Trách nhiệm trong vận hành chính quyền địa phương 2 cấp

Chiều nay, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình triển khai vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn Thành phố. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội và trực tuyến đến 126 xã, phường trên địa bàn Thành phố.

Sau 15 ngày đầu chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở đã thể hiện quyết tâm chính trị cao và sự đồng lòng với tinh thần chủ động, quyết liệt và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, khoa học.

Công tác chuẩn bị không chỉ tập trung vào việc kiện toàn bộ máy, đảm bảo nguồn lực mà còn gắn liền với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phân cấp, phân quyền nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

126/126 xã, phường đã tổ chức họp ban chấp hành, thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc cho Đảng ủy. Về phía HĐND các xã, phường, 600 nghị quyết đã được ban hành, tập trung vào thành lập cơ quan chuyên môn, chương trình kỳ họp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. 100% Đảng ủy xã, phường đã thành lập chi bộ, đảng bộ cơ sở tại các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có đủ điều kiện.

Một trong những điểm nổi bật của mô hình chính quyền địa phương hai cấp là sự đột phá trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Từ ngày 1 đến 13/7/2025, Hà Nội tiếp nhận hơn 66.000 hồ sơ, trong đó 14% được nộp trực tuyến. Số thủ tục hành chính cấp xã được tăng từ 112 lên 559 thủ tục, giúp người dân tiếp cận dịch vụ nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của 126 xã, phường và các sở, ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức đã nghiêm túc, trách nhiệm, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ mới để làm tiền đề cho giai đoạn tiếp theo. Trong đó nhiều địa phương ngay từ những ngày đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương mới đã quyết liệt trong từng phần việc cụ thể như quản lý trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường.

Nhấn mạnh thời gian tới, khối lượng công việc lớn, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu 126 xã, phường cần tiếp tục thống nhất nhận thức, tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức để bắt nhịp với công việc.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, từ nay đến tháng 10, Thành phố tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức, đòi hỏi chuyên môn sâu; lưu ý Sở Nội vụ trước mắt tận dụng tối đa nguồn cán bộ trong hệ thống, chủ động bố trí công việc trong giai đoạn trước mắt. Về hình thức đào tạo, bồi dưỡng, ưu tiên đầu tiên là tự bồi dưỡng, tăng cường học hỏi.

Một số vấn đề quan trọng khác như số hóa tài liệu, cải cách hành chính ngay từ việc tổ chức họp hành, ủy quyền cho công chức xã ký chứng thực giấy tờ tài liệu; công tác đền ơn đáp nghĩa, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 cũng được Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nêu rõ.

Đối với đại hội Đảng bộ cấp xã, đồng chí Nguyễn Văn Phong đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu thay đổi cơ bản quan điểm, cách thức xây dựng văn kiện đại hội, cần ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề trọng tâm trọng điểm, chủ yếu là phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới; xây dựng chương trình hành động, đề án cụ thể cho từng giai đoạn, mục tiêu lớn nên xây dựng dài hơn giai đoạn một nhiệm kỳ. Đồng chí tin tưởng tin tưởng đại hội Đảng bộ lần thứ nhất các xã, phường sẽ thành công tốt đẹp.

Thanh Hồng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/trach-nhiem-trong-van-hanh-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-347198.htm
Zalo