TP.HCM muốn đón 12 triệu lượt khách quốc tế năm 2026
Với mục tiêu đón 12 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2026, TP.HCM xác định rõ định hướng đổi mới, bền vững và bản sắc làm trọng tâm trong tái định vị điểm đến du lịch hàng đầu.
Trong bối cảnh các đơn vị hành chính được sắp xếp lại, TP.HCM không chỉ giữ vững đà phục hồi mà còn chủ động tái cấu trúc sản phẩm, đẩy mạnh liên kết vùng và đầu tư cho chuyển đổi số. Từ nền tảng đó, ngành du lịch TP.HCM hướng tới năm 2026 với mục tiêu bứt phá cả về quy mô lẫn chất lượng, xây dựng hình ảnh điểm đến hiện đại, bản sắc và bền vững.
Xây dựng cơ chế liên kết vùng
Sở Du lịch TP.HCM vừa có báo cáo tình hình phát triển du lịch năm 2025 và xây dựng kế hoạch năm 2026. Theo đó, Sở Du lịch TP.HCM cho biết, năm 2025 ngành du lịch đặt mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 39,3%), 45 triệu lượt khách nội địa (tăng 18,4%), tổng thu ước đạt 260.000 tỉ đồng (tăng 36,1%).
Để duy trì đà tăng trưởng, TP.HCM tập trung phát triển hệ sinh thái sản phẩm du lịch đặc trưng, gắn với bản sắc đô thị và văn hóa phương Nam. Nhiều sản phẩm mới như tour “Nam Kỳ lục tỉnh”, hành trình đêm Bảo tàng, tour Củ Chi - Tây Ninh hay trải nghiệm thiên nhiên Cần Giờ mang đến lựa chọn đa dạng cho du khách.
Đồng thời, thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quảng bá và phục vụ du lịch, tiêu biểu là chương trình “50 Flashes” trên nền tảng số và mô hình “mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” kết hợp với OCOP và quà tặng bản địa.

Sau sáp nhập, TP.HCM đầy tiềm năng phát triển nhiều loại hình du lịch. Ảnh: TT.
Trong bối cảnh sáp nhập hành chính và vận hành chính quyền hai cấp, TP.HCM chủ động phối hợp với Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương (cũ) để xây dựng cơ chế liên kết vùng, hướng đến hình thành vùng động lực du lịch phía Nam.
Tuy nhiên, ngành vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, việc triển khai Đề án phát triển du lịch đến năm 2030 bị gián đoạn do thay đổi địa giới hành chính, dự kiến được trình lại vào tháng 9-2025.
Đề án du lịch thông minh cũng chậm tiến độ do hạ tầng công nghệ lạc hậu và tạm ngừng đầu tư theo chỉ đạo của UBND TP, ảnh hưởng đến chuyển đổi số toàn ngành. Ngoài ra, nhiều dự án liên kết tại Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu (nay là TP.HCM) cũng chậm triển khai vì thiếu cơ chế hỗ trợ và thủ tục vướng mắc.
Theo bà Hiếu, nguyên nhân đến từ cả yếu tố khách quan và chủ quan. Về khách quan, việc sáp nhập địa bàn, bộ máy tổ chức chưa ổn định và bối cảnh quốc tế bất ổn tạo áp lực lớn.
Về chủ quan, liên kết vùng còn hình thức, hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu, hàng không quốc tế hạn chế, chính sách visa chưa hấp dẫn và doanh nghiệp du lịch thiếu chiến lược vươn ra thị trường xa. Ngoài ra, công tác xúc tiến quốc tế cũng thiếu ngân sách và chưa tận dụng tốt nền tảng số.
Anh Nguyễn Duy Phong (Việt kiều Úc, một du khách MICE) chia sẻ: “"Tôi trở lại TP.HCM trong một hội thảo quốc tế, nhưng nhận thấy các dịch vụ hỗ trợ MICE còn phân tán. Ứng dụng công nghệ để kết nối khách sạn – trung tâm hội nghị – điểm tham quan vẫn manh mún. Với vai trò là trung tâm kinh tế lớn, TP nên đầu tư hệ sinh thái du lịch MICE chuyên nghiệp, linh hoạt.
Anh Phan Minh Hạnh, ngụ phường Sài Gòn, TP.HCM cho biết, với người dân TP.HCM, việc liên kết du lịch với Bình Dương, Vũng Tàu (nay là TP.HCM) mở ra thêm lựa chọn đi chơi ngắn ngày. “Nhưng tôi nghĩ chính quyền nên đầu tư thêm về hạ tầng thông tin – ví dụ ứng dụng du lịch TP.HCM nên cập nhật luôn các điểm liên kết để người dân và du khách dễ tra cứu."- anh Hạnh nói.

Năm 2026, TP.HCM đặt mục tiêu đón 12 triệu lượt khách quốc tế. Ảnh: TT.
TP.HCM xây dựng hệ sinh thái du lịch đặc trưng
Trên đà tăng trưởng đó, TP.HCM đặt mục tiêu năm 2026 đón khoảng 12 triệu lượt khách quốc tế và 50 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch dự kiến đạt 330.000 tỉ đồng.
TP.HCM đang tập trung triển khai Đề án phát triển du lịch đến năm 2030 với các mục tiêu trọng tâm: nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển các loại hình mới như du lịch xanh, du lịch thông minh, du lịch nông nghiệp, gắn với di sản văn hóa - đô thị.
Đồng thời, thành phố đẩy mạnh truyền thông, xây dựng thương hiệu điểm đến, mở rộng tiếp cận các thị trường tiềm năng như châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông và phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa bản địa.

Điểm đến chợ Bến Thành (TP.HCM) là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Ảnh: TT.
Một số sản phẩm nổi bật đang được triển khai gồm: chuỗi dịch vụ du lịch cộng đồng "từ truyền thống đến văn hóa sáng tạo hiện đại", điểm đến nông nghiệp tại Hóc Môn, du lịch cộng đồng Long Sơn, tour TP.HCM từ trực thăng và các sản phẩm du lịch sinh thái - nông nghiệp.
Bà Hiếu cho biết thêm, năm 2026, hoạt động quảng bá, xúc tiến cũng được tăng cường trong và ngoài nước. Trong nước, TP tập trung vào các thị trường trọng điểm như Đồng bằng sông Cửu Long, Hà Nội và vùng phụ cận, hướng đến phân khúc khách có khả năng chi tiêu cao.
Ở nước ngoài, ưu tiên các thị trường đã có kết nối hàng không, miễn visa, các thị trường truyền thống, gần và mới nổi, cũng như những nơi có ký kết hợp tác với TP.HCM.
Bên cạnh đó, TP.HCM tiếp tục nâng tầm các sự kiện lớn như ITE HCMC 2026, Lễ hội Sông nước, Giải Marathon Quốc tế, Tuần lễ Du lịch... nhằm gia tăng trải nghiệm và thu hút du khách trong nước lẫn quốc tế.

Lễ hội Áo dài TP.HCM là một trong những sự kiện văn hóa - du lịch thường niên. Ảnh: TT.
Năm 2026, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh liên kết du lịch với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ, nay là TP.HCM) trong bối cảnh chính quyền hai cấp. TP dự kiến tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, tổng kết hợp tác giai đoạn trước và xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm gắn với dịch vụ địa phương như lưu trú, vận chuyển, ẩm thực.
Về quản lý, TP đề xuất cơ chế báo cáo từ cấp cơ sở, phân cấp quản lý phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp mở tour mới, ứng dụng công nghệ vào quản lý, số hóa di tích và thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không tiền mặt.
Song song đó, TP.HCM tiếp tục cải cách hành chính, đề xuất ủy quyền cấp thẻ hướng dẫn viên cho tổ chức xã hội nghề nghiệp và tăng cường thanh kiểm tra nhằm đảm bảo an ninh du lịch, xử lý nghiêm vi phạm, nâng cao chất lượng điểm đến.
TP.HCM cần tăng cường kết nối giữa các phường, xã mới sáp nhập để mở rộng không gian và thời gian trải nghiệm cho du khách. Thay vì chỉ tham quan nửa ngày, khách có thể ở lại 2–3 ngày nếu sản phẩm đủ hấp dẫn.
Việc liên kết với Bình Dương (cũ) - nơi vốn ít hiện diện trên bản đồ du lịch quốc tế – sẽ mở ra hướng đi mới cho tour khám phá. Khi kết nối điểm đến từ Củ Chi, Cần Giờ đến Bình Dương và Vũng Tàu (cũ), du khách sẽ có hành trình phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm đa dạng.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Lữ hành Vietluxtour
Chúng tôi đang tái định vị và nâng cấp sản phẩm theo hướng chuyên biệt hóa và gia tăng giá trị trải nghiệm. Đẩy mạnh các sản phẩm mới từ di sản văn hóa, lịch sử của TP.HCM, tiềm năng du lịch công nghiệp và dịch vụ của Bình Dương (cũ), đến vẻ đẹp tự nhiên và du lịch biển đẳng cấp của Vũng Tàu (cũ).
Ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty Du Lịch Việt