Tràn lan tin giả về kẻ ám sát cựu Thủ tướng Abe

Các chuyên gia pháp lý cảnh báo về hậu quả của việc lan truyền tin giả cũng như chia sẻ nội dung căm thù trên mạng xã hội. Nhiều người vô tội đã bị kéo vào vụ việc một cách vô lý.

Trước những tuyên bố vô căn cứ như "thủ phạm ám sát ông Abe là người Hàn Quốc sống ở Nhật Bản", luật sư và chuyên gia về ngôn từ căm thù Yasuko Morooka nói: "Chính phủ phải đưa ra thông điệp rằng những tin đồn thất thiệt kích động phân biệt đối xử và bạo lực là không thể dung thứ".

Theo Mainichi, thông tin bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội ngay sau khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị bắn ở thành phố Nara trong lúc đang phát biểu về cuộc vận động tranh cử hôm 8/7.

 Nghi phạm ám sát ông Abe là Yamagami Tetsuya (41 tuổi), cư dân thành phố Nara. Ảnh: The Japan Times.

Nghi phạm ám sát ông Abe là Yamagami Tetsuya (41 tuổi), cư dân thành phố Nara. Ảnh: The Japan Times.

Phóng viên ảnh Natsuki Yasuda chia sẻ trên Twitter: "Tôi cảm thấy kinh hoàng trước những suy đoán về nguồn gốc và động cơ của thủ phạm đang tràn lan trên mạng. Vui lòng xem xét lại trước khi đăng hoặc phát tán những thứ này. Đó là bước đầu tiên để phá vỡ chuỗi bạo lực".

Morooka, luật sư của Hiệp hội Luật sư Tokyo, cho biết cũng từng có những tin đồn thất thiệt rằng kẻ gây ra vụ thảm sát tại nhà chăm sóc người khuyết tật năm 2016 ở Sagamihara, tỉnh Kanagawa, là một người Hàn Quốc.

"Một khi được đăng tải, tin đồn không dễ dàng biến mất. Sau sự việc gần đây, người dùng mạng đã đăng những câu như: 'Hãy trả thù'. Nếu những tin đồn thất thiệt dựa trên thành kiến lan truyền, chắc chắn có nguy cơ tội ác thù hận xảy ra như một cách trả đũa cho vụ việc".

Lãnh sự quán Hàn Quốc ở Fukuoka đã cảnh báo trên tài khoản Twitter chính thức của mình rằng những người Hàn Quốc sống ở Nhật Bản có thể trở thành mục tiêu của tội ác thù hận sau vụ xả súng.

 Trang tin của Iran sử dụng sai hình ảnh khi đưa tin về kẻ ám sát ông Abe. Ảnh: Mashregh News.

Trang tin của Iran sử dụng sai hình ảnh khi đưa tin về kẻ ám sát ông Abe. Ảnh: Mashregh News.

Nhiều người vô tội khác cũng bị kéo vào vụ việc khi tin giả về họ lan truyền trên Internet.

Một chính trị gia người Pháp và 2 trang tin ở Iran, Hy Lạp đã sử dụng hình ảnh của Hideo Kojima, cho rằng ông là kẻ sát hại cựu Thủ tướng Shinzo Abe.

Trên thực tế, Hideo Kojima không hề liên quan đến vụ ám sát xảy ra hôm 8/7. Ông là nhà sản xuất trò chơi điện tử nổi tiếng, "cha đẻ" của các tựa game đình đám như Death Stranding và Metal Gear Solid, theo VICE.

Một số trang khác đăng ảnh của một người đàn ông tên Samzuki Hydaiko và nói rằng người này chính là thành viên yakuza, tổ chức tội phạm khét tiếng Nhật Bản, có liên quan trực tiếp đến vụ xả súng.

Tuy nhiên, nghi phạm ám sát ông Abe bị bắt giữ ngay tại hiện trường là Yamagami Tetsuya (41 tuổi, cư dân thành phố Nara). Người này từng phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản từ năm 2002 đến năm 2005.

Trong quá trình điều tra, nghi phạm Yamagami khai rằng động cơ chính khiến người này ám sát cựu Thủ tướng Abe là vì tin rằng ông Abe có liên quan đến một tổ chức tôn giáo mà mẹ nghi phạm là thành viên. Theo đó, mẹ nghi phạm từng góp rất nhiều tiền cho tổ chức tôn giáo này, khiến gia đình gặp khó khăn về tài chính.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tran-lan-tin-gia-ve-ke-am-sat-cuu-thu-tuong-abe-post1334374.html
Zalo