TP. Hồ Chí Minh phát triển nhà ở xã hội
Theo Chương trình phát triển nhà ở TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030 và đề án của Chính phủ về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp… thì tới năm 2030, thành phố cần xây dựng khoảng 69.700 - 93.000 căn nhà ở xã hội.
Trong đó, giai đoạn 2021- 2025, TP. Hồ Chí Minh phải hoàn thành 26.200 căn; giai đoạn 2026 -2030 hoàn thành khoảng 43.500 căn. Thế nhưng, từ năm 2021 đến nay, thành phố mới đưa vào sử dụng được 6 dự án với 2.700 căn hộ và đang thi công 4 dự án khoảng 3.000 căn hộ. Các chuyên gia chỉ ra rằng, sở dĩ như vậy là do các chính sách ưu đãi cho đầu tư loại hình này hiện vẫn chưa đủ hấp dẫn và còn nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Theo các chuyên gia, thành phố chưa hình thành cơ sở dữ liệu đối tượng nhu cầu về nhà ở xã hội để có sự liên thông với chủ đầu tư dự án nhằm kết nối cung cầu và huy động nguồn lực. Hơn thế, công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị mất nhiều thời gian, còn mang tính hành chính và nhiều bất cập khiến dự án nhà ở xã hội khó triển khai.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, HoREA vừa có 2 văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ về thuế liên quan đến nhà ở xã hội. Trong đó, đề nghị bổ sung quy định mức thuế suất thuế giá trị gia tăng hợp lý nhất đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê, chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và chủ nhà trọ chỉ cho thuê phòng trọ dài hạn; đề nghị sửa đổi khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP nâng mức tổng chi phí lãi vay được trừ không vượt quá 50% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và nâng thời hạn khấu trừ chi phí lãi vay còn lại lên 7 năm.
Về những khó khăn vướng mắc trong đầu tư nhà ở xã hội, đại diện Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có dành quỹ đất trong dự án để xây dựng nhà ở xã hội, hiện chưa có quy định hướng dẫn về xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và việc phân bổ các chi phí này vào quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội; chưa có quy định pháp luật về xác định cơ quan chủ trì thẩm định và phê duyệt các chi phí nêu trên để hoàn trả cho chủ đầu tư; chưa có hướng dẫn về việc thanh toán cho chủ đầu tư khi bàn giao quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho Nhà nước để thực hiện dự án...
Để sớm triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội nhằm hoàn thành chỉ tiêu đề án của Chính phủ về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất giải pháp về quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư; về đất đai, sắp xếp lại, xử lý, chuyển mục đích sử dụng tài sản công; về tài chính và nâng cao trách nhiệm của sở, ngành và UBND quận, huyện… Bên cạnh đó, Sở đã rà soát các dự án khả thi để sớm triển khai thi công xây dựng các dự án trong 27 dự án nhà ở xã hội đã được thành phố chấp nhận đầu tư. Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh đầu tư công cho 4 dự án nhà ở xã hội quy mô khoảng 4.000 căn hộ. Được biết, UBND thành phố đã phê duyệt nguồn vốn ngân sách nhà nước dành để phát triển nhà ở xã hội khoảng 3.770 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo chấn chỉnh các sở, ngành thực hiện quy chế phối hợp và giải quyết thủ tục dự án nhà ở xã hội. Trong đó, các sở, ngành cần ưu tiên phối hợp chặt chẽ để hoàn tất thủ tục đầu tư về công tác quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư với 27 dự án (khoảng 32.000 căn) đang thực hiện thủ tục đầu tư, nhằm sớm đưa các dự án vào khởi công, xây dựng từ nay đến hết năm 2025.
“UBND thành phố sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành hoàn tất các thủ tục pháp lý, quy định về phát triển nhà ở thương mại, nhà ở xã hội. Trong quá trình phát triển nhà ở xã hội phải đảm bảo triển khai đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo được không gian sống, nâng cao chất lượng sống cho người dân, người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút lao động đến thành phố”, ông Cường nói.