TP.HCM tăng tốc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế 7 tỷ USD

TP.HCM đang tăng tốc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế, đồng thời thúc đẩy hợp tác với Kazakhstan để mở rộng cơ hội phát triển và thu hút nhà đầu tư toàn cầu.

 Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM dự kiến đầu tư 7 tỷ USD. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM dự kiến đầu tư 7 tỷ USD. Ảnh: Quỳnh Danh.

Chiều 15/7, UBND TP.HCM phối hợp cùng Trung tâm Tài chính quốc tế Astana tổ chức bàn tròn doanh nghiệp TP.HCM, Việt Nam & Astana, Kazakhstan, với chủ đề “Hợp tác phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM”.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP đang bước vào giai đoạn tăng tốc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế theo Nghị quyết số 222 của Quốc hội, có hiệu lực vào 1/9.

Tăng tốc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế

Theo đó, ông Hà cho biết TP.HCM giữ vị trí chiến lược tại trung tâm Đông Nam Á, thuận lợi kết nối với các trung tâm tài chính lớn và thúc đẩy dòng chảy vốn quốc tế. Với hạ tầng kết nối tốt, nhân lực chất lượng cao và chuyển đổi số nhanh, TP.HCM có nền tảng vững chắc để phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, theo TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, điều kiện tiên quyết là cần sớm xây dựng khung pháp lý rõ ràng, làm nền tảng cho mọi hoạt động phát triển tiếp theo.

“Đây cũng là nền tảng quan trọng để quản trị rủi ro và thu hút các nhà đầu tư quốc tế”, TS Vũ nhận định.

Để Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM thu hút các nhà đầu tư, các chuyên gia cho rằng cần học hỏi kinh nghiệm từ mô hình Trung tâm tài chính quốc tế Astana (AIFC) của Kazakhstan.

Đây là một trung tâm tài chính hàng đầu ở Đông Âu và Trung Á, thu hút hơn 16,9 tỷ USD vốn đầu tư, tạo ra gần 10.000 việc làm, nơi đặt trụ sở của hơn 4.000 công ty đến từ 80 quốc gia.

Ông Renat Bekturov, Thống đốc Trung tâm tài chính quốc tế Astana (AIFC) cho biết AIFC có tòa án giải quyết tranh chấp thương mại và Trung tâm trọng tài quốc tế (CIAC) hoạt động dựa trên thông luật (common law).

 Ông Renat Bekturov, Thống đốc Trung tâm tài chính quốc tế Astana (AIFC). Ảnh: BTC.

Ông Renat Bekturov, Thống đốc Trung tâm tài chính quốc tế Astana (AIFC). Ảnh: BTC.

AIFC đã thuê 61 trọng tài viên và trung gian quốc tế từ EU, Anh, Mỹ, Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Nhật Bản và các nước khác. Trung tâm trọng tài có sự tách biệt và độc lập về mặt pháp lý với hệ thống tư pháp của Kazakhstan.

Ông Renat Bekturov nhấn mạnh tòa án giải quyết tranh chấp thương mại và Trung tâm trọng tài quốc tế là 2 trụ cột quan trọng, giúp AIFC củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư.

Về chính sách thu hút đầu tư,TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng ngoài ưu đãi thuế, TP.HCM cần bổ sung hỗ trợ như miễn, giảm tiền thuê đất, chính sách visa đặc biệt và cải cách thủ tục.

Đối với hạ tầng kết nối, TP.HCM cần ưu tiên phát triển hệ thống giao thông kết nối thuận lợi giữa trung tâm tài chính với sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành, các cảng biển và các khu đô thị vệ tinh, nhằm đảm bảo việc di chuyển nhanh chóng và thuận tiện cho nhà đầu tư.

Đồng thời, TP.HCM đẩy mạnh phát triển hạ tầng số như mạng 4G, 5G, dữ liệu tốc độ cao và hệ sinh thái dịch vụ hoàn chỉnh.

“Đây là những yếu tố không thể thiếu để thu hút và giữ chân đội ngũ chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế có yêu cầu cao về chất lượng sống và môi trường làm việc”, TS Vũ nhấn mạnh.

Đẩy mạnh hợp tác với Trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu khu vực

Ông Đinh Khắc Huy, Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM đưa ra những đề xuất thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp tài chính - công nghệ của AIFC và TP.HCM trong các lĩnh vực là thế mạnh của địa phương.

 Ông Đinh Khắc Huy, Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM. Ảnh: Thảo Liên.

Ông Đinh Khắc Huy, Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM. Ảnh: Thảo Liên.

Theo đó, TP.HCM mời gọi các doanh nghiệp Kazakhstan đến đầu tư vào dự án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM, đặc biệt trong việc phát triển hạ tầng số, trung tâm dịch vụ tài chính và khởi nghiệp sáng tạo.

Song song, ông Huy đề nghị thiết lập một kênh trao đổi thường xuyên giữa Sở Tài chính TP.HCM và AIFC để làm nền tảng cho sự phối hợp sâu rộng và hiệu quả hơn.

Ông Kanat Tumysh, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan cho biết AIFC sẵn sàng hợp tác với TP.HCM để thúc đẩy quá trình xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP.HCM. Đồng thời, ông Kanat Tumysh đưa ra đề nghị mời các doanh nghiệp và đối tác Việt Nam xem xét khả năng trở thành một phần của AIFC.

Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM trải rộng tại khu vực trung tâm TP.HCM như phường Sài Gòn và phường Bến Thành - khu vực trung tâm tài chính hiện hữu, các hoạt động ngoại hối, fintech, giao dịch số, tài chính, logistics diễn ra sôi nổi. Dự kiến vốn đầu tư xây dựng toàn bộ Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM khoảng 7 tỷ USD.

Thảo Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/tphcm-tang-toc-xay-dung-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-7-ty-usd-post1568913.html
Zalo