Tránh 'sập bẫy' lừa đảo từ chuyển khoản trực tuyến

Phương thức lừa đảo bằng cách làm giả hóa đơn điện tử 'chuyển khoản thành công' trong giao dịch chuyển tiền trực tuyến dù đã được cơ quan chức năng tuyên truyền rất nhiều nhưng thời gian qua vẫn có nhiều người dân bị 'sập bẫy'.

Các đối tượng bị bắt giữ vì liên quan đến hành vi lừa đảo bằng cách chuyển tiền. Ảnh: CTV

Các đối tượng bị bắt giữ vì liên quan đến hành vi lừa đảo bằng cách chuyển tiền. Ảnh: CTV

Nguyên nhân chính để tội phạm lừa đảo sử dụng chiêu thức nêu trên vẫn còn “đất sống” là do loại tội phạm này rất tinh vi; thay đổi phương thức, thủ đoạn lừa đảo liên tục. Mặt khác, còn do một bộ phận người dân thiếu cảnh giác trong quá trình giao dịch nhận, chuyển tiền qua ứng dụng ngân hàng điện tử.

Dùng hóa đơn giả, đổi hàng thật

Thời gian qua, một số cơ sở kinh doanh, tiệm tạp hóa, điểm đổi tiền… trên địa bàn tỉnh đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo theo hình thức làm giả hóa đơn điện tử “chuyển khoản thành công” khi giao dịch chuyển tiền trực tuyến. Điển hình như tiệm tạp hóa của bà N.D. (ở phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) vừa bị một người phụ nữ lừa chiếm đoạt số tiền hơn 1,3 triệu đồng.

Bà D. kể, vào trưa 18-11, có một người phụ nữ đeo khẩu trang chở theo trẻ nhỏ đến tiệm tạp hóa của bà mua sữa và một số hàng tiêu dùng. Sau khi mua hàng, người phụ nữ này yêu cầu được thanh toán bằng cách chuyển khoản. Sau khi dùng điện thoại quét mã QR chuyển tiền, người phụ nữ này đưa cho bà D. xem hóa đơn điện tử “chuyển tiền thành công”. Sau khi người phụ nữ đi, bà D. mới biết tài khoản không nhận được tiền và bị lừa đảo.

“Đối tượng lừa đảo tỏ ra đang rất gấp để đi công việc, trong khi con nhỏ đang ngồi ngoài xe. Do đó, khi đối tượng đưa phiếu “chuyển tiền thành công” cho tôi xem, tôi cũng không kiểm tra lại mà tin là tiền đã vào tài khoản. Một lúc sau, tôi kiểm tra thì không thấy tiền vào tài khoản của mình” - bà D. cho hay.

Phổ biến hơn của phương thức lừa đảo này là thông qua việc mua hàng qua mạng và yêu cầu thanh toán bằng cách chuyển khoản đã khiến cho một số người bị “sập bẫy”.

Đơn cử, Công an thành phố Biên Hòa vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố đối với Nguyễn Bảo Quân (47 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo kết luận điều tra, lợi dụng các ứng dụng (app) trên mạng có thể hiển thị các số tiền chuyển khoản thành công theo ý của mình cho người khác, Quân đã dùng điện thoại đăng nhập vào các app này để thực hiện các phiếu “chuyển khoản thành công” giả giống như app của ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo.

Trong tháng 7-2024, Quân đã liên hệ với một số người bán hàng ở thành phố Biên Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Cà Mau để đặt mua 4 điện thoại di động, 1 máy tính xách tay. Sau đó, Quân sử dụng các app nói trên lập các phiếu chuyển tiền giả nhằm chiếm đoạt tài sản của những người bán hàng với tổng số tiền hơn 51 triệu đồng. Khi phát hiện các phiếu “chuyển tiền thành công” là giả, các bị hại làm đơn tố cáo và Quân bị công an bắt giữ.

Ngoài việc làm giả thông tin chuyển khoản, cũng có một số đối tượng lợi dụng việc đổi tiền bằng cách chuyển khoản để chiếm đoạt tiền của người khác.

Điển hình, ngày 17-11, Công an huyện Cẩm Mỹ đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Ánh (41 tuổi, ngụ phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vào chiều 17-11, Ánh đi xe máy đến Cửa hàng M.H. (ở xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) để nhờ chị H. (chủ cửa hàng) chuyển số tiền hơn 23 triệu đồng vào một tài khoản do Ánh cung cấp. Sau khi chị H. chuyển khoản xong, lợi dụng lúc chị không để ý, Ánh điều khiển xe tẩu thoát.

Luật sư Trần Thanh Tùng, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, cho hay theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng thì có thể bị phạt đến 3 năm tù; chiếm đoạt từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì có thể bị phạt đến 7 năm tù; chiếm đoạt từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng có thể bị phạt tù lên đến 15 năm và chiếm đoạt trên 500 triệu đồng thì có thể phải lãnh án chung thân.

Cẩn trọng với chuyển tiền trực tuyến

Theo một cán bộ điều tra Công an tỉnh, qua các vụ lừa đảo theo hình thức nêu trên có thể thấy, đối tượng lừa đảo đã sử dụng phương thức, thủ đoạn chuyển khoản thành công nhưng thực chất chỉ là các phiếu chuyển khoản giả được tạo dựng trước đó. Các đối tượng đã làm giả các hóa đơn xác nhận giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng điện tử rồi đưa cho nạn nhân xem để nói rằng đã chuyển tiền mua hàng, giao dịch thành công. Vì không kiểm tra “số tiền đã chuyển vào tài khoản” của mình nên nhiều người đã bị chiếm đoạt tiền, hàng.

Dịch vụ làm phiếu chuyển khoản giả được công khai trên các trang mạng xã hội. Ảnh minh họa

Dịch vụ làm phiếu chuyển khoản giả được công khai trên các trang mạng xã hội. Ảnh minh họa

Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, xét xử án hình sự về trật tự xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Doãn Cao Sơn cho biết, để tránh rơi vào “bẫy” của các đối tượng lừa đảo, mỗi người dân cần tìm hiểu và nâng cao nhận thức về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo khác nhau trên các phương tiện truyền thông, báo chí; chú ý bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân khi tham gia các hoạt động trên mạng xã hội; tuyệt đối không truy cập vào các đường link, các trang web không rõ nguồn gốc.

Mặt khác, mỗi người dân khi thanh toán, giao dịch trực tuyến qua ứng dụng ngân hàng điện tử cần kiểm tra kỹ biên lai chuyển khoản, phải xác nhận tiền đã được chuyển vào tài khoản rồi mới cho nhận hàng hoặc tiếp tục các giao dịch. Nhất là các tiểu thương, cơ sở vay tiền, đổi tiền mặt…, cần nâng cao cảnh giác khi thực hiện giao dịch. Trong trường hợp bị lừa đảo thì cần báo ngay cho cơ quan công an, cung cấp thông tin, hình ảnh để cơ quan chức năng tiến hành điều tra truy xét và sớm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202411/tranh-sap-bay-lua-dao-tu-chuyen-khoan-truc-tuyen-6fd401e/
Zalo