TPHCM phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 8.500 đô la trong năm 2025
TPHCM đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn trên 10%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 đô la trong năm 2025; tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP đạt trên 60%.
Đây là một số chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2025 được Hội đồng nhân dân TPHCM khóa X thông qua ngày 11-12, tại kỳ họp thứ 20, TTXVN đưa tin.
Hội đồng nhân dân TPHCM thống nhất chủ đề năm 2025 của thành phố là tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai Nghị quyết số 98 của Quốc hội; giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng của thành phố. Bên cạnh đó là phân bổ các nguồn lực; phát huy những kết quả đạt được trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, y tế, giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các dự án trọng điểm về liên kết vùng.
TPHCM đặt mục tiêu đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế cơ bản như kinh tế số đóng góp khoảng 25% trong GRDP. Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% trong GRDP. Tỷ lệ chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt trên 1%/GRDP. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 7%.
Về chỉ tiêu văn hóa-xã hội năm 2025, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 87,2%; tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%; giảm 0,04% tỷ lệ hộ nghèo trên tổng số dân thành phố và giảm 0,13% tỷ lệ hộ cận nghèo trên tổng số dân thành phố. Địa phương cũng đặt mục tiêu đạt tỷ lệ 21 bác sĩ/10.000 dân; 42 giường bệnh/10.000 dân; đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi)...
Hà Nội đặt mục tiêu GRDP tăng từ 6,5% trở lên trong năm 2025
Tại kỳ họp thứ 20 diễn ra ngày 10-12, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2025 của thành phố.
Đáng chú ý, một số chỉ tiêu được đưa ra như GRDP tăng từ 6,5% trở lên; GRDP/người từ 172,4 triệu đồng trở lên. Vốn đầu tư tăng từ 10,5% trở lên. Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 5% trở lên; đến cuối năm 2025, địa phương không còn hộ nghèo.
Những nhiệm vụ, giải pháp được đặt ra gồm đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; đổi mới quản trị chính quyền địa phương gắn với chuyển đổi số…