Trải nghiệm ẩm thực 'đến Lạng Sơn, ăn sạch trơn'

Giờ đây khi đến Lạng Sơn, du khách sẽ dễ dàng tìm kiếm các món ăn, địa chỉ quán với chất lượng 'ngon bổ rẻ' nhờ có 'bản đồ food tour'.

Phở chua

Phở chua là đặc sản của Lạng Sơn nên vì thế khi đến với vùng đất này, dường như ai cũng háo hức mong được thưởng thức.

Phở chua có đủ 4 vị chua, cay, mặn, ngọt với 2 phần chính là phần khô và phần nước. Trong đó, phần khô trước hết phải kể đến bánh phở vừa dẻo vừa dai, tiếp đó là món khoai lang chiên thái chỉ, xá xíu, gan lợn thái mỏng rán cháy cạnh, hành khô, lạc rang, các loại rau thơm.

Điểm nhấn của đặc sản này nằm ở phần nước trộn phở chua ngọt. Thứ nước sốt có màu nâu óng sền sệt được làm từ nước luộc vịt cùng nhiều loại gia vị như hành, tỏi, ớt, giấm, đường, gừng... sau đó chế bột năng để nước sánh lại. Dùng kèm phở là một bát nước được chắt ra từ bụng con vịt quay hoặc nước luộc vịt, mang vị ngậy của mỡ và mùi thơm của gia vị ướp.

Phở vịt quay

Phở vịt quay ở Lạng Sơn có nước dùng béo, thơm mùi móc mật. Trước khi ăn, đừng quên thêm măng ngâm giấm ớt và rau sống. Nước dùng đậm đà hài hòa cùng vị ngọt, đậm đà của thịt, giòn rụm ở da, chua chua của măng và mềm mại của bánh phở.

Nếu muốn thưởng thức món ăn này khi đến Lạng Sơn, bạn có thể khám phá quán phở ở số 2 Đại Huề, Chi Lăng. Ngoài việc phải có loạt vịt quay thơm ngon, quán còn sử dụng bánh phở được làm từ gạo Lộc Bình - loại gạo nổi tiếng của Lạng Sơn. Phở được làm thành tảng, sau đó sẽ được thái tay bản to, mang đến độ hấp dẫn cho bát phở vịt đặc trưng xứ Lạng.

Bún chả

Con phố Xứ Nhu, Chi Lăng, TP. Lạng Sơn có khá nhiều hàng bún chả, nhưng đông nhất phải kể đến quán bún chả Giang Hà (số 8, Xứ Nhu). Chị chủ quán cho biết, nhà chị đã có 20 năm duy trì quán bún chả Giang Hà. Trước đây là mẹ, giờ bà truyền lại cho con gái và con dâu. Bí quyết của món bún chả ngon được chủ quán tiết lộ rằng, thịt phải tươi ngon, tẩm ướp với gia vị đặc trưng, sau đó là kỹ thuật nướng để miếng thịt được vàng ruộm bên ngoài, mềm ngọt bên trong, không bị dai hay cháy xém quá nhiều. Kế đến là công thức pha nước chấm. Quán không dùng nước mắm để pha vì nước mắm có mùi nồng, khi pha màu nước không được trong.

Ngoài bún chả chấm truyền thống, quán còn có món bún chả trộn. Khách cũng có thể oder thêm các món ăn phụ để thay đổi khẩu vị.

Chủ quán tiết lộ, vào những đợt cao điểm như lễ hội, quán bán tới 700 suất/ngày. Còn ngày thường thì giao động từ 200-300 suất. Giá mỗi suất từ 35.000 đồng.

Vịt quay

Vịt quay có thể nói là "linh hồn" của ẩm thực Lạng Sơn. Vì thế khi đến đây, hầu như ở đâu cũng dễ dàng bắt gặp những quán bán vịt quay. Trong đó, vịt quay Hồng Xiêm được nhiều người tìm đến thưởng thức.

Chị Nguyễn Thị Hồng Xiêm, chủ cửa hàng chia sẻ: "Đây là thương hiệu gia truyền của gia đình tôi với lịch sử 80 năm. Các cụ nhà tôi vốn là người Hoa nhưng khi sang Việt Nam, các gia vị tẩm ướp đã được thay đổi nhiều để hợp với khẩu vị của người Việt.

Theo chị Hồng Xiêm, để làm nên món vịt quay cần khoảng 20 loại gia vị, trong đó không thể thiếu: quả mắc mật, đinh hương, thảo quả, hoa hồi, đậu tương lên men. Sau đó, vịt được bơm hơi giúp cho phần da tách rời phần thịt và tạo độ giòn. Để có màu cánh gián đẹp mắt, vịt được quết một lớp mật ong rừng pha với nước. Tiếp đến, vịt được cho vào lò để hong khô khoảng 1 tiếng đồng hồ, công đoạn này giúp vịt ngấm đều gia vị, vịt càng khô thì khi chín da càng căng bóng và ròn.

Vịt dùng để quay phải có trọng lượng từ 3 kg- 3,5 kg. Khi làm sạch và quay, thành phẩm còn khoảng 2,5kg. Giá bán giao động từ 230 nghìn – 250 nghìn/con.

Bánh áp chao

Điểm khác biệt của loại bánh này được làm bằng nhân thịt vịt thay vì nhân thịt lợn như thông thường.

Vỏ bánh được làm bằng bột gạo nếp, gạo tẻ đem ngâm rồi xay ra, trộn một chút đỗ tương, khoai môn nạo.

Khoai môn nạo là nguyên liệu không thể thiếu của bánh áp chao, vưàtạo độ thơm vừa tạo độ mềm dẻo cho bánh. Nhân được lấy từ phần ức của vịt, ướp với gia vị, húng lìu, muối tiêu… sau đó cho vào chảo chiên ngập dầu, thưởng thức cùng nước chấm chua ngọt và rau sống.

Bánh coóng phù, bánh phoóng dăm

Bánh coóng phù, bánh phoóng dăm là 2 món bánh mang đặc trưng của người Tày ở Lạng Sơn. Thoạt nhìn, coóng phù có nhiều điểm tương đồng với bánh trôi của một số vùng miền và cách làm thì cũng tương tự bánh trôi. Nhưng khác với bánh trôi, nhân bánh coóng phù được làm bằng đỗ xanh nấu chín giã nhuyễn trộn đường kính thay vì dùng nhân là đường viên. Ngoài màu trắng, bánh còn có màu vàng. Nguyên liệu tạo màu làm từ gấc.

Cũng có hình tròn tựa như coóng phù và được làm từ bột gạo nếp nhưng phoóng dăm lại là món ăn mặn và công đoạn chế biến có phần cầu kỳ hơn. Nguyên liệu để làm phoóng dăm gồm có: bột gạo nếp, thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương… Bánh được chan với nước dùng ninh xương và thêm một miếng xương sườn ninh mềm.

Hai món bánh này đặc biệt thích hợp vào mùa đông.

Các món ăn vặt phù hợp mùa đông

Món hút khách vào mùa đông xứ Lạng còn phải kể đến ốc xào măng cay và các món nướng. Du khách có thể tìm trong bản đồ ẩm thực để đến các quán như ốc 555, đồ nướng Diệp Cạ… là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích các món ăn vặt. Với phong cách bình dân, gần gũi và không gian mở thoáng đãng, quán thu hút cả người dân địa phương lẫn du khách muốn trải nghiệm một bữa tối ấm cúng "ngon bổ rẻ".

Với việc thu hút du khách bằng bản đồ ẩm thực foodtour, Lạng Sơn mong muốn sẽ tạo thành điểm nhấn trong hoạt động xúc tiến du lịch, quảng bá nét đẹp văn hóa ẩm thực địa phương trong tương lai.

Theo thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, ngày 2/12/2024, Trung tâm sẽ chính thức công bố sản phẩm foodtour Lạng Sơn để đưa tinh hoa ẩm thực đặc trưng của xứLạng đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Cùng với bản đồ foodtour, Trung tâm còn kết nối du khách tham quan các điểm đến di tích lịch sử, du lịch tâm linh, tăng thời gian lưu trú của du khách khi đến với Lạng Sơn.

M.N

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/trai-nghiem-am-thuc-den-lang-son-an-sach-tron-172241129222538648.htm
Zalo