TP Hồ Chí Minh mới - Bài 1: Phát triển siêu đô thị du lịch sáng tạo đa trụ cột
Từ ngày 1/7, TP Hồ Chí Minh chính thức sáp nhập với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo thành TP Hồ Chí Minh mới. Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu giai đoạn phát triển mới, hướng đến việc xây dựng một siêu đô thị du lịch sáng tạo, tiềm năng, không chỉ nổi bật ở khu vực phía Nam mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) có thế mạnh về du lịch biển đảo.
Bài 1: Phát triển siêu đô thị du lịch sáng tạo đa trụ cột
Theo các chuyên gia du lịch, sau khi sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh (mới) đang đứng trước cơ hội tái định vị toàn diện ngành du lịch, vươn lên trở thành một siêu đô thị du lịch sáng tạo, đa trung tâm. Hệ sinh thái du lịch mới không chỉ mở rộng về địa lý mà còn đa dạng về trải nghiệm, kết nối văn hóa, công nghiệp, biển đảo trong một không gian thống nhất, hiện đại.
Động lực mới từ hợp nhất vùng
Sự hợp nhất hành chính giữa TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã tạo tiền đề hình thành một cấu trúc phát triển du lịch đa trụ cột, một trong những mô hình hiếm thấy tại Đông Nam Á. Trong mô hình này, TP Hồ Chí Minh giữ vai trò là trung tâm hội nghị, sự kiện (MICE), du lịch đô thị và văn hóa di sản; Bình Dương đóng góp hệ sinh thái công nghiệp, làng nghề và ven sông; còn Bà Rịa - Vũng Tàu nổi bật với hệ thống nghỉ dưỡng biển, sân golf, du lịch sức khỏe và tâm linh.

Việc sáp nhập là động lực để TP Hồ Chí Minh (mới) trở thành siêu đô thị du lịch sáng tạo đa trụ cột.
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, sự bổ sung hạ tầng và sản phẩm từ hai địa phương lân cận Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ mở rộng không gian khai thác mà còn giúp thành phố có thể tổ chức những sự kiện quy mô quốc tế, đồng thời tạo ra các hành trình liên kết dài ngày, đặc sắc.
“Vì địa giới hành chính rộng nên việc chuyển đổi số là điều kiện bắt buộc để đồng bộ hóa quản lý. Chúng tôi đang đầu tư hệ thống dữ liệu dùng chung, từ đó tạo nền tảng quản lý du lịch thống nhất để tập trung phát triển sản phẩm du lịch liên vùng hiệu quả hơn”, ông Hòa cho biết thêm.
Theo góc nhìn của TS. Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch TP Hồ Chí Minh, sau khi sáp nhập, TP Hồ Chí Minh (cũ) cần tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm sáng tạo của TP Hồ Chí Minh (mới). TP Hồ Chí Minh (mới) không chỉ giữ vai trò đầu mối tổ chức tour du lịch mà còn cần vươn lên thành trung tâm phát triển du lịch sáng tạo cho toàn vùng Đông Nam Bộ và cả Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu này, thành phố mới nên thiết lập các "phòng thí nghiệm du lịch sáng tạo" tích hợp công nghệ, nghệ thuật, xã hội học và trí tuệ nhân tạo (AI), từ đó hình thành những mô hình du lịch mới như du lịch thực tế ảo, logistics xanh, du lịch nhập vai theo chủ đề và hành trình tự động hóa. Trong đó, mô hình “du lịch nông nghiệp công nghệ cao cuối tuần” sẽ được đẩy mạnh phát triển tại Bình Dương.
TS. Dương Đức Minh nhận định, đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho nhóm khách đô thị, những người có nhu cầu nghỉ dưỡng ngắn ngày kết hợp học tập và sống xanh. Đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), với hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, khu vực này có tiềm năng mạnh về du lịch biển đảo. Vì vậy, cần tập trung phát huy tối đa tiềm năng biển đảo để trở thành trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp, phục vụ cả khách nội địa lẫn quốc tế khi đến Việt Nam.
Cần một trung tâm điều phối để không biến thành "nồi lẩu du lịch"
Theo các chuyên gia du lịch, mặc dù tiềm năng lớn từ sáp nhập nhưng nếu thiếu sự điều phối và chiến lược liên vùng giữa ba tỉnh sau sáp nhập, khi đó lại trở thành điều bất lợi. “Nếu không xây dựng cơ chế quản trị thống nhất, du lịch vùng đô thị trung tâm sẽ trở thành một "nồi lẩu thập cẩm". Nghĩa là mạnh ai nấy làm, mỗi nơi một kiểu, thông điệp mâu thuẫn, đầu tư chồng chéo, dẫn đến lãng phí nguồn lực và giảm tính cạnh tranh toàn cầu”, TS. Dương Đức Minh cảnh báo.

Ba tỉnh sau sáp nhập cần định vị sản phẩm du lịch đặc trưng, tránh tình trạng "nồi lẩu du lịch".
Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch và từ thực tế, ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Vietluxtour cho biết, việc phát triển sản phẩm du lịch mới cần đi đôi với rà soát, làm sâu các sản phẩm hiện có. Ngoài ra, thay vì chạy theo sản phẩm lạ của các tỉnh, ngành du lịch TP Hồ Chí Mính (mới) cần tập trung kết nối những điểm mạnh đã có, như du lịch biển đảo ở Bà Rịa - Vũng Tàu hay các làng nghề ở Bình Dương.
“Việc đấu nối ba địa phương để tạo nên chuỗi sản phẩm đặc sắc là hướng đi bền vững hơn, tránh việc khai tử sản phẩm cũ mà không khai thác hết tiềm năng”, ông Dũng nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Quy hoạch Phát triển Tài nguyên Du lịch (Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, với gần 5 năm triển khai chương trình “Mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng”, TP Hồ Chí Minh đã bước đầu hình thành mạng lưới tour đặc sắc như “Ký ức biệt động Sài Gòn”, “Quận 1 - Sắc màu đêm”, “Gò Vấp - Trăm năm dấu xưa”… Sau khi mở rộng địa giới, số lượng điểm đến tiềm năng có thể lên tới hàng nghìn, đồng nghĩa với việc cần có cơ chế điều phối thống nhất để tránh trùng lắp, phân bổ sản phẩm theo vùng, theo loại hình và theo thị trường mục tiêu.

TP Hồ Chí Minh (cũ) là đô thị năng động, sáng tạo với nhiều sản phẩm du lịch như: MICE, du lịch đường sông, du lịch văn hóa...
“Việc sáp nhập các địa phương sẽ góp phần phát huy hiệu quả tiềm năng kinh tế vùng, thay vì phải mất thời gian phối hợp giữa từng tỉnh riêng lẻ như trước kia. Đồng thời, quá trình đơn giản thủ tục hành chính cũng trở nên thuận lợi hơn. Để hiện thực hóa tiềm năng đó, TP Hồ Chí Minh (mới) cần nhanh chóng xây dựng chiến lược phát triển theo hướng tích hợp, sáng tạo và điều phối hiệu quả tài nguyên vùng. Không còn là những tour đơn lẻ, ngành du lịch thành phố mới hướng đến hệ sinh thái du lịch liên kết thông minh, nơi mỗi địa phương phát huy thế mạnh và bổ trợ lẫn nhau, tạo ra chuỗi giá trị trải nghiệm hấp dẫn, đồng bộ”, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo cho biết thêm.
Một điểm nhấn khác được TS. Dương Đức Minh chỉ ra là cần học hỏi kinh nghiệm từ các đô thị phát triển như Tokyo, vốn phát triển theo mô hình du lịch đa trung tâm gắn với hệ thống giao thông công cộng hiệu quả và phân vai rõ ràng cho từng khu vực. “TP Hồ Chí Minh (mới) nên xây dựng một Hội đồng du lịch liên chính quyền nơi thiết kế chiến lược phát triển chung, phân bổ ngân sách quảng bá, phân định rõ vai trò và xây dựng sản phẩm riêng biệt cho từng trung tâm. Từ đây, du lịch không chỉ là ngành kinh tế mà còn là công cụ kiến tạo bản sắc sống, thúc đẩy sáng tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị.