Tranh cãi quan điểm 'lương 20 triệu là thấp' trên Threads

Mạng xã hội Threads đang là nơi diễn ra những cuộc tranh luận không hồi kết về thu nhập, đặc biệt là quan điểm 'lương 20 triệu/tháng là thấp' của một số người.

Thời gian gần đây, Threads – nền tảng mạng xã hội chú trọng vào nội dung văn bản của Meta – chứng kiến sự bùng nổ của nhiều trào lưu, trong đó nổi bật nhất là "khoe thu nhập" và những cuộc tranh luận xoay quanh mức lương. Một bài đăng mới đây đã "châm ngòi" cho cuộc tranh cãi lớn khi thẳng thừng tuyên bố: "Thế hệ cũ nghĩ lương 20tr là cao, nhưng họ không biết là Gen Z đã đạt con số đấy từ rất lâu rồi, đừng lấy quan điểm điểm xưa áp lên bây giờ."

Quan điểm này ngay lập tức tạo ra hai luồng ý kiến đối lập gay gắt.

Lương 20 triệu – "Siêu thấp" trong mắt một bộ phận Gen Z?

Nhiều người dùng trẻ đã đồng tình với bài đăng, thậm chí còn khẳng định 20 triệu là mức lương "siêu thấp". Quan điểm này thường xuất phát từ một bộ phận Gen Z làm việc trong các ngành nghề có thu nhập cao như IT, marketing, kinh doanh online, hoặc những người có khả năng tự kinh doanh, làm freelancer.

Họ cho rằng, với tốc độ phát triển kinh tế và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, mức lương 20 triệu đồng chỉ đủ để trang trải các chi phí cơ bản như thuê nhà, ăn uống, đi lại và một ít chi tiêu cá nhân, khó có thể tích lũy hay thực hiện các mục tiêu lớn hơn như mua nhà, mua xe.

Một tài khoản bình luận: "20tr là lương siêu thấp luôn á. Em mình 2k5 lương đã 50tr/1 tháng rồi á. Mình thì khoảng 120tr 1thg mà cũng còn thấy thấp so mới các bạn cùng trang lứa luôn á."

Hay một bình luận khác cho thấy mức thu nhập "khủng" hơn: "Mình 2k5 mới xin việc đã lương 84tr. Dự kiến sang năm sẽ lên 105tr. Xung quanh mình cũng toàn trăm."

Những con số này, dù mang tính cá nhân, nhưng đã phần nào vẽ nên một bức tranh về thế hệ trẻ năng động, có tư duy khởi nghiệp sớm, không ngại thử thách để đạt được mức thu nhập cao hơn, và có cái nhìn rất khác về giá trị của đồng tiền cũng như mục tiêu tài chính so với các thế hệ trước. Đối với họ, mức lương "ổn định" của thế hệ trước có thể không còn đủ hấp dẫn để đảm bảo một cuộc sống đúng như kỳ vọng.

Thực tế hay ảo tưởng? Lời phản biện từ "thế hệ cũ"

Ngược lại, không ít người, đặc biệt là những người thuộc thế hệ trước hoặc có cái nhìn thực tế hơn về thị trường lao động, đã phản đối mạnh mẽ. Họ cho rằng những con số thu nhập "khủng" được khoe trên mạng xã hội chỉ là cá biệt, không phản ánh đúng thực trạng chung của phần lớn lao động tại Việt Nam.

Một số ý kiến nhấn mạnh về mức lương trung bình quốc gia, khẳng định: "Đừng thấy vài cá nhân mà đánh đồng tất cả. Lương trung bình của Việt Nam là 7,8tr thôi," – một bình luận thẳng thắn chỉ ra, đề cập đến mức lương trung bình thực tế tại Việt Nam theo các số liệu thống kê từ các báo cáo thị trường lao động, cho thấy 20 triệu đồng vẫn là một con số cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng chỉ ra sự đa dạng của ngành nghề, nơi không phải lĩnh vực nào cũng có mức thu nhập "khủng" ngay từ đầu. Nhiều người làm việc trong các ngành nghề truyền thống, dịch vụ công, hoặc các ngành nghề ít "hot" hơn vẫn phải chấp nhận mức lương khởi điểm thấp và tăng dần theo kinh nghiệm. "Nhà vía lương 8trẹo," một bình luận ngắn gọn nhưng thể hiện việc không mấy đồng tình với quan điểm "lương 20 triệu/tháng là thấp".

Ngoài ra, một số ý kiến còn đề cập đến trải nghiệm và kinh nghiệm, cho rằng mức lương cao ở độ tuổi trẻ thường đi kèm với những áp lực công việc khổng lồ, đòi hỏi năng lực vượt trội hoặc phải làm việc trong những môi trường cạnh tranh cao. "Lương 3tr ngậm ngùi nhìn các em :))" – bình luận này từ một người dùng khác phản ánh thực tế khó khăn của những người có thu nhập thấp hơn rất nhiều, và rằng việc so sánh có thể tạo ra áp lực không cần thiết.

Không chỉ vậy, không ít người bày tỏ sự nghi ngờ về tính xác thực của các con số được "flex" trên Threads, cho rằng chúng có thể đã được thổi phồng hoặc chỉ là thu nhập nhất thời từ các dự án chứ không phải lương cứng ổn định. "Toàn các cao nhân v:)))" – đây là bình luận mang tính châm biếm nhưng cũng thể hiện sự hoài nghi về tính xác thực của các con số được đưa ra.

Thực tế, không ít các bạn trẻ đã "ăn gian" khi khoe thu nhập trên mạng xã hội. Đằng sau đó có thể là nhiều mục đích khác nhau. Một số người có thể muốn thu hút sự chú ý của các nhà tuyển dụng tiềm năng, tạo dựng "thương hiệu cá nhân" để dễ dàng tìm được công việc tốt hơn với mức lương cao hơn trong tương lai.

Mặt khác, không ít trường hợp việc "thổi phồng" thu nhập là chiêu trò để thu hút người theo dõi, xây dựng tệp khán giả cho các mục đích kinh doanh. Khi đã có một lượng fan nhất định, họ có thể bắt đầu bán các khóa học làm giàu, khóa học về tài chính cá nhân, đầu tư, hay thậm chí là các dịch vụ tư vấn với lời hứa hẹn "giúp bạn đạt được mức thu nhập như tôi".

Điều này đặt ra một câu hỏi lớn về tính xác thực của các thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, và cảnh báo người dùng về nguy cơ bị dắt mũi bởi những con số "ảo" không phản ánh đúng thực tế.

 Một tài khoản khoe thu nhập 200-500 triệu/tháng nhưng lại quan tâm đến công việc chỉ khoảng 200 nghìn đồng/ngày.

Một tài khoản khoe thu nhập 200-500 triệu/tháng nhưng lại quan tâm đến công việc chỉ khoảng 200 nghìn đồng/ngày.

Trào lưu khoe thu nhập trên Threads là một dạng nội dung thu hút sự chú ý lớn từ người dùng trẻ. Điều này một phần đến từ thuật toán của Threads giúp nội dung dạng văn bản dễ dàng lan tỏa. Tuy nhiên, việc liên tục tiếp xúc với những con số thu nhập "khủng" có thể tạo ra áp lực vô hình cho nhiều người, gây ra tâm lý so sánh và lo lắng về con đường sự nghiệp của bản thân.

Dù gây ra nhiều tranh cãi, những cuộc thảo luận về thu nhập trên Threads cũng mở ra cơ hội để các cá nhân chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau về cách kiếm tiền, quản lý tài chính và định hướng sự nghiệp trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi người cần có cái nhìn khách quan và không để bản thân bị cuốn vào những ảo tưởng từ mạng xã hội.

Trầm Phương

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/tranh-cai-quan-diem-luong-20-trieu-la-thap-tren-threads-post1556285.html
Zalo