TPHCM thành công trong việc nâng tầm công tác đối ngoại
Với vai trò là đầu tàu của cả nước và vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, công tác đối ngoại của TPHCM đã vượt ra ngoài khuôn khổ địa phương, không chỉ đóng góp cho sự phát triển của thành phố mà còn có tác động lan tỏa rộng rãi sang các địa phương khác.
Sáng 13-12, UBND TPHCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai công tác đối ngoại của TPHCM giai đoạn 2020 – 2025. Tham dự hội nghị có đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM; lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương; lãnh đạo sở, ngành TPHCM; gần 200 đại biểu là các cơ quan đoàn thể, lãnh sự, doanh nghiệp, báo chí…
Chủ động, tích cực và năng động
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Bùi Thanh Sơn đánh giá cao sự chủ động, tích cực và năng động của TPHCM trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn góp phần quan trọng vào những thành tựu đối ngoại chung của đất nước, triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng.
Đồng chí Bùi Thanh Sơn cho rằng với vai trò là đầu tàu của cả nước và vùng trọng điểm kinh tế phía Nam, công tác đối ngoại của TPHCM đã “vượt ra ngoài khuôn khổ địa phương”, không chỉ đóng góp cho sự phát triển của thành phố mà còn có tác động lan tỏa rộng rãi sang các địa phương khác và góp phần vào những thành tựu chung của đất nước với nhiều dấu ấn nổi bật.
Đồng chí Bùi Thanh Sơn đánh giá cao việc lần đầu tiên ở cấp độ địa phương, TPHCM đã xây dựng và ban hành Chiến lược nâng tầm đối ngoại đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều nội dung định hướng quan trọng, mang tầm chiến lược. Điều này khẳng định, TPHCM đang ngày càng thành công trong việc nâng tầm công tác đối ngoại với sự tự tin, thể hiện năng lực và bản lĩnh hội nhập quốc tế, đáp ứng nhiệm vụ đặt ra của đất nước cũng như phù hợp với dòng chảy của thời đại.
Đồng chí Bùi Thanh Sơn đề nghị TPHCM cần tập trung những trọng tâm:
Thứ nhất, tiếp tục nâng tầm công tác đối ngoại địa phương, đưa các mối quan hệ đối ngoại của thành phố đi vào chiều sâu, thành các kết quả cụ thể và có tác động lan tỏa ra toàn vùng.
Thứ hai, tập trung thúc đẩy ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Bên cạnh việc làm mới, phát huy tối đa các động lực tăng trưởng cũ như xuất khẩu, đầu tư…, thành phố cần đi đầu trong việc khơi thông, huy động các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức…. Đặc biệt, công tác ngoại giao kinh tế cần chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại và có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với kinh tế trong nước; phát triển công nghiệp hỗ trợ kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI; đầu tư vào những lĩnh vực có tính “đột phá” như công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, điện tử linh hoạt, chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch…
Thứ ba, phát triển hình ảnh, thương hiệu và nâng tầm vị thế quốc tế của TPHCM. Thành phố có nhiều dư địa để trở thành thành phố mang tầm khu vực; theo đó đẩy mạnh các biện pháp quảng bá hình ảnh, thương hiệu là một thành phố đang nổi lên, nghiên cứu các biện pháp sáng tạo để nâng cao “nhận diện” của thành phố trên trường quốc tế như: mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các tổ chức khu vực, phi chính phủ đặt văn phòng đại diện ở khu vực tại thành phố; thu hút các tập đoàn lớn, có hệ sinh thái đi kèm đến đầu tư; tăng cường tổ chức các sự kiện, diễn đàn quốc tế như Diễn đàn Kinh tế TPHCM thời gian vừa qua…, nâng cao vị thế của thành phố trong Bảng xếp hạng các thành phố toàn cầu (hiện đang được xếp là thành phố Beta+).
Thứ tư, đẩy mạnh hơn công tác đối ngoại nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ năm, xây dựng bộ máy đối ngoại địa phương ngày càng chuyên nghiệp về đội ngũ cán bộ, về cách thức, phương thức, lề lối làm việc, về cơ sở vật chất, và tổ chức bộ máy.
Thứ sáu, tiếp tục triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp giữa Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao và Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM; trong đó phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao để nâng tầm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế cấp địa phương, thực hiện hiệu quả Chiến lược nâng tầm đối ngoại đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 của thành phố.
TPHCM nhận thức rõ về vai trò cốt lõi của đối ngoại và hợp tác quốc tế
Trên tinh thần tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các ý kiến đóng góp của đại biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM đề xuất 5 định hướng chiến lược cho hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của TPHCM đến năm 2030.
Thứ nhất, TPHCM xác định đối ngoại là một trong những trụ cột, công cụ quan trọng phục vụ cho phát triển của thành phố và đóng góp vào phát triển đất nước. Hoạt động đối ngoại là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị thành phố, có tính liên ngành, liên kết cao. Ngoài ra, thành phố nhận thức rõ vai trò trong lan tỏa giá trị hội nhập đối với các địa phương gắn với liên kết vùng.
Thứ hai, ngoại giao chính trị tập trung xác lập và làm sâu sắc các khuôn khổ hợp tác, tiếp tục cụ thể hóa đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của quốc gia, góp phần củng cố quốc phòng – an ninh, nâng cao vị thế, hình ảnh của thành phố và đất nước, đồng thời dẫn dắt các trụ cột ngoại giao khác của thành phố thông qua các khuôn khổ hợp tác mới.
Thứ ba, tập trung đẩy mạnh ngoại giao kinh tế với vai trò trọng tâm, với các nội hàm mới không chỉ phục vụ cho TPHCM mà cả vùng; triển khai chương trình hành động là điểm đến của các tập đoàn quốc gia, là trung tâm tài chính quốc tế, thu hút nguồn lực, đầu tư về công nghệ và tài chính.
Thứ tư, đa dạng hóa các hoạt động, sản phẩm của ngoại giao văn hóa và công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại gắn với chiến lược xây dựng nền công nghiệp văn hóa của thành phố.
Thứ năm, đẩy mạnh kết nối ngoại giao nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài – nguồn lực vàng để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Thứ sáu, rà soát, kiện toàn cơ chế theo dõi, chỉ đạo hoạt động đối ngoại của thành phố theo hướng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, nhằm nâng cao vị thế đối ngoại và thúc đẩy phát triển toàn diện.
Hội nghị nhìn lại chặng đường 5 năm đối ngoại; trao đổi, thảo luận và lắng nghe ý kiến chuyên gia về những thành tựu và hạn chế trong công tác đối ngoại của thành phố trên các trụ cột ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và thông tin tuyên truyền đối ngoại, ngoại giao nhân dân và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.
Các tham luận tại hội nghị đã đề xuất cách làm mới, giải pháp mới cho từng trụ cột ngoại giao cũng như mối liên kết bền chặt giữa 3 trụ cột cũng được Sở Ngoại vụ ghi nhận, tiếp thu. Trước đó, Sở Ngoại vụ TPHCM đã tổ chức 4 tọa đàm về các trụ cột ngoại giao nhằm ghi nhận, chuẩn bị các giải pháp, đề xuất thiết thực, sâu sát đóng góp cho hội nghị.