Trần Lê Thanh Như, Giám đốc quốc gia BrightCHAMPS tại Việt Nam: Mang giáo dục chất lượng cao đến từng gia đình

Cùng với đội ngũ BrightCHAMPS, Trần Lê Thanh Như tâm huyết xây dựng nội dung các khóa học giúp trẻ em Việt phát triển kỹ năng toàn diện để trở thành 'phiên bản' xuất sắc nhất của chính mình, mang giáo dục chất lượng cao đến từng gia đình Việt.

Trần Lê Thanh Như (thứ nhất, từ phải sang) và các nhà đồng sáng lập BrightCHAMPS.

Trần Lê Thanh Như (thứ nhất, từ phải sang) và các nhà đồng sáng lập BrightCHAMPS.

Hệ sinh thái kỹ năng cho trẻ trong thế kỷ 21

BrightCHAMPS là start-up trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (edtech) đang hoạt động tại hơn 30 quốc gia trên thế giới, phục vụ trên 100.000 học viên. Chị Trần Lê Thanh Như tiết lộ, tên gọi “BrightCHAMPS” xuất phát từ ý tưởng của một trong những học sinh đầu tiên của Công ty - Vivaan Bhushan. Đây là một học sinh rất thông minh, đam mê môn lịch sử. Trong một buổi học lập trình, khi giáo viên hỏi: “Lớn lên, con muốn trở thành người thế nào?”, cậu trả lời: “Con muốn thật sáng suốt (bright) và là người giỏi nhất (champion) trong bất cứ việc gì con làm”.

“Từ đó, cái tên BrightCHAMPS ra đời, thể hiện khát vọng truyền cảm hứng cho mọi đứa trẻ trở thành phiên bản xuất sắc nhất của chính mình”, chị Thanh Như chia sẻ.

Chúng tôi tin rằng, trẻ em không nên chỉ giỏi một lĩnh vực, mà cần phát triển bộ kỹ năng toàn diện để có thể thích ứng và phát triển trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

- Trần Lê Thanh Như, Giám đốc quốc gia BrightCHAMPS tại Việt Nam

Gia nhập Việt Nam năm 2022, start-up cung cấp các khóa học theo mô hình “phygital” - kết hợp giữa học trực tiếp và học trực tuyến, hướng tới đào tạo kỹ năng toàn diện cho học sinh từ 5 đến 17 tuổi. Các khóa học đang triển khai tại Việt Nam gồm thuyết trình và giao tiếp tiếng Anh, lập trình, trí tuệ nhân tạo thế hệ mới (Gen AI), kỹ năng tài chính, robotics và sắp tới sẽ có thêm toán học thực tiễn.

“Chúng tôi tin rằng, trẻ em không nên chỉ giỏi một lĩnh vực, mà cần phát triển bộ kỹ năng toàn diện để có thể thích ứng và phát triển trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng”, chị Thanh Như lý giải.

Không chạy theo xu hướng AI và STEAM, BrightCHAMPS đi sâu phân tích những khoảng trống của thị trường, từ đó tinh chỉnh cách tiếp cận của mình. Ví dụ, trong môn tiếng Anh, start-up nhận thấy, có những học sinh Việt Nam đã học

tiếng Anh trong nhiều năm, nhưng vẫn không thể diễn đạt trôi chảy. Để giải quyết vấn đề này, BrightCHAMPS tập trung rèn luyện cho trẻ em tự tin trong giao tiếp, thay vì chỉ dạy ngữ pháp hay luyện thi.

Với các môn lập trình, Gen AI, robotics và kỹ năng tài chính, trẻ em không chỉ được học kiến thức kỹ thuật, mà còn được rèn luyện tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và ra quyết định. Điều này giúp học sinh có cái nhìn tổng quan và đủ nền tảng để đi sâu vào bất kỳ lĩnh vực nào trong tương lai.

“Mục tiêu của BrightCHAMPS tại Việt Nam rất rõ ràng, đó là mang giáo dục chất lượng cao đến từng gia đình. Khác với nhiều đơn vị trên thị trường, chúng tôi không tham gia ‘cuộc đua giảm giá’, mà lựa chọn đầu tư vào chất lượng sản phẩm, cải tiến chương trình học, đào tạo giáo viên, tối ưu nền tảng để đảm bảo mang lại giá trị tối ưu cho người học”, đại diện BrightCHAMPS tại Việt Nam nhấn mạnh.

BrightCHAMPS đang vận hành 4 trung tâm học tập trực tiếp tại TP.HCM. Start-up đặt mục tiêu trong 24 tháng tới sẽ mở rộng hệ thống lên khoảng 20 trung tâm trên toàn quốc.

Bước đi chiến lược

Năm 2020, trong bối cảnh Covid-19 thúc đẩy nhu cầu học tập online trên toàn cầu, nhận thấy hệ thống giáo dục truyền thống không bắt kịp những tiến bộ nhanh chóng của các công nghệ mới nổi như robot, AI, học máy, chuỗi khối, Web 3.0..., BrightCHAMPS được thành lập (tại Ấn Độ), với mục tiêu lấp đầy những khoảng trống này thông qua các khóa học đa kỹ năng.

Khi mở rộng sang Việt Nam, thay vì phát triển từ con số 0, BrightCHAMPS mua lại nền tảng học tiếng Anh trực tuyến cho trẻ em Schola. Chị Thanh Như cho biết, đây là bước đi chiến lược đầu tiên, giúp Công ty tận dụng hoạt động sẵn có và mức độ nhận diện thương hiệu của Schola, trước khi mở rộng dần nội dung đào tạo và định vị lại hình ảnh thương hiệu.

BrightCHAMPS cho biết, trong số hơn 30 thị trường mà start-up hiện diện, Việt Nam là thị trường lớn thứ hai toàn cầu và là nhân tố trọng yếu trong mục tiêu đưa start-up trở thành tổ chức giáo dục bổ trợ lớn nhất thế giới vào năm 2027.

Những năm gần đây, thị trường edtech tại Việt Nam tăng trưởng ấn tượng. Năm 2019, Việt Nam nằm trong top 10 thị trường giáo dục trực tuyến phát triển nhanh nhất toàn cầu, với Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 44,3%. Báo cáo từ IMARC (công ty nghiên cứu thị trường) chỉ ra, thị trường edtech Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng, với CAGR đạt 13,5% trong giai đoạn 2024-2032.

“Sự phát triển nhanh chóng này cho thấy, nhu cầu học trực tuyến tại Việt Nam ngày càng tăng cao. Các yếu tố thúc đẩy gồm: khả năng tiếp cận Internet tốt hơn, sự phổ biến của thiết bị di động và sự quan tâm ngày càng lớn đến việc học tập kỹ thuật số từ phía phụ huynh và học sinh”, chị Thanh Như phân tích.

Tuy nhiên, thị trường edtech Việt Nam vẫn tồn tại một số rào cản. Theo Sách trắng edtech Việt Nam 2024, mặc dù tốc độ tăng trưởng ngành này dự kiến đạt 13,5%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2032, nhưng sự chuyển dịch từ mô hình học truyền thống sang học trực tuyến còn chậm, mức độ cạnh tranh vẫn là thách thức lớn...

Các nhà phân tích cho rằng, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp edtech tại Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng, tập trung vào sản phẩm mang lại giá trị thiết thực cho người dùng, đồng thời xây dựng mô hình doanh thu lâu dài, ổn định. Đó cũng là con đường mà BrightCHAMPS đang chọn - một hành trình không ồn ào, không vội vàng, hướng tới mục tiêu phát triển trong dài hạn.

Nhung Bùi

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tran-le-thanh-nhu-giam-doc-quoc-gia-brightchamps-tai-viet-nam-mang-giao-duc-chat-luong-cao-den-tung-gia-dinh-d318767.html
Zalo