Trao nhiều cơ hội việc làm, có thu nhập cho người khuyết tật

Tại Hội chợ việc làm Kết nối DN với lao động là người khuyết tật, nhiều người bị khiếm khuyết một phần cơ thể đã có cơ hội tìm kiếm những công việc phù hợp để có thu nhập và tạo dựng cuộc sống tự lập.

Kết nối việc làm cho người khuyết tật

Hội chợ việc làm Kết nối DN với lao động là người khuyết tật do Hội Người khuyết tật Hà Nội và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập tổ chức ngày 3/12 tại Nhà khách Văn phòng Quốc hội. Đây là hoạt động thực hiện dự án “Cải thiện môi trường làm việc hòa nhập cho thanh niên khuyết tật” do Quỹ Liliane Fonds tài trợ và hưởng ứng ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12 với chủ đề Nâng cao vai trò lãnh đạo của người khuyết tật vì một tương lai toàn diện và bền vững.

Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội Trịnh Xuân Dũng phát biểu tại Hội chợ việc làm thu hút nhiều DN và người khuyết tật tham gia. Ảnh: Trần Oanh.

Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội Trịnh Xuân Dũng phát biểu tại Hội chợ việc làm thu hút nhiều DN và người khuyết tật tham gia. Ảnh: Trần Oanh.

Trong bài phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội Trịnh Xuân Dũng cho hay, việc làm đối với thanh niên khuyết tật chính là con đường bền vững giúp họ thực sự hòa nhập vào đời sống. Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, việc làm cho người khuyết tật là một vấn đề rất khó khăn, cần có sự chung tay của toàn cộng đồng xã hội.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Người khuyết tật Hà Nội là khuyến khích, động viên, giúp đỡ và tạo cơ hội để người khuyết tật khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên học văn hóa, học nghề và việc làm để tự lực trong cuộc sống. Đồng thời, góp phần tích cực thực hiện Kế hoạch số 239/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030; nâng cao nhận thức cộng đồng về người khuyết tật, nhìn thấy ở họ khả năng tự lập, đóng góp cho gia đình và xã hội.

Người khuyết tật đang tìm hiểu công việc tại gian hàng của DN xã hội Giặt là sáng.

Người khuyết tật đang tìm hiểu công việc tại gian hàng của DN xã hội Giặt là sáng.

Hội chợ việc làm thu hút nhiều DN tham gia với mong muốn tuyển sinh, tuyển dụng lao động là người khuyết tật. Chia sẻ tại Hội chợ, ông Nguyễn Đức Trung là người sáng lập, điều hành các dự án, mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ Việt Nam cho hay: “Trải qua những quá trình lao động và nghiên cứu, tìm tòi, chúng tôi mới quyết định xây dựng thật nhiều mô hình kinh tế nhỏ, ví dụ như nhà hàng, siêu thị, hiệu sách, giặt là, chia sẻ du lịch... để các bạn tự kỷ tham gia lao động. Từ đó, chúng tôi đánh giá được khả năng lao động của các bạn, sau đó sẽ đi sâu hơn trong vấn đề nghề nghiệp.

Từ những kết quả nghiên cứu, chúng tôi sẽ chia sẻ cho nhiều gia đình có con mắc chứng tự kỷ, các câu lạc bộ, tổ chức phi lợi nhuận, trung tâm hướng nghiệp 63 tỉnh, thành để triển khai các mô hình kinh tế phù hợp với người tự kỷ tại địa phương, đồng thời giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn”.

Nhiều người khuyết tật tìm được việc làm ngay tại Hội chợ

Tham gia Hội chợ việc làm lần này, ông Nguyễn Đức Trung có nhu cầu tuyển thêm 10 lao động là người tự kỷ, người mắc chứng tăng động để cho 3 dự án mới sẽ được triển khai vào tháng 6/2025 là du lịch, phòng tranh và nghỉ dưỡng. 12 DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh khác tham gia Hội chợ việc làm cũng có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động là người khuyết tật vào làm việc. Cụ thể là Công ty TNHH Chạm vào xanh tuyển dụng người khuyết tật làm thợ thủ công móc len với các sản phẩm như thú bông, móc khóa, đồ trang trí; họa sĩ sáng tạo ra các tác phẩm theo phong cách riêng.

Ông Nguyễn Đức Trung đang giới thiệu về các dự án, mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ Việt Nam. Ảnh: Trần Oanh.

Ông Nguyễn Đức Trung đang giới thiệu về các dự án, mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ Việt Nam. Ảnh: Trần Oanh.

Đến với Hội chợ việc làm, Trung tâm Nghiên cứu bồi dưỡng kỹ năng sống hướng nghiệp hạt giống S.E.E.D mong muốn tuyển 20 lao động là thanh thiếu niên tự kỷ và khuyết tật trí tuệ làm thợ thủ công, bao bì, bánh kẹo, công nghệ AI, photoshop, pha chế, hoa nghệ thuật, phụ kiện handmade. Anh Lê Hoàng Hải là giáo viên của Trung tâm S.E.E.D cho hay: “Các bạn tự kỷ và khuyết tật trí tuệ vừa học vừa làm, thu nhập dao động từ 500.000 đồng/tháng đến 3.000.000 đồng/tháng, thùy thuộc vào khả năng và sản phẩm làm ra”.

Người khuyết tật đang tìm hiểu về công việc tại gian hàng Giặt là Sẻ chia.

Người khuyết tật đang tìm hiểu về công việc tại gian hàng Giặt là Sẻ chia.

Bên cạnh những DN may mặc, làm nghề thủ công thì các cơ sở giặt là cũng có nhiều người khuyết tật đến ứng tuyển. Anh Nguyễn Tiến Tuấn là Quản lý Cửa hàng Giặt là Sẻ chia phấn khởi cho hay: “Đây là phiên thành công nhất mà tôi tham gia từ trước đến nay khi tiếp cận được nhiều người khuyết tật ứng tuyển. Hiện tại chúng tôi có 6 cửa hàng giặt là với 13 người khuyết tật có thu nhập 5 – 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, những bạn khuyết tật ở xa còn được chúng tôi hỗ trợ chỗ ở tương đương 1 triệu đồng/tháng”.

Em Nguyễn Huy Minh đăng ký học nghề Pha chế đồ uống tại bàn tuyển sinh của Trung tâm Nghiên cứu bồi dưỡng kỹ năng sống hướng nghiệp hạt giống S.E.E.D.

Em Nguyễn Huy Minh đăng ký học nghề Pha chế đồ uống tại bàn tuyển sinh của Trung tâm Nghiên cứu bồi dưỡng kỹ năng sống hướng nghiệp hạt giống S.E.E.D.

Khi đến Hội chợ việc làm, em Nguyễn Huy Minh (phường Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ đã tìm được cho mình 2 công việc phù hợp là giặt là và pha chế đồ uống. “Ở hội chợ có nhiều việc làm cho cháu lựa chọn. Cháu muốn đi làm để tiết kiệm tiền để dành cho cuộc sống sau này”. Chị Đoàn Thị Phượng là mẹ của em Huy Minh bộc bạch: “Thông qua Hội Người khuyết tật quận Hoàng Mai, mẹ con tôi đến Hội chợ việc làm và thấy có nhiều công việc phù hợp với các dạng khuyết tật. Tôi muốn cháu Minh ra ngoài làm việc để có thu nhập và giao tiếp với mọi người”.

Hội chợ việc làm ngày 3/12 thu hút nhiều người khuyết tật đến ứng tuyển và tìm được việc làm phù hợp với năng lực. Ảnh: Trần Oanh.

Hội chợ việc làm ngày 3/12 thu hút nhiều người khuyết tật đến ứng tuyển và tìm được việc làm phù hợp với năng lực. Ảnh: Trần Oanh.

Trước đó, vào tháng 9 và 10/2024, Hội Người khuyết tật Hà Nội tổ chức 2 Hội chợ việc làm ở huyện Mê Linh và Phú Xuyên. Tại đây, nhiều người khuyết tật đã tìm được công việc phù hợp với năng lực, có thu nhập. Tại Hội chợ việc làm hôm nay họ lại là những người tư vấn cho các bạn cùng khiếm khuyết một phần cơ thể. “Hiện tôi đang thử việc tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại S.cool, làm bể cây cảnh với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Công việc đã giúp tôi vui vẻ, cải thiện sức khỏe, có thu nhập tạo dựng cuộc sống”.

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/trao-nhieu-co-hoi-viec-lam-co-thu-nhap-cho-nguoi-khuyet-tat.html
Zalo