TP.HCM tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc

Việc kinh doanh thực phẩm không phép vẫn diễn ra phổ biến; thực phẩm được rao bán tràn lan trên mạng xã hội lại chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để quản lý.

Theo Báo cáo sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2025 từ Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, công tác quản lý an toàn thực phẩm đã được triển khai toàn diện, quyết liệt từ truyền thông, giám sát, kiểm tra xử lý đến quản lý chuỗi, cấp phép, truy xuất nguồn gốc.

 Quản lý vấn đề an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: XUÂN HOÁT

Quản lý vấn đề an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: XUÂN HOÁT

Tuy nhiên, những thách thức về quản lý thực phẩm đường phố, kinh doanh trên mạng xã hội và xử lý ngộ độc thực phẩm vẫn đặt ra nhiều yêu cầu cấp thiết cho giai đoạn tới.

Tăng tốc giám sát, ngăn chặn nguy cơ mất an toàn thực phẩm

Với vai trò là đầu tàu kinh tế và trung tâm tổ chức sự kiện hàng đầu cả nước, TP.HCM trong 6 tháng qua đã chứng kiến hàng loạt hoạt động lễ hội, sự kiện quy mô lớn.

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã triển khai 161 lượt giám sát tại 25 sự kiện, tăng 150% so với cùng kỳ 2024.

Đặc biệt, tại các sự kiện mang tính chính trị, đối ngoại như Lễ kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam hay Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, công tác kiểm tra được thực hiện với mật độ dày đặc, không để xảy ra bất kỳ sự cố nào liên quan đến thực phẩm.

 Công tác kiểm tra bếp ăn bán trú tại một trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM. Ảnh tư liệu/ PLO

Công tác kiểm tra bếp ăn bán trú tại một trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM. Ảnh tư liệu/ PLO

Song song đó, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã chủ động phối hợp các đơn vị, địa phương tăng cường phòng ngừa ngộ độc do độc tố tự nhiên, đặc biệt trong thời điểm lễ hội đầu năm.

Không để thực phẩm bẩn len lỏi vào bàn ăn

Trong 6 tháng đầu năm, TP.HCM đã kiểm tra 5.207 cơ sở thực phẩm và tiến hành xử phạt 78 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt lên đến 4,37 tỉ đồng.

Đáng chú ý, một cơ sở bị xử phạt 2,9 tỉ đồng và bị buộc tiêu hủy 5,1 tấn thực phẩm. Các hình thức xử lý đi kèm bao gồm đình chỉ hoạt động, thu hồi sản phẩm, buộc ghi nhãn đúng quy định và kiểm dịch lại sản phẩm.

Bên cạnh đó, công tác hậu kiểm cũng được thực hiện đồng bộ 160 cơ sở được hậu kiểm, trong đó 10 cơ sở không đạt hoặc không còn hoạt động.

Hơn 4.600 hồ sơ công bố sản phẩm được rà soát, với tỷ lệ hồ sơ đạt chuẩn trên 98%.

 Tại TP.HCM, trước cổng trường, giờ tan học, xe hàng rong bày bán với đủ loại thực phẩm. Ảnh: TRẦN MINH

Tại TP.HCM, trước cổng trường, giờ tan học, xe hàng rong bày bán với đủ loại thực phẩm. Ảnh: TRẦN MINH

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều lỗ hổng trong quản lý. Việc kinh doanh thực phẩm không phép, buôn bán tự phát, hàng rong... quanh bệnh viện, trường học vẫn diễn ra phổ biến. Thực phẩm được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử lại chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để kiểm soát hiệu quả.

Củng cố chuỗi an toàn, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc

Một điểm sáng đáng ghi nhận là sự tiếp tục triển khai các đề án chuỗi thực phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc. Tuy số lượng giấy chứng nhận chuỗi an toàn cấp mới chỉ đạt 6, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tổng sản lượng từ các chuỗi còn hiệu lực vẫn rất ấn tượng: hơn 145.000 tấn thịt các loại, 10.800 tấn rau củ quả, hơn 2,2 tỷ quả trứng và 8 triệu lít nước mắm đang lưu hành.

Đối với Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, TP.HCM tiếp tục thực hiện truy xuất tại 2 chợ đầu mối lớn là Hóc Môn và Bình Điền, với tổng lượng gần 960.000 con heo được kiểm soát nguồn gốc trong 6 tháng.

Ngoài ra, các sản phẩm gia cầm và trứng cũng được giám sát qua mã code truy xuất đã cấp cho hàng chục triệu đơn vị sản phẩm kể từ khi triển khai.

Đặc biệt, hoạt động cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật đạt hơn 50.000 bản gốc và gần 22.100 bản sao, tăng mạnh so với cùng kỳ, cho thấy nhu cầu và tần suất lưu chuyển thực phẩm qua địa bàn thành phố rất lớn đòi hỏi công tác kiểm dịch phải linh hoạt nhưng nghiêm ngặt.

Tập huấn về an toàn thực phẩm trước năm học mới

Nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong bối cảnh sắp xếp lại đơn vị hành chính, từ ngày 15-7 đến 31-7-2025, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức tập huấn trực tuyến cho cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm tại 167 phường/xã và 1 đặc khu, kết nối từ trụ sở Sở đến 168 điểm cầu địa phương.

Từ 17-7 đến 8-8-2025, Sở phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức 7 lớp tập huấn trực tiếp cho lãnh đạo, cán bộ y tế các trường học và đơn vị trực thuộc, với khoảng 3.460 học viên tham gia.

Thông qua hoạt động này, đội ngũ cán bộ tại cơ sở và trường học sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng giám sát, nhận diện mối nguy, truy xuất nguồn gốc thực phẩm và xử lý sự cố khi xảy ra. Đây là bước chuẩn bị quan trọng nhằm xây dựng môi trường thực phẩm an toàn, lành mạnh cho người dân, đặc biệt là học sinh - sinh viên, hướng tới mục tiêu không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong năm học 2025–2026.

DI LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-tang-cuong-kiem-soat-an-toan-thuc-pham-va-truy-xuat-nguon-goc-post861370.html
Zalo