Trái phiếu chính phủ hút dòng tiền, huy động hơn 30.000 tỷ đồng trong tháng 6
Trong bối cảnh thị trường tài chính tiếp tục ổn định và thanh khoản duy trì tích cực, hoạt động đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) do Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức trong tháng 6/2025 ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ. Theo số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tổng giá trị huy động TPCP trong tháng đạt 30.473 tỷ đồng, tăng tới 68,8% so với tháng 5, phản ánh nhu cầu đầu tư ổn định và chiến lược phát hành hiệu quả từ KBNN.

Đáng chú ý, trái phiếu phát hành trong tháng 6 tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn 5 năm và 10 năm, chiếm lần lượt 27% và 68% tổng giá trị phát hành, tương đương 8.300 tỷ đồng và 20.640 tỷ đồng. Các kỳ hạn dài hơn như 15 năm và 30 năm cũng được phát hành nhằm đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đáp ứng các nhu cầu khác nhau từ nhà đầu tư.
Diễn biến lãi suất trúng thầu trong tháng ghi nhận xu hướng tăng nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn 5 năm có lãi suất trúng thầu ở mức 2,59% (tăng 18 điểm cơ bản), kỳ hạn 10 năm ở mức 3,18% (tăng 10 điểm), kỳ hạn 15 năm là 3,27% (tăng 7 điểm) và kỳ hạn 30 năm đạt 3,40% (tăng 10 điểm cơ bản) so với cuối tháng 5. Diễn biến này phản ánh sự dịch chuyển cung - cầu trên thị trường sơ cấp, đồng thời cho thấy kỳ vọng tăng lãi suất dần hiện diện rõ hơn trong định giá trái phiếu.
Tính chung 6 tháng đầu năm, KBNN đã huy động thành công 201.390 tỷ đồng thông qua đấu thầu TPCP, hoàn thành 40% kế hoạch năm 2025. Với tiến độ huy động hiện tại, cơ quan quản lý tài chính kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì nguồn cung ổn định cho thị trường và góp phần bảo đảm cân đối ngân sách.
Trên thị trường thứ cấp, hoạt động giao dịch TPCP trong tháng 6 cũng diễn ra sôi động. Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 16.739 tỷ đồng, tăng 20,28% so với tháng trước. Trong đó, giao dịch outright chiếm ưu thế với 73,98%, còn giao dịch repo chiếm 26,02% tổng giá trị.
Một điểm đáng chú ý là giá trị niêm yết TPCP tính đến hết tháng 6 đạt 2.395.821 tỷ đồng, cho thấy quy mô thị trường tiếp tục mở rộng. Nhà đầu tư nước ngoài duy trì mức độ tham gia ở tỷ lệ 3,68% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, nhưng ghi nhận bán ròng nhẹ 13,4 tỷ đồng trong tháng. Tuy nhiên, xét về xu hướng chung, lũy kế 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 14.044 tỷ đồng, tăng 19,22% so với mức bình quân cả năm 2024.
Về lợi suất, tháng 6 ghi nhận xu hướng tăng ở các kỳ hạn 7 năm, 15 năm và 5 năm với mức lợi suất trung bình lần lượt là 2,8176%; 3,1584% và 2,5167%. Ngược lại, một số kỳ hạn dài như 25 - 30 năm chứng kiến lợi suất giảm nhẹ, phản ánh mức độ ổn định trong kỳ vọng lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ trong trung dài hạn.
Cơ cấu kỳ hạn giao dịch cho thấy thị trường tiếp tục ưu tiên các trái phiếu trung và dài hạn. Cụ thể, kỳ hạn 10 năm chiếm 28,15% tổng giá trị giao dịch, kỳ hạn 10 - 15 năm chiếm 14,17% và kỳ hạn 5 năm chiếm 12,55%.
Đặc biệt, các ngân hàng thương mại vẫn giữ vai trò trụ cột trên thị trường TPCP, với tỷ lệ giao dịch outright chiếm 55,08% và repo lên tới 93,24% tổng giá trị. Vai trò trung tâm của hệ thống ngân hàng thể hiện rõ nét trong việc cung cấp thanh khoản và điều tiết dòng vốn, góp phần ổn định thị trường tài chính và hỗ trợ thực thi chính sách tài khóa- tiền tệ.
Trong bối cảnh thị trường tài chính đang hướng đến sự điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu vĩ mô, hiệu quả phát hành và giao dịch trái phiếu Chính phủ được kỳ vọng sẽ tiếp tục là điểm tựa ổn định cho hệ thống tài chính - ngân sách trong nửa cuối năm 2025.