Tranh cãi gay gắt cầu thủ nhập tịch Malaysia sau trận thắng đậm Việt Nam
Bóng đá Malaysia đang chứng kiến một làn sóng cầu thủ nhập tịch sinh ra ở nước ngoài mang dòng máu Malaysia, lần lượt khoác áo đội tuyển quốc gia, nhưng họ vẫn không làm hài lòng người hâm mộ.
Cầu thủ nhập tịch đã giúp nâng cao chất lượng đội hình Malaysia và tăng khả năng cạnh tranh trên đấu trường quốc tế, bằng chứng là trận thắng đậm khách Việt Nam 4-0 ở vòng loại Asian Cup 2027 hồi tháng 6. Tuy nhiên, dư luận Malaysia và quốc tế vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh danh tính, nguồn gốc lẫn sự gắn bó của các cầu thủ này với đất nước Malaysia.
Theo đó, các cầu thủ nhập tịch sinh ra ở nước ngoài đã đến Kuala Lumpur, chơi bóng cho đội tuyển Malaysia và sau đó trở về nơi họ đến. Tuy nhiên, cuộc tranh luận về tổ tiên, dòng dõi và mối liên hệ của họ với Malaysia vẫn chưa có hồi kết. Đây là một tình huống bất thường, điều mà bóng đá Malaysia chưa từng trải qua. Một số người hâm mộ không thể phát âm tên cầu thủ quốc gia của họ, một số người gặp vấn đề trong việc nhớ ai là ai và đến từ đâu.
Trong những năm gần đây, Liên đoàn bóng đá Malaysia (FAM) đã tích cực tìm kiếm những tài năng mang dòng máu Malaysia ở khắp nơi trên thế giới. Gần đây nhất, FAM thông báo năm cầu thủ di sản mới - Facundo Garces, Imanol Machuca, Jon Irazabal, Joao Figueiredo và Rodrigo Holgado - đã được FIFA xác nhận đủ điều kiện thi đấu cho Malaysia.

Đội tuyển Malaysia có đến 18 cầu thủ nhập tịch đăng ký chơi vòng loại Asian Cup 2027. Ảnh: AFC.
Các cầu thủ nhập tịch đã lập tức gây ấn tượng mạnh khi góp công trong chiến thắng vang dội 4-0 trước đội tuyển Việt Nam tại vòng loại Asian Cup 2026 trên sân Bukit Jalil. Có đến 9/11 cầu thủ nhập tịch của Malaysia ở đội hình xuất phát trong trận này.
Thế nhưng không phải tất cả người hâm mộ đều cảm thấy hào hứng. Trên mạng xã hội và các diễn đàn thể thao, không ít người bày tỏ sự nghi ngờ về mối liên hệ thực sự giữa những cầu thủ này với Malaysia. Một số người cho rằng FAM thiếu minh bạch khi không công bố rõ ràng về dòng dõi hay tổ tiên của các cầu thủ di sản. Một số người khác thậm chí không thể phát âm chính xác tên các tuyển thủ mới, hay cảm thấy xa lạ khi nhìn vào danh sách thi đấu của đội tuyển quốc gia.
Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch FAM, Datuk Joehari Ayub, nhấn mạnh rằng mọi cầu thủ được triệu tập đều đã được FIFA xác minh kỹ càng: “Chúng tôi không xem nhẹ vấn đề này. Tất cả hồ sơ, lý lịch cầu thủ đều đã được FIFA kiểm tra kỹ. Nếu có yêu cầu tiết lộ, chúng tôi không ngại minh bạch thông tin”. Ông Datuk Joehari Ayub khẳng định FAM luôn tuân thủ quy định quốc tế và quy trình tuyển chọn chặt chẽ: “Nếu có bất kỳ vấn đề nào, FIFA sẽ không chấp thuận. Trong trường hợp này, mọi thứ đã được làm rõ và thực hiện theo đúng quy trình".

Chủ tịch FAM, Datuk Joehari Ayub khẳng định các trường hợp cầu thủ nhập tịch Malaysia đều hợp lệ. Ảnh: AFC.
Mặc dù tranh cãi vẫn còn đó, HLV trưởng đội tuyển quốc gia, Peter Cklamovski, người Úc, lại có góc nhìn rất rõ ràng và tích cực. Với ông, dù sinh ra ở đâu, những cầu thủ mang dòng máu Malaysia đều xứng đáng đại diện cho tổ quốc: “Họ chính là người Malaysia ở nước ngoài, đó là cách tôi nghĩ về các cầu thủ nhập tịch. Họ có niềm đam mê, có cam kết, và sẽ cống hiến hết mình cho quốc gia”.
Cklamovski không giấu tham vọng biến đội tuyển thành một tập thể giàu sức chiến đấu, có tính cạnh tranh cao và theo đuổi lối chơi tấn công: “Tôi muốn thấy những cầu thủ có tư duy tấn công rõ ràng, có khả năng chơi bóng hiện đại. Sự cạnh tranh trong nội bộ đội hình sẽ giúp chúng tôi tiến xa hơn”.
Việc tăng cường các cầu thủ nhập tịch và di sản không phải là điều quá mới lạ trên thế giới. Rất nhiều đội tuyển quốc gia như Qatar, Nhật Bản, hay thậm chí Pháp cũng từng áp dụng chiến lược này để cải thiện chất lượng đội hình. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là làm sao để cầu thủ không chỉ khoác áo đội tuyển, mà còn thực sự cảm nhận được tinh thần, niềm tự hào và trách nhiệm khi đại diện cho một quốc gia.

HLV Cklamovski nghĩ đơn giản các cầu thủ là người Malaysia ở nước ngoài. Ảnh: AFC.
Ở Malaysia, đây là một “thí nghiệm” chưa từng có tiền lệ với quy mô lớn như hiện tại. Có thể thấy rõ mục tiêu của FAM là đưa đội tuyển bước lên một tầm cao mới trong khu vực và xa hơn là vươn ra châu lục. Tuy nhiên, sự thiếu thông tin rõ ràng có thể gây tác dụng ngược, làm mất lòng tin của người hâm mộ, những người luôn là trái tim của bóng đá quốc gia.
Suy cho cùng, bóng đá không chỉ là câu chuyện về chiến thắng. Đó còn là bản sắc, là sự kết nối giữa đội tuyển và người dân. Nếu các cầu thủ sinh ra ở Argentina, Tây Ban Nha hay Brazil có thể gọi Malaysia là “quê hương thứ hai” với sự chân thành và cống hiến lâu dài, thì chắc chắn họ sẽ được chào đón. Nhưng điều đó cần được chứng minh bằng hành động, bằng thời gian, chứ không chỉ bằng một vài trận đấu hay thủ tục giấy tờ.
Malaysia đang ở một ngã rẽ đặc biệt trong hành trình phát triển bóng đá. Việc tận dụng nguồn lực toàn cầu hóa là hợp lý, nhưng bên cạnh đó, việc xây dựng niềm tin và minh bạch với người hâm mộ trong nước cũng là một nhiệm vụ không thể bỏ qua.