Trao truyền kỹ thuật diễn tấu chiêng cho thế hệ trẻ

Nhiều địa phương trong tỉnh Lâm Đồng đã và đang nỗ lực bảo tồn văn hóa dân tộc bằng cách trao truyền cho thế hệ trẻ, trong đó có diễn tấu chiêng.

Câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng thanh niên xã Quảng Tân (tỉnh Lâm Đồng) được thành lập vào đầu năm 2024 với 10 thành viên. Vào cuối tuần, thành viên trong CLB đều có mặt đông đủ tại Nhà văn hóa bon Za Lú A để luyện tập đánh chiêng. Anh Điểu Diệp, thành viên CLB cho hay: “Gia đình tôi có bộ chiêng từ thời ông, bà để lại. Do đó, khi địa phương thành lập CLB tôi đã đăng ký tham gia ngay. Việc có các bạn cùng độ tuổi trong bon luyện tập với nhau giúp tôi đỡ ngại ngùng, mạnh dạn hơn”.

Ông Điểu Bel trực tiếp hướng dẫn, chỉ dạy cách đánh chiêng cho thanh niên dân tộc thiểu số xã Quảng Tân.

Ông Điểu Bel trực tiếp hướng dẫn, chỉ dạy cách đánh chiêng cho thanh niên dân tộc thiểu số xã Quảng Tân.

Dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của ông Điểu Bel, một nghệ nhân đánh chiêng hàng chục năm, đến nay, các thành viên trong CLB đã biết đánh những nhịp chiêng, bài chiêng cơ bản. Ông Điểu Bel cho biết: “Mỗi dân tộc có một nét văn hóa, bản sắc riêng. Do đó, giữ gìn nét đẹp của dân tộc chính là cách để nhớ về cội nguồn của mình. Dù có bận, có mệt, tôi vẫn luôn sắp xếp ổn thỏa để chỉ dạy cho các cháu cách đánh chiêng. Mỗi khi hòa mình vào tiếng chiêng, nhìn nhịp gõ từ đôi bàn tay các cháu, mình lại thấy vui vì bản sắc dân tộc sẽ được lưu truyền”.

Điều đáng nói, không chỉ dạy đánh chiêng mà các nghệ nhân còn là người chia sẻ, giáo dục, nhắc nhở cho thanh niên dân tộc thiểu số M’nông về ý thức bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa, nét đẹp riêng của dân tộc mình. Qua đó, mỗi đoàn viên, thanh niên sẽ hiểu, tự hào và ngày càng gắn bó với truyền thống văn hóa dân tộc.

Trường Tiểu học - THCS Lý Tự Trọng, xã Tuy Đức tổ chức cho học sinh làm quen với văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong các tiết học hoạt động trải nghiệm.

Trường Tiểu học - THCS Lý Tự Trọng, xã Tuy Đức tổ chức cho học sinh làm quen với văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong các tiết học hoạt động trải nghiệm.

Từ năm 2024 đến nay, Trường Tiểu học - THCS Lý Tự Trọng, xã Tuy Đức đều tổ chức cho học sinh làm quen với văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên từ sự chỉ dạy, hướng dẫn trực tiếp của các nghệ nhân ưu tú qua hoạt động trải nghiệm. Hoạt động này đã giúp giáo viên, học sinh được giao lưu, học hỏi, trải nghiệm thực tế về đánh chiêng, diễn tấu chiêng cũng như thắp lên ngọn lửa đam mê cho lớp trẻ và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc M’nông.

Qua mỗi hoạt động trải nghiệm này, các em học sinh dân tộc thiểu số không chỉ được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về đánh chiêng, diễn tấu chiêng mà còn thêm trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước. Đây còn là một trong những giải pháp nhằm góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của nhân loại do chính các em học sinh, thế hệ tương lai là người tiếp nối và được trao truyền. Bà Phạm Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Lý Tự Trọng cho biết: “Nhà trường đưa cồng chiêng vào giảng dạy để khơi dậy niềm tự hào văn hóa cho học sinh, nhất là các em người dân tộc thiểu số đang theo học tại trường. Từ đó, các em sẽ thêm yêu, thêm hiểu và đam mê với văn hóa dân tộc, để tiếng chiêng luôn ngân vang trong cộng đồng”.

Thanh niên dân tộc thiểu số xã Quảng Tân hăng say luyện tập đánh chiêng.

Thanh niên dân tộc thiểu số xã Quảng Tân hăng say luyện tập đánh chiêng.

Cồng chiêng là di sản văn hóa phi vật thể gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng như Mạ, M’nông, Ê đê, K’Ho... Trước nguy cơ mai một, việc đưa cồng chiêng đến với giới trẻ là một giải pháp quan trọng nhằm bảo tồn văn hóa, giữ gìn nét đẹp bản sắc dân tộc. Các địa phương duy trì, phát triển các mô hình CLB cồng chiêng hay nhà trường đưa cồng chiêng vào hoạt động trải nghiệm cũng là cách để từng bước giúp giới trẻ - lực lượng kế cận từng bước làm quen, tiếp xúc trực tiếp với nhạc cụ truyền thống văn hóa đặc trưng này.

Mỹ Hằng

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/trao-truyen-ky-thuat-dien-tau-chieng-cho-the-he-tre-382446.html
Zalo