TP. HCM lọt top 2 các TP giữ chân cư dân tốt nhất thế giới
Vị trí top 2 của TP. HCM về giữ chân cư dân tốt nhất thế giới cho thấy thành phố đang nổi lên như một trung tâm năng động về đổi mới, nhân lực và tăng trưởng.
Theo kết quả khảo sát “City Pulse 2025: The Magnetic City” (tạm dịch "Nhịp đập Thành phố 2025: Thành phố hấp dẫn", TP.HCM đứng thứ 2 trong số 65 thành phố trên toàn cầu giữ chân cư dân tốt nhất thế giới.
Cuộc khảo sát do công ty kiến trúc thiết kế hàng đầu thế giới Gensler (Mỹ) công bố hồi tháng 6.
Cuộc khảo sát thu thập ý kiến từ 33.000 cư dân đô thị tại 65 thành phố nhằm khám phá nơi ở và lý do mọi người lựa chọn nơi sinh sống. Dựa trên các xu hướng di cư đô thị, khảo sát này cho thấy những xu hướng toàn cầu và định hướng thiết kế có thể giúp các thành phố phát triển và duy trì dân số.

Khu vực dọc công viên bến Bạch Đằng (TP.HCM). Ảnh: PLO
Thấy gì từ vị trí top 2 của TP.HCM?
Theo kết quả, đứng đầu danh sách là TP Đài Bắc (Đài Loan) với 64% cư dân cho biết họ không nghĩ đến việc chuyển đi nơi khác. TP.HCM đứng thứ 2 với tỉ lệ 61%. Các thành phố còn lại nằm trong top 5 giữ chân cư dân tốt nhất gồm Singapore với tỉ lệ 59%, Sydney (Úc) 58% và Berlin (Đức) 51%.
Xếp hạng cao của TP.HCM cho thấy thành phố đang nổi lên như một trung tâm năng động về đổi mới, nhân lực và tăng trưởng. Đây là minh chứng cho quá trình chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam: sôi động, hướng đến tương lai và ngày càng được nhìn nhận là nơi có thể xây dựng sự nghiệp, cộng đồng và doanh nghiệp lâu dài.
Trong bối cảnh tính dịch chuyển toàn cầu và cạnh tranh giữa các đô thị ngày càng gia tăng, sự ghi nhận này không chỉ mang tính biểu tượng mà còn phản ánh một động lực phát triển thực sự.
Vị trí top 2 thế giới khẳng định TP.HCM là đô thị “giữ chân cư dân” tốt, củng cố hình ảnh thành phố an cư – đáng sống – năng động, rất thuận lợi cho chiến dịch “Live – Work – Play in HCMC” hướng tới nhà đầu tư, chuyên gia, khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện, triển lãm).
Điều gì giữ chân cư dân?
Theo Gensler, gần một trong năm người đã chuyển đến một thành phố mới trong năm qua. Một lý do khiến cư dân toàn cầu muốn rời đi là do sự quá tải dân số tại các thành phố.
Theo nghiên cứu, mọi người có xu hướng chuyển đến các thành phố nơi các nhu cầu cơ bản của họ được đáp ứng. Khi được hỏi về những yếu tố quan trọng nhất trong việc lựa chọn nơi sinh sống, chi phí sinh hoạt đứng đầu với 83%, tiếp theo là mức độ tội phạm (81%), chất lượng dịch vụ y tế (80%), cơ hội việc làm (74%) và mức thuế (70%).
Biến đổi khí hậu cũng là một yếu tố khiến nhiều người lo ngại. Một bộ phận có xu hướng rời bỏ những thành phố dễ bị tổn thương trước hiện tượng này.
Trong bối cảnh mọi người đang tìm kiếm những nơi sinh sống và làm việc sôi động hơn, có chi phí hợp lý hơn, điều quan trọng không chỉ là hiểu điều gì thu hút cư dân mới đến với các thành phố, mà quan trọng hơn là hiểu điều gì khiến họ muốn tiếp tục sống ở đó.
“Trong một kỷ nguyên được định hình bởi những thay đổi nhân khẩu học, biến đổi khí hậu và sự bất ổn kinh tế, việc hiểu được điều gì khiến các thành phố trở thành nam châm thu hút cư dân mới và hiện tại là yếu tố then chốt cho thành công đô thị lâu dài” - bà Sofia Song, Giám đốc Toàn cầu về Thành phố của Gensler, viết trong một bài đăng trên LinkedIn.

Khung cảnh TP.HCM. Ảnh: PLO
Gensler định nghĩa rằng những thành phố “dính chặt” là những nơi không chỉ thu hút người dân chuyển đến mà còn giữ chân họ ở lại lâu dài. Các thành phố này thúc đẩy sự ổn định và sức sống đô thị bằng cách cung cấp những yếu tố khiến cư dân muốn gắn bó.
Những thành phố có tỉ lệ người không muốn chuyển đi cao nhất chính là những nơi “dính chặt” nhất, duy trì dân số ổn định lâu dài – yếu tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc và sự bền vững của thành phố.
Trong số 65 thành phố được khảo sát, những thành phố quốc tế gắn kết nhất thường là các thủ đô quốc gia lớn, thành phố lớn nhất của một quốc gia/vùng lãnh thổ, hoặc các cường quốc kinh tế toàn cầu. Khảo sát chỉ ra rằng thành công trong việc giữ chân cư dân sẽ thuộc về những trung tâm đô thị được thiết kế không chỉ để phát triển, mà còn để nuôi dưỡng sự kết nối thực sự giữa con người với nhau.
Mặc dù các yếu tố như cơ hội kinh tế, an toàn và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế có thể đặt nền móng cho sức hút của một thành phố, thì chính những “sợi dây vô hình” như niềm tự hào, cảm giác thuộc về và tinh thần cộng đồng mới là điều tạo nên sự gắn bó — biến một thành phố từ một điểm đến thành một mái nhà.
Tóm lại, các yếu tố thu hút người dân đến một thành phố khác với những yếu tố khiến họ muốn ở lại. Theo đó, mọi người chuyển đến thành phố mới để tìm kiếm sự an toàn cả về tài chính lẫn thể chất. Và họ ở lại vì những trải nghiệm ý nghĩa và sự kết nối cảm xúc với nơi chốn.