TP.HCM: Một sản phụ 21 tuổi bị nhiễm cúm A nguy kịch

Khi đang mang thai gần 33 tuần tuổi, chị N. có triệu chứng sốt nhẹ, ho, chảy mũi, đau họng, sau đó chị bị khó thở, sốt cao và suy hô hấp rồi rơi vào tình trạng nguy kịch.

Chị M.T.H.N. (21 tuổi, ngụ ở TP.HCM) mang thai lần đầu tiên và hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh lý tim mạch hay hô hấp. Khi mang thai được gần 33 tuần tuổi, chị N. có triệu chứng sốt nhẹ, ho, chảy mũi, đau họng. Các thành viên trong gia đình chị cũng có chung triệu chứng.

Sau 21 ngày can thiệp VV-ECMO, sản phụ M.T.H.N (21 tuổi, ngụ ở TP.HCM) đã hồi phục hoàn toàn - Ảnh: BVCC

Sau 21 ngày can thiệp VV-ECMO, sản phụ M.T.H.N (21 tuổi, ngụ ở TP.HCM) đã hồi phục hoàn toàn - Ảnh: BVCC

Tưởng chỉ bị cảm lạnh thông thường, chị N. vẫn không quan tâm và tiếp tục làm việc bình thường. Tuy nhiên, sau 4 ngày, chị N. bắt đầu cảm thấy khó thở, sốt cao nên gia đình đã đưa chị đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định khám và nhập viện.

ThS-BS Trần Thanh Nam - Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định - cho biết tình trạng sức khỏe của bệnh nhân sau khi nhập viện diễn biến xấu rất nhanh.

Chỉ trong vòng chưa đến 12 giờ sau nhập viện, chị N. bị suy hô hấp, tổn thương phổi đông đặc gần 80% nhu mô phổi khiến bệnh nhân phải được đặt nội khí quản và thông khí xâm lấn. Kết quả xét nghiệm dịch tiết phế quản dương tính với cúm A.

Các bác sĩ sản khoa xác định thai kỳ phát triển bình thường theo tuổi thai, tuy nhiên, với tình trạng nguy kịch hô hấp của mẹ, ê kíp đã quyết định mổ lấy thai cấp cứu để có thể đảm bảo an toàn tốt nhất cho bé; đồng thời, can thiệp oxy hóa máu màng ngoài cơ thể phương thức tĩnh - tĩnh mạch (VV-ECMO) nhằm hỗ trợ phổi và cứu tính mạng mẹ.

Bác sĩ Lê Vũ Như Quỳnh – Khoa Hồi sức tim mạch - cho biết mặc dù chị N. đã được can thiệp VV-ECMO nhưng với tổn thương nhu mô phổi quá nặng do cúm, có những thời điểm oxy máu sản phụ không được đảm bảo trong mức an toàn.

Sau 5 ngày kiểm soát thân nhiệt, an thần sâu, giãn cơ, thông khí bảo vệ phổi, oxy hóa máu của bệnh nhân mới bắt đầu cải thiện dần. Sau 1 tuần can thiệp VV-ECMO, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn và bắt đầu tập vật lý trị liệu hô hấp có trợ giúp với cường độ tăng dần.

“Thông thường, các tổn thương phổi do cúm sẽ cải thiện sau 5 - 7 ngày, nhưng do tổn thương phổi của người bệnh quá nặng, chức năng phổi phải cần đến hơn 2 tuần mới cải thiện rõ rệt. Sau 21 ngày can thiệp VV- ECMO, hiện bệnh nhân đã phục hồi sức khỏe gần như hoàn toàn, và sắp được trở về bên gia đình cùng thiên thần nhỏ”, bác sĩ Nam chia sẻ.

Theo TS-BS Võ Hồng Minh Công - Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định - mặc dù cúm mùa thường không gây triệu chứng nguy kịch trên người có hệ miễn dịch khỏe mạnh, nhưng trên các đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là thai phụ, có thể gây ra nhiều biến chứng nặng, thậm chí đe dọa tính mạng. Phụ nữ mang thai mắc cúm có thể còn gặp các biến chứng trong thai kỳ như: sinh non, thai chết lưu, hoặc trẻ sinh ra bị nhẹ cân.

“Trong thai kỳ, hệ miễn dịch của người phụ nữ có những thay đổi nhất định khiến họ dễ bị nhiễm trùng hơn. Bên cạnh đó, sự thay đổi về giải phẫu lồng ngực và hệ thống tim mạch trong thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ biến chứng hô hấp khi mắc cúm”, bác sĩ Công giải thích.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tp-hcm-mot-san-phu-21-tuoi-bi-nhiem-cum-a-nguy-kich-227017.html
Zalo