TP Hồ Chí Minh chi hơn 21,1 tỷ đồng hỗ trợ trẻ em và người cao tuổi khó khăn
Sáng 22/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng khó khăn trên địa bàn theo Nghị quyết số 35/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố.
Từ đầu năm 2024 đến nay, 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức xét duyệt, hỗ trợ hơn 4.000 trường hợp, với tổng kinh phí hơn 21,1 tỷ đồng. Trong đó có hơn 1.800 người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi đơn thân, neo đơn, độc thân; gần 1.500 trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (chưa được hưởng theo chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội của Chính phủ); trẻ em có cha hoặc mẹ đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục cai nghiện bắt buộc; cha hoặc mẹ là đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội…
Ngoài ra, các địa phương hỗ trợ 158 trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng chính sách giúp gia đình, người nuôi dưỡng trẻ có điều kiện để chăm sóc trẻ.
Quá trình thực hiện, nhiều địa phương còn vướng mắc, phát sinh cần có hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ, nhất là các vấn đề tạm trú, thường trú. Các vấn đề liên quan đến trợ giúp xã hội theo chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội của Chính phủ; Nghị quyết 15/2024/NQ-HĐND ngày 16/7/ 2024 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025…
Ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi và những đối tượng khó khăn của Thành phố là tiếp nối các chính sách trước đó chỉ có nhóm trẻ em mồ côi. Qua đó, nhằm mở rộng nhóm đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, góp phần hỗ trợ thêm nhiều trẻ có cha hoặc mẹ đang bị phạt tù không phải đứng trước nguy cơ bỏ học, có thêm cơ hội hòa nhập cuộc sống.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, qua khảo sát, đánh giá tác động của chính sách đặc thù đối với nhóm đối tượng thụ hưởng cho thấy, người cao tuổi, trẻ em mồ côi và người có hoàn cảnh đặc biệt bước đầu vượt qua khó khăn, bắt đầu ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, thể hiện đúng tính nhân văn và nghĩa tình của Thành phố "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Đối với người cao tuổi đơn thân, neo đơn không có nguồn nuôi dưỡng và người bị suy giảm khả năng lao động, mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn, sự hỗ trợ từ chính sách chia sẻ, giúp đỡ và tiếp thêm nghị lực để ổn định, vững tin vào cuộc sống. Đối với nhóm trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, sự hỗ trợ từ chính sách có ý nghĩa rất lớn, giúp trẻ ổn định cuộc sống, tiếp tục đến trường…