Trách nhiệm đánh rơi sau chén rượu
Không ai kỳ vọng cán bộ phải là những con người hoàn hảo. Nhưng một khi đã chọn khoác lên mình danh xưng 'công bộc của dân' thì mọi hành vi, kể cả ngoài giờ công vụ đều mang theo sức nặng của trách nhiệm và sự kỳ vọng từ xã hội.
Chỉ trong vài ngày qua, 2 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên tiếp xảy ra, đều liên quan đến cán bộ công chức và cùng một nguyên nhân lái xe sau khi uống rượu đã khiến dư luận sôi sục.
Tại Hà Nội, ông Lê Minh Giáp - giảng viên một trường cao đẳng, sau khi uống rượu lái ôtô đã gây tai nạn liên hoàn khiến 1 người tử vong, 3 người bị thương. Tại Nghệ An, ông Trần Hữu Ba - cán bộ Ban quản lý dự án của tỉnh Hà Tĩnh, điều khiển xe ôtô sau cuộc nhậu, tông 2 xe máy rồi lao xuống sông khiến 3 người chết, 3 người bị thương.
Đó không còn là những vụ tai nạn giao thông thông thường. Bởi cả hai đều là cán bộ - những người có học thức, có hiểu biết pháp luật. Cả hai đều biết rõ hiểm họa của việc uống rượu lái xe. Song cả hai đều chọn cầm lái và để lại hậu quả đau lòng.
Chúng ta không thiếu khẩu hiệu “Đã uống rượu bia - không lái xe”. Cũng không thiếu chế tài: Nghị định 100, Nghị định 168… với mức xử phạt ngày càng nghiêm khắc. Những chiến dịch truyền thông đã giúp phần đông người dân thay đổi nhận thức. Nhưng vẫn có những trường hợp kể cả người hiểu luật vẫn coi thường luật. Câu hỏi đặt ra là: vì sao?
Có lẽ bởi tâm lý chủ quan: “Mình sẽ không sao”, “chỉ lái một đoạn thôi”, hay thậm chí là niềm tin rằng nếu có chuyện xảy ra, “sẽ có cách xử lý”. Khi niềm tin vào sự miễn trừ ngầm lớn hơn nhận thức về hậu quả, thì rủi ro không còn là ngẫu nhiên mà là điều tất yếu.
Tâm lý ấy càng nguy hiểm khi nó xảy ra trong một bộ phận những người có chức trách. Bởi khi họ bất cẩn, cái giá phải trả không chỉ là một sinh mạng, mà là uy tín của cả cơ quan, đơn vị công tác và hình ảnh cán bộ nói chung.
Ở nhiều quốc gia, chỉ một phát ngôn sai lệch nơi công cộng cũng có thể khiến một quan chức phải từ chức. Văn hóa công vụ ở đó không chỉ đo bằng hiệu suất làm việc, mà còn gắn với cách hành xử trong đời sống thường ngày. Ở ta, không ít cán bộ vẫn giữ hình ảnh trong phòng họp, nhưng lại dễ dãi với bản thân ngoài đời thường. Khi ranh giới giữa “giờ làm” và “giờ ngoài nhiệm vụ” bị đánh đồng với quyền được dễ dãi, thì bi kịch có thể khởi đầu từ một hành động tưởng chừng vô hại như nâng chén rượu.
Một cú tông xe có thể lấy đi sinh mạng và cũng có thể bẻ gãy niềm tin. Một đứa trẻ chấn thương sọ não, một người cha mất đi, một người mẹ bên giường bệnh, đó là những nỗi đau không thể xoa dịu bằng lời xin lỗi hay một bản án hình sự. Nhưng hơn hết, đó là những vết sẹo để lại trong niềm tin công chúng. Nếu không được “khâu” lại bằng trách nhiệm, kỷ cương và hành động nghiêm minh, vết sẹo ấy sẽ càng thêm rỉ máu.
Trách nhiệm công vụ không chỉ nằm trong văn bản, kế hoạch hay quy chế. Nó thể hiện sống động trong từng hành vi đời thường: chọn lái xe sau một cuộc nhậu hay không? Thành thật nhận lỗi khi gây hậu quả hay tìm cách bao biện?
Hai vụ việc vừa qua là những lời cảnh tỉnh nghiêm túc. Không ai mong cán bộ trở thành những con người hoàn hảo. Nhưng xã hội có quyền kỳ vọng họ sẽ không biến men rượu thành cái cớ cho sự chủ quan và không để lòng tin được trao gửi bị đánh đổi bởi những phút giây dễ dãi.
Để ngăn ngừa những bi kịch tương tự, đã đến lúc cần siết chặt kỷ cương không chỉ bằng quy định, mà bằng hành động cụ thể. Các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên nhắc nhở, quán triệt cán bộ chấp hành nghiêm quy định về sử dụng rượu bia, đặc biệt với những người có vị trí ảnh hưởng. Cũng cần làm rõ trách nhiệm công vụ nếu cán bộ vi phạm, để không ai còn coi việc “uống rượu rồi lái xe” là chuyện nhỏ. Khi công vụ được gắn liền với đạo đức đời thường, thì mới có thể phòng ngừa từ gốc.