Trao quyền tự quyết sinh sản: Động lực phát triển bền vững

Ngày 11/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới năm 2025 và công bố Báo cáo Tình trạng Dân số thế giới.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Việt Nam vừa thông qua Pháp lệnh Dân số sửa đổi với tinh thần trao quyền tự quyết về sinh sản cho mỗi cá nhân và cặp vợ chồng, hoàn toàn phù hợp với thông điệp toàn cầu năm nay: “Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quyền quyết định sinh con – cả về thời điểm, số lượng và khoảng cách là quyền cơ bản, được pháp luật Việt Nam ghi nhận rõ ràng trên cơ sở bình đẳng và tự nguyện. Bộ Y tế đang tích cực xây dựng Luật Dân số mới và Chương trình mục tiêu quốc gia chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026 - 2035 với nguyên tắc lấy con người làm trung tâm cho mọi chính sách phát triển bền vững.

Theo ông Matt Jackson – Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, không thể có phát triển bền vững nếu thiếu đi quyền được lựa chọn. Khi đảm bảo quyền sinh sản, chúng ta đang trao quyền cho các gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới và mở ra tiềm năng của thay đổi dân số.

Đáng chú ý, những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực dân số. Từ năm 2006 - 2021, nước ta duy trì mức sinh thay thế, quy mô dân số năm 2024 đạt hơn 101 triệu người. Chất lượng dân số tiếp tục được cải thiện: tuổi thọ bình quân đạt 74,7 tuổi; tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh tăng đáng kể; tỷ lệ phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 76,7%, thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, thách thức vẫn rất lớn. Mức sinh tiếp tục giảm (chỉ còn 1,91 con/phụ nữ năm 2024); tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa cải thiện; tỷ lệ mang thai ở phụ nữ tuổi vị thành niên, tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở vùng sâu, vùng xa còn ở mức đáng báo động. Chất lượng sống của người dân tại các vùng dân tộc thiểu số vẫn thấp hơn đáng kể so với vùng đô thị.

Trước thực tế này, dự thảo Luật Dân số mới được xây dựng theo hướng tăng cường quyền lợi, hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Dự thảo đề xuất nhiều chính sách cụ thể như: hỗ trợ tiền mặt hoặc hiện vật cho gia đình sinh con gái một bề; ưu đãi với người sàng lọc trước sinh và sơ sinh; phát triển hệ thống chăm sóc người cao tuổi; khuyến khích đào tạo chuyên ngành lão khoa; tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân…

Đào Hồng Lan đề nghị các ban, bộ, ngành và chính quyền địa phương tiếp tục dành sự quan tâm, phân bổ ngân sách, phối hợp chặt chẽ trong việc hoàn thiện Luật Dân số và Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn mới. Bà cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong việc ứng phó với mức sinh thấp, già hóa dân số nhanh và đảm bảo quyền sinh sản cho mọi người dân - không để ai bị bỏ lại phía sau.

Dương Toàn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/trao-quyen-tu-quyet-sinh-san-dong-luc-phat-trien-ben-vung-10310119.html
Zalo