TP.HCM 'siết đường sống' thuốc, sữa, TPCN kém chất lượng
TP.HCM đồng loạt ra quân kiểm tra thuốc, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phạt hơn 2,3 tỷ đồng, tạm giữ 5,3 tấn hàng, siết chặt đường sống hàng giả kém chất lượng.

Trong giai đoạn ra quân kiểm tra cao điểm của cơ quan chức năng, nhiều nhà thuốc trống kệ. Ảnh: Nguyễn Thuận.
Thực hiện Công điện 55 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức (cũ) đồng loạt triển khai đợt kiểm tra cao điểm nhằm truy quét tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Nhiều nhà thuốc bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Từ 19 đến 31/5, Sở Y tế kiểm tra 15 cơ sở kinh doanh dược, gồm 13 cơ sở bán buôn và 2 cơ sở bán lẻ. Ghi nhận 4 nhà thuốc vi phạm với tổng số tiền phạt 258,4 triệu đồng.
Các lỗi phổ biến là vắng mặt người phụ trách chuyên môn, không hiệu chuẩn thiết bị bảo quản thuốc, thiếu hóa đơn chứng từ nguồn gốc thuốc, không lưu đủ hồ sơ bệnh nhân hay dữ liệu quản lý thuốc, sắp xếp lẫn lộn thuốc kê đơn với không kê đơn và không báo cáo định kỳ thuốc phải kiểm soát đặc biệt.
Đặc biệt, có 3 cơ sở kinh doanh hàng hóa là thuốc chữa bệnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ là Công ty TNHH Dược phẩm Việt Thái, Công ty TNHH Thương Mại Dược phẩm Minh Sang và Hộ kinh doanh Nhà thuốc Minh Châu Một Tám.
Trong công tác hậu kiểm, Sở Y tế tiếp tục kiểm tra 52 cơ sở khác (gồm 6 cơ sở bán buôn thuốc, 40 cơ sở bán lẻ thuốc, 6 cơ sở kinh doanh dược liệu). Dù chưa phát hiện sản phẩm giả nhưng vẫn tồn tại nhiều vi phạm tương tự.
Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng kiểm tra và xử lý một vụ kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, tạm giữ 18 hộp thuốc điều trị dạ dày trị giá 16,8 triệu đồng. Đơn vị này còn đẩy mạnh tuyên truyền, ký cam kết chấp hành pháp luật trong kinh doanh thuốc.

Thậm chí có cửa hàng đóng kín, treo bảng sang quán ở chợ thuốc lớn nhất TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thuận.
Tại các quận, huyện và TP Thủ Đức, lực lượng chức năng đã kiểm tra 1.623 nhà thuốc (chiếm hơn 21,3% số nhà thuốc đang hoạt động) cùng 338 phòng khám. Ghi nhận có 47 cơ sở vi phạm gồm 27 cơ sở bán lẻ thuốc và 20 phòng khám. Tổng số tiền phạt là hơn 357,5 triệu đồng.
Vi phạm chủ yếu là không báo cáo thay đổi nhân sự hành nghề, ghi chép sổ khám chữa bệnh không đầy đủ, niêm yết giá chưa đầy đủ, biển hiệu thiếu thông tin, người hành nghề chưa đăng ký, thậm chí một số phòng khám sử dụng thuốc, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người tại nơi không được phép thực hiện dịch vụ thẩm mỹ.
Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TP.HCM cũng lấy 68 mẫu thuốc đang lưu hành trên thị trường để kiểm nghiệm. Kết quả chưa phát hiện sản phẩm giả theo các thông báo của Bộ Y tế.
Thu giữ, tiêu hủy hàng tấn sữa, TPCN
Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã kiểm tra 273 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào nhóm sữa chế biến, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học. Qua kiểm tra, 5 cơ sở bị xử phạt với tổng số tiền 270 triệu đồng, một cơ sở bị đình chỉ hoạt động, buộc thu hồi các sản phẩm thực phẩm bổ sung HI CANXI GOLDMILK, SURE GOLD BETA và bột sữa dinh dưỡng Vita Nutri Diabetic Gold. Ngoài ra, các đoàn kiểm tra của Sở cũng lấy 66 mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm và đang chờ kết quả.
Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM phát hiện 35 vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, xử phạt tổng cộng 408 triệu đồng. Đơn vị này tạm giữ 47.603 đơn vị sản phẩm và 5,3 tấn hàng hóa với tổng trị giá khoảng 1,46 tỷ đồng. Riêng mặt hàng sữa chiếm phần lớn với 4.677 chai sữa nước hiệu Ensure cùng 2.247 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Một số vụ việc điển hình
Ngày 14/5, Đội Quản lý thị trường số 6 kiểm tra hộ kinh doanh Lâm Ngọc Hạnh (quận 6), phát hiện 31 hộp yến sào tinh chế (3,1 kg) trị giá hơn 56,5 triệu đồng không rõ nguồn gốc. UBND TP.HCM đã phạt 55 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Ngày 15/5, Đội Quản lý thị trường số 2 phát hiện Công ty TNHH FUNFOOD (quận Bình Tân) chứa 28.000 gói măng trúc muối, kẹo dẻo, cuộn rong biển trị giá 67 triệu đồng không rõ nguồn gốc. Đơn vị bị phạt 100 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng vi phạm.
Ngày 21/5, Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư An Nguyên (huyện Bình Chánh), phát hiện 2.167 hộp thực phẩm chức năng hiệu KIRKLAND, FOCUS cùng 4.497 chai sữa nước Ensure trị giá hơn 777 triệu đồng. Toàn bộ lô hàng bị tạm giữ để xử lý.
UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức cũng đã kiểm tra 619 cơ sở kinh doanh sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Kết quả chưa phát hiện cơ sở nào sản xuất hoặc kinh doanh sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, phần lớn cơ sở chấp hành tốt quy định.

Hàng nghìn thực phẩm chức năng giả bị đổ chui ven đường ngoại ô TP.HCM. Ảnh: CTV.
Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM xử lý 5 trường hợp vi phạm trong hoạt động quảng cáo ngoài trời, tổng số tiền phạt là 120 triệu đồng. Trong đó có Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Quảng cáo Thời Đại bị phạt vì quảng cáo sữa “Milo kết hợp với sữa mát A2” mà không thông báo nội dung, thời gian, địa điểm quảng cáo đến cơ quan chức năng.
Theo bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, các cơ sở có dấu hiệu đối phó như đóng cửa tạm thời, không trưng bày sản phẩm để tránh bị phát hiện.
Ngoài ra, việc xử lý hành vi quảng cáo và kinh doanh trực tuyến còn gặp khó khăn lớn, nhất là xác định đúng cá nhân, tổ chức vi phạm khi mạng xã hội có máy chủ đặt ở nước ngoài. Nhiều tổ chức, cá nhân còn xóa bỏ nội dung quảng cáo hoặc không hợp tác khi được mời làm việc.
"Hiện, các quy định pháp luật vẫn còn thiếu rõ ràng đối với những sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia", bà Thúy cho hay.
Điều này gây khó khăn cho việc kiểm tra chất lượng, xử lý sai phạm. Việc sắp xếp lại tổ chức cơ quan thanh tra theo quy định mới cũng ảnh hưởng đến hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính.
TP.HCM kiến nghị sớm hoàn thiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, bổ sung các nội dung cụ thể liên quan đến sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nhất là tiêu chuẩn sản phẩm do nhà sản xuất tự công bố. Việc này nhằm tạo cơ sở để kiểm nghiệm và xử lý khi phát hiện sai phạm.