong xây dựng - Viện Quốc tế (IIFC), cho biết đó là kết quả của sự cộng hưởng từ nhiều phía, như môi trường học thuật cởi mở, sự hợp tác hiệu quả giữa các đồng nghiệp, đến sự đóng góp không nhỏ của các bạn nghiên cứu sinh, kỹ sư trẻ và doanh nghiệp cùng đồng hành.

Ngoài các hợp tác nghiên cứu xuyên quốc gia, anh vẫn duy trì hợp tác nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu sinh với đồng nghiệp đại học Bách Khoa TPHCM đã hơn 10 năm nay. Đã có nhiều tiến sĩ tốt nghiệp thông qua sự hợp tác này. Hơn nữa, anh đang đồng dẫn dắt một nhóm nghiên cứu về vật liệu xanh cho xây dựng tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Nhóm có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trẻ, năng động và rất tâm huyết với hướng đi bền vững cho ngành xây dựng trong nước.

 PGS.TS. Phạm Minh Thông - giảng viên Đại học Nam Australia, Nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc của Hiệp hội lớn nhất về vật liệu cốt sợi (FRP) trong xây dựng - Viện Quốc tế (IIFC).

PGS.TS. Phạm Minh Thông - giảng viên Đại học Nam Australia, Nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc của Hiệp hội lớn nhất về vật liệu cốt sợi (FRP) trong xây dựng - Viện Quốc tế (IIFC).

Song song đó, PGS.TS Phạm Minh Thông còn giữ vai trò trưởng nhóm nghiên cứu liên ngành tại Việt Nam về vật liệu tiên tiến và hạ tầng giao thông bền vững, kết nối các nhà khoa học từ Việt Nam, Úc và Tây Ban Nha.

“Đây là những diễn đàn mà tôi cố gắng tạo ra để các bạn trẻ có cơ hội tiếp cận công nghệ mới, nâng cao năng lực nghiên cứu, và dần khẳng định tiếng nói học thuật của Việt Nam trên trường quốc tế”, anh Thông nói.

PGS.TS. Phạm Minh Thông cùng các nhà khoa học quốc tế.

PGS.TS. Phạm Minh Thông cùng các nhà khoa học quốc tế.

Dẫn chứng về kết quả của việc huy động nguồn lực học thuật - tài chính - con người xuyên quốc gia để cùng phát triển nghiên cứu, PGS trẻ kể về công trình bê tông xanh kết hợp AI và vật liệu tái chế, được tài trợ bởi Quỹ nghiên cứu quốc gia Úc (ARC). Dự án đã quy tụ nhiều nguồn lực từ chuyên gia AI, nhóm chuyên gia vật liệu, các công ty khai thác khoáng sản ở Victoria và Nam Úc, cùng với đối tác ứng dụng là các doanh nghiệp lớn.

Muốn có đội ngũ có thể “xúc tác” về mặt ý tưởng, anh Thông đã kết nối được một đội ngũ nghiên cứu sinh trẻ, các giáo sư có kinh nghiệm, và kỹ sư trong ngành, mỗi người mạnh một mảng.

“Là người đứng đầu, tôi không chỉ lo chuyên môn mà còn điều phối tiến độ, phân bổ ngân sách, và giữ liên lạc giữa các bên ở ba múi giờ khác nhau”, anh Thông cho hay.

Theo PGS. TS Phạm Minh Thông, điểm mấu chốt để huy động được nguồn lực xuyên quốc gia, chính là sự tin tưởng và một mục tiêu chung rõ ràng. Khi mọi người cùng tin rằng dự án mình làm có ý nghĩa thật sự ví dụ như giảm phát thải, tận dụng rác thải nhựa, hoặc mở đường cho công nghệ AI trong xây dựng thì khoảng cách địa lý không còn là trở ngại.

Nội dung: Châu Linh | Đồ họa: Kiều Tú

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tri-thuc-viet-nam-chau-hop-suc-phung-su-dat-nuoc-bai-1-cong-huong-nguon-luc-tren-giao-lo-tri-thuc-post1758521.tpo
Zalo