Tri châu Lý Nhật Quang: Bậc thánh nhân của người xứ Nghệ

Lý Nhật Quang là Tri châu đầu tiên của vùng đất Nghệ An. Tên tuổi của ông gắn liền những truyền thuyết, được người dân suy tôn là bậc thánh nhân.

Toàn cảnh đền Quả Sơn nằm bên dòng sông Lam thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.

Toàn cảnh đền Quả Sơn nằm bên dòng sông Lam thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.

Tri châu đầu tiên của Nghệ An

Lý Nhật Quang (995-1057) là Hoàng tử của vua Lý Thái Tổ (974-1028). Ông vốn là người thông minh hiếu học, đức trọng tài cao, yêu nước thương dân sâu sắc.

Năm 1039, Lý Nhật Quang được vua Lý Thái Tông (1000-1054) cử vào vùng đất Nghệ An trông coi việc tô thuế. Chỉ trong thời gian ngắn, Lý Nhật Quang thể hiện được bản lĩnh, tính cách liêm trực, phát huy cao độ trách nhiệm của mình tại vùng đất này.

Nhờ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cộng với việc ông tiếp tế quân lương đầy đủ cho nhà vua trong lần chinh phạt Chiêm Thành (năm 1041), nên khi chiến thắng trở về, được vua Lý Thái Tông tin cẩn, ban cho tước “Vương” với hiệu Uy Minh Vương và quyền “Tiết việt”, và bổ nhiệm làm Tri châu Nghệ An.

Đây là điểm mốc quan trọng khẳng định vai trò và ảnh hưởng to lớn của Lý Nhật Quang với vùng đất này. Về sau, Nghệ An cũng lấy năm 1041 là năm thành lập tỉnh.

 Tượng Uy Minh Vương Lý Nhật Quang tại đền Quả Sơn.

Tượng Uy Minh Vương Lý Nhật Quang tại đền Quả Sơn.

Thời nhà Lý, châu Nghệ An bao gồm cả 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Nơi đây là miền biên viễn, vùng trại, phên dậu phía Nam của quốc gia Đại Việt. Thời đó, đây là vùng xa kinh thành, đất rộng người thưa, kinh tế kém phát triển, quan lại nhũng nhiễu, đời sống của người dân vô cùng cực nhọc, xã hội bất ổn, bạo loạn chống đối nổ ra ngày càng nhiều.

Châu Nghệ An cũng giáp với Chiêm Thành ở phía Nam và Ai Lao ở phía Tây. Lúc bấy giờ giặc Lão Qua (Lào) thường quấy nhiễu ở biên giới phía Tây, Lý Nhật Quang phải thân chinh cầm quân dẹp giặc và thu về thắng lợi. Đồng thời, ông còn trực tiếp thống lĩnh thủy quân vào Bình Định dẹp loạn theo cầu viện của chúa Chiêm Thành.

Uy lực của Lý Nhật Quang còn ảnh hưởng ra tận vùng Thanh Hóa. Ở đây, ông cho xây trại Bà Hòa với thành cao, lũy sâu… chứa được 3 - 4 vạn quân; kho tàng tiền lương đủ dùng 3 năm. Ngoài ra, ông còn đốc thúc nhân dân xây dựng thêm 50 kho thóc để sẵn sàng cung ứng cho nhu cầu quốc phòng.

Dưới thời Lý Nhật Quang trị nhậm, một lực lượng quân sự mạnh nhờ áp dụng thực hiện tuyển binh theo luật vương triều và thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”. Ông còn thiết lập nên các đội tuần binh, dân binh để canh phòng, giữ an ninh.

Thời đó, biên giới phía Nam nước Đại Việt mới chỉ đến Đèo Ngang. Để mở mang bờ cõi quốc gia, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang dùng ấn tín phủ dụ các tù trưởng, thu hút họ về phía mình, mở mang được “5 châu, 22 trại, 56 sách” làm cho bờ cõi phía Nam được yên ổn.

Nhiều biện pháp khuyến nông được ông triển khai như dạy cho dân nghèo trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, mở rộng chăn nuôi, phát triển nhiều ngành nghề thủ công; xây dựng nhiều công trình thủy lợi, khai thông luồng lạch, đào sông để phát triển đường thủy, mở nhiều đường bộ giao thương với các vùng.

Lý Nhật Quang chính là người cho mở đường thượng đạo sang biên giới Việt - Lào (Quốc lộ 7 ngày nay); mở đường thượng đạo nối từ huyện Đô Lương (Nghệ An) ra tới Thăng Long và có rất nhiều đoạn đường với đường Hồ Chí Minh thời chiến tranh chống Mỹ.

Ông còn cho phát triển các ngành khai mỏ, luyện kim, rèn sắt, đóng thuyền. Nhiều làng nghề ở Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay có từ thời Lý.

Bên cạnh phát triển kinh tế, vị Tri châu này cũng chăm lo đến sự nghiệp giáo dục, văn hóa, ngài cho mở nhiều trường học, xây dựng nhiều đền chùa. Dưới thời Lý Nhật Quang, tại Nghệ An có 18 người đỗ đạt khoa bảng, trong đó có 4 Trạng nguyên, 3 Thám hoa, 2 Hoàng giáp, 5 Tiến sĩ, 4 Phó bảng.

Bậc thánh nhân xứ Nghệ

Chỉ trong vòng 16 năm, Lý Nhật Quang ra sức xây dựng vùng đất Nghệ An trở thành một châu phồn thịnh về kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, làm chỗ dựa cho Thăng Long, cho triều Lý và các triều đại về sau.

Năm 1057, Lý Nhật Quang qua đời, nhân dân xứ Nghệ vô cùng thương tiếc, nhớ ơn và lập đền thờ ông tại núi Quả (Bồi Sơn, Đô Lương). Sau khi mất, ông nhiều lần hiển thánh và phù hộ cho triều đình đánh thắng kẻ thù xâm lược. Các quân vương triều đại về sau, mỗi khi xuất quân đánh giặc đều về đền Quả Sơn thắp hương cầu ngài phù hộ.

Đền Quả Sơn được coi là Anh Châu đệ nhất linh từ (đền linh thiêng vào bậc nhất), từng nhiều phen giúp các đời vua chinh chiến thắng lợi. Khi quân đội đi chinh phạt, qua vùng đất Nghệ An, các vị vua, tướng quân đều rước bài vị của Uy Minh Vương đi cùng.

Dân gian kể lại rằng, đời nhà Trần, năm 1252, vua Trần Thái Tông đi đánh giặc Chiêm Thành cho một thuyền chở kiệu của ngài đi trước. Không người chèo lái thế mà chiếc thuyền lướt nhanh như gió. Quả nhiên, trận ấy quân của vua Thái Tông đại thắng.

 Thượng điện có 5 gian, được làm bằng gỗ lim với những điêu khắc, chạm trổ tinh xảo.

Thượng điện có 5 gian, được làm bằng gỗ lim với những điêu khắc, chạm trổ tinh xảo.

 Khu lăng mộ Lý Nhật Quang trong khuôn viên đền Quả Sơn.

Khu lăng mộ Lý Nhật Quang trong khuôn viên đền Quả Sơn.

Đời vua Lê Hiển Tông, năm 1747, man dân từ Quỳ Châu tràn xuống tận 2 thôn Tiên Nông, Tào Giang rồi tiến tới Cầu Bông của xã Bạch Đường (3 xã Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn của huyện Đô Lương ngày nay). Nhân dân khiếp sợ vào đền Quả Sơn cầu, tự nhiên sấm sét, bão tố nổi lên, nghe rầm rầm trong núi.

Bọn giặc ngờ rằng gặp phải phục binh bèn lui quân về, nhưng nước sông Lam dâng lên làm cho quân man chết nhiều vô kể. Quân triều đình thừa cơ tiến đánh, giặc man tan tác, biên cương trở lại an toàn.

Bên cạnh những công lao, câu chuyện của Lý Nhật Quang được sử sách như: “Đại Việt Sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” ghi chép. Trong dân gian ở vùng đất xứ Nghệ cũng lưu truyền những câu chuyện truyền thuyết ngợi ca, tôn vinh ông như một vị thánh nhân.

Ở vùng đất Khe Chè, huyện Con Cuông có câu chuyện về một lần dẫn quân đi đánh trận của Tri châu Lý Nhật Quang. Năm 1060, quân Ai Lao đánh phá miền Tây Nghệ An, ông đem đạo quân Nghiêm Thắng đi dẹp. Sau khi thắng trận trở về, đến vùng đất Khe Chè, huyện Con Cuông bây giờ, người dân địa phương vui mừng ra đón rước.

Trước tấm lòng kính mến của nhân dân, ông hể hả cầm cái điếu cày, hút một hơi dài, rồi đặt điếu xuống đất. Nào ngờ, chiếc điếu là một đoạn tre đằng ngà lộn ngược. Nên sau đó, từ chiếc điếu mọc lên một cây tre cũng vít đầu xuống rồi mới trổ thẳng lên trời. Từ một cây tre trở thành một bụi. Sau này, ở Khe Chè có loại tre mọc ngược là vì vậy.

Tại đền Quả Sơn - ngôi đền lớn nhất thờ Lý Nhật Quang trên vùng đất Nghệ An người dân còn tương truyền về cái chết của ông như sau: Năm Uy Minh Vương trong trận cuối cùng đánh giặc Lão Qua bị trọng thương. Tuy bị giặc chém đầu nhưng ông vẫn giữ chặt đầu mình lên cổ, ngồi trên lưng ngựa chạy về. Khi về đến xã Lam Sơn, huyện Đô Lương thì ông gặp một bà bán hàng - chính là Bụt hóa thân thành.

Lý Nhật Quang hỏi xin bà hàng một mảnh đất, bà Bụt bảo cứ men theo vệ cỏ may, ngựa chạy đến đâu thì đất của ông đến đó. Vậy là ngựa của ông chạy đến vùng đất hiện nay dựng đền Quả Sơn thì quỳ xuống. Lý Nhật Quang ngã xuống lưng ngựa, đầu lìa khỏi cổ. Nơi ông mất mối đùn lên thành mộ, người xưa gọi là “thiên táng”.

Ngôi đền linh thiêng bên dòng sông Lam

Đền Quả Sơn được xây dựng từ đầu thế kỷ XI, được liệt vào hàng “quốc tế, quốc tạo” (nhà nước xây dựng và tế lễ). Năm 1073, khi Tể tướng Lý Đạo Thành được cử làm Tri châu Nghệ An, ông dâng sớ lên triều đình nhà Lý miễn tô thuế vùng Bạch Ngọc để chăm lo hương khói cho đền Quả Sơn.

Về sau, đền được trùng tu và nâng cấp nhiều lần vào thời Trần, Hậu Lê, Nguyễn. Đến đầu thế kỷ thứ XX, đền Quả Sơn có quy mô 7 tòa 42 gian, trở thành một trong “tứ đại thắng tích” của xứ Nghệ.

Trải qua bao biến cố, thăng trầm lịch sử, chiến tranh làm cho đền bị phá hoại nghiêm trọng. Người dân phải rước di tượng của ngài cùng ngai vị về chùa Nhân Bồi để bảo vệ và chăm lo hương khói.

 Năm 1999, đền Quả Sơn được xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

Năm 1999, đền Quả Sơn được xếp hạng là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

Năm 1996, với sự đóng góp của nhân dân và nguồn ngân sách Nhà nước, đền Quả Sơn được khôi phục. Trong năm 2020-2022, huyện Đô Lương thực hiện dự án trùng tu với kinh phí hơn 77 tỷ đồng, đền có diện mạo khang trang như ngày hôm nay.

Các hạng mục như cổng tam quan, nghi môn, hạ, trung, thượng điện, tả hữu vu, nhà thổ thần, nhà truyền thống, khu lăng mộ, nhà thiết lễ, nhà kho, nhà quản lý... được xây dựng, trùng tu, sắp xếp lại một cách đăng đối, hài hòa.

Trong đền có di tượng Lý Nhật Quang làm bằng gỗ quý, sơn son thiếp vàng, mặc áo bào bằng lụa vàng, có nhiều đồ tế khí chạm khắc tinh vi, đạt trình độ điêu khắc cao do vua, chúa nhiều triều đại ban tặng.

Lễ hội đền Quả Sơn là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh Nghệ An. Diễn ra từ ngày 18 - 20 tháng Giêng âm lịch hàng năm để tưởng nhớ tới công đức của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - vị danh tướng, danh thần của vương triều Lý đã có công lớn trong việc bảo quốc an dân, củng cố nền độc lập, thống nhất đất nước ở thế kỷ XI.

Nét đặc sắc của lễ hội đền Quả Sơn là lễ rước ngài lên tạ ơn Bà Bụt ở chùa Bà Bụt (hay còn gọi là Tiên tích tự - là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh). Lễ rước trên cả đường sông lẫn đường bộ, mô phỏng theo ngày xưa ngài đưa thủy quân đi đánh giặc. Năm 2019, lễ hội được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày nay, ngoài các trò chơi dân gian và nghệ thuật dân tộc như: Đánh đu tiên, chọi gà, cờ thẻ, cờ người, đấu vật, múa võ, đua thuyền… Lễ hội còn tổ chức các hoạt động như biểu diễn nghệ thuật, cắm trại, tổ chức thi đấu bóng đá, bóng chuyền…

Để tưởng nhớ công lao của Lý Nhật Quang, nhân dân khắp các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng lập đền thờ ông, với số lượng trên dưới 100 đền thờ hoặc hợp thờ. Lý Nhật Quang trở thành một trong số những nhân vật lịch sử hóa thân vào sông núi, sống mãi trong lòng người dân xứ Nghệ.

Phạm Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tri-chau-ly-nhat-quang-bac-thanh-nhan-cua-nguoi-xu-nghe-post709380.html
Zalo