Tranh chấp hợp đồng xây dựng gia tăng

Trong bối cảnh tranh chấp hợp đồng xây dựng giữa các chủ đầu tư và nhà thầu ngày càng gia tăng, các chuyên gia pháp lý gợi ý nhiều giải pháp để doanh nghiệp hạn chế rủi ro.

Ngày 27-6, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện VIAC SYMPOSIUM 2024, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức phiên thảo luận với chủ đề “Những khó khăn và rủi ro pháp lý trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển bất động sản trong giai đoạn thị trường biến động”.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC cho rằng chính sách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, cùng với đà tăng của nguồn vốn đầu đang được kỳ vọng là “rìu phá băng” đẩy nhanh quá trình phục hồi cho doanh nghiệp xây dựng. Các doanh nghiệp xây dựng kỳ vọng năm 2024 có thể là “viên gạch đầu tiên” xây nền móng cho sự phục hồi và bắt đầu một chu kỳ phát triển mới.

Tuy nhiên, thị trường xây dựng và bất động sản ngày càng hội nhập và phát triển, các vấn đề về tranh chấp và rủi ro pháp lý không chỉ giới hạn trong phạm vi quốc gia mà còn mở rộng ra quốc tế. Các dự án hợp tác với đối tác nước ngoài, các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, hay việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế đều đòi hỏi các bên tham gia phải trang bị kiến thức vững vàng trong việc quản lý và giải quyết các tranh chấp xuyên biên giới.

 Ông Victor Smith, trọng tài viên chuyên nghiệp đánh giá Việt Nam có thể nổi lên là thị trường xây dựng lớn thứ hai ở châu Á, sau quốc gia dẫn đầu là Indonesia. Ảnh: BT

Ông Victor Smith, trọng tài viên chuyên nghiệp đánh giá Việt Nam có thể nổi lên là thị trường xây dựng lớn thứ hai ở châu Á, sau quốc gia dẫn đầu là Indonesia. Ảnh: BT

Chia sẻ về lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á, ông Victor Smith, trọng tài viên chuyên nghiệp cho rằng năm 2024, Việt Nam có thể nổi lên là thị trường xây dựng lớn thứ hai ở châu Á, sau quốc gia dẫn đầu là Indonesia; Philippines đứng thứ 3 và Malaysia đứng thứ 4. Sự tăng trưởng thị trường này dự kiến được kích thích bởi đầu tư của chính phủ vào hệ thống giao thông quy mô lớn, năng lượng và các hạng mục công trình công cộng.

Tuy nhiên, khiếu nại và tranh chấp được coi là phổ biến trong các dự án xây dựng ở khu vực này vì đặc trưng của dự án xây dựng bất động sản là tính chất “chỉ có một lần”, không thể làm lại trong khi dự án thường bao gồm nhiều nhà thầu, nhiều nhà thiết kế tham gia dự án với nhiều loại hợp đồng...

Đặc biệt trong giai đoạn suy thoái như hiện nay, các vướng mắc khó khăn về pháp lý dự án, vốn, mặt bằng, thủ tục, định giá, cơ chế huy động vốn… đã khiến tranh chấp hợp đồng xây dựng giữa các chủ đầu tư và nhà thầu gia tăng.

Bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam (VECAS) đồng thời là trọng tài viên VIAC cho rằng doanh nghiệp cần nhận diện những rủi ro hợp đồng đặc trưng trong lĩnh vực này. Đó là hàng loạt các rủi ro như pháp lý của dự án có vấn đề, mặt bằng không được bàn giao đúng kế hoạch, các thông tin có sai sót hoặc không rõ ràng trong hồ sơ mời thầu, công trường phát sinh những vấn đề không lường trước được…

 Các đại biểu tham gia phiên thảo luận về hợp đồng xây dựng. Ảnh: BT

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận về hợp đồng xây dựng. Ảnh: BT

Gợi ý về những giải pháp rủi ro, bà Nguyễn Thị Duyên nhấn mạnh doanh nghiệp cần hạn chế rủi ro qua việc lựa chọn loại hợp đồng phù hợp, trong đó nhà thầu chỉ xây dựng theo thiết kế của chủ đầu tư hay nhà thầu thiết kế và xây dựng (EPC) hoặc chìa khóa trao tay. Đồng thời, hợp đồng cần được đưa vào các rủi ro như đã nói trên để có cơ chế xử lý nếu xảy ra. Đối với các rủi ro có thể thấy trước thì doanh nghiệp cần thỏa thuận về bảo hiểm…

Có nhiều tranh chấp xây dựng và bất động sản được giải quyết một cách thân thiện bằng đàm phán trực tiếp hoặc đàm phán với sự hỗ trợ thông qua hòa giải hay tham khảo ý kiến chuyên gia.

Dù vậy, một lượng đáng kể các tranh chấp được chuyển đến trọng tài. Theo ông Victor Smith, thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế của Singapore (SIAC) và Trung tâm Trọng tài quốc tế Hồng Kông cho thấy 9% khối lượng công việc của họ là tranh chấp trọng tài.

Còn theo thống kê của VIAC, có khoảng 19% các vụ tranh chấp trong năm 2023 là về xây dựng.

Tuy nhiên, khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, Luật sư Nguyễn Ngọc Minh – trọng tài xây dựng và năng lượng, Phó Giám đốc Dzungsrt & Associates lưu ý doanh nghiệp thận trọng trong việc lựa chọn trọng tài viên; hiểu cách tiếp cận giải thích hợp đồng của Hội đồng trọng tài (thường là đa quốc gia); linh hoạt trong việc áp dụng và giải thích hợp đồng khi xảy ra tranh chấp.

Doanh nghiệp cần phân biệt vai trò và cách sử dụng nhân chứng, chuyên gia và luật sư trong tố tụng trọng tài; phân biệt cách hành xử trong tố tụng trọng tài và tố tụng tại tòa án; lường trước rủi ro trong trường hợp tranh chấp trọng tài xây dựng bị chuyển thành tranh chấp đầu tư quốc tế.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tranh-chap-hop-dong-xay-dung-gia-tang-post797752.html
Zalo