TP.HCM hướng đến trường học không điện thoại: Giải pháp cho sân trường vắng tiếng cười
TP.HCM đang đề xuất cấm học sinh dùng điện thoại trong cả giờ ra chơi, hướng tới môi trường học đường không thiết bị số. Giải pháp này được kỳ vọng sẽ 'giải cứu' sân trường khỏi cảnh vắng lặng vì học sinh mải lướt mạng.
“Cấm để chơi thật”: Giải pháp cho sân trường vắng tiếng cười?
Theo thông tin từ Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM, từ năm học 2025–2026, học sinh các cấp có thể sẽ bị cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại trong khuôn viên nhà trường, bao gồm cả giờ ra chơi. Thiết bị này chỉ được phép sử dụng khi có yêu cầu rõ ràng từ giáo viên để phục vụ học tập.

TP.HCM dự kiến cấm điện thoại cả trong giờ ra chơi. Ảnh minh họa
Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, đề xuất này xuất phát từ thực tế đáng báo động: nhiều học sinh ngày càng phụ thuộc vào điện thoại, thậm chí ngồi cạnh nhau vẫn không trò chuyện vì… mải lướt mạng. Sân trường giờ ra chơi dần trở thành “sân khấu im lặng”, nơi mỗi người chơi một “vũ trụ ảo” riêng.
Một số trường như THPT Trường Chinh, THPT Thạnh Lộc, Trường Năng khiếu - ĐHQG TP.HCM từng thử nghiệm hình thức nộp điện thoại đầu giờ. Kết quả ghi nhận tích cực: học sinh tập trung hơn, lớp học sôi động hơn, sân trường có lại tiếng cười, trò chơi, chạy nhảy....những điều tưởng như rất cũ mà nay lại quý giá.
Phụ huynh ủng hộ, chuyên gia gật đầu: Miễn cấm có lộ trình
Nhiều giáo viên và phụ huynh đồng tình với đề xuất. Họ cho rằng cấm điện thoại là cần thiết trong bối cảnh học sinh dễ nghiện game, mạng xã hội, dễ mất tập trung và thậm chí bị ảnh hưởng tâm lý vì nội dung độc hại trên mạng.
Cô Nguyễn Thị Minh - giáo viên THCS tại quận 7 chia sẻ: “Tôi không cực đoan đến mức muốn cấm hoàn toàn, nhưng nếu không kiểm soát, học sinh sẽ khó rời khỏi điện thoại. Lúc đó, không chỉ học kém đi mà cả đời sống tinh thần cũng bị ảnh hưởng.”

Nhiều phụ huynh ủng hộ việc cấm điện thoại trong trường học. Ảnh minh họa
Trước đó, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cũng từng phát biểu trong lễ khai giảng năm học 2024–2025 tại Trường Phổ thông Năng khiếu về việc sử dụng điện thoại của học sinh hiện nay. Ông nhấn mạnh: “Sử dụng điện thoại để tìm kiếm thông tin phục vụ học tập là tốt. Nhưng đừng để điện thoại âm thầm biến học sinh trở thành 'tù binh' của mạng xã hội và game. Nhà tù vô hình này có thể chôn vùi tuổi xanh xuân, hoài bão và khát vọng của các em.”
Một số quốc gia như Hà Lan, New Zealand, Brazil đã áp dụng chính sách tương tự, với nhiều kết quả tích cực. Tại Hà Lan, sau một học kỳ cấm điện thoại, 75% trường học ghi nhận học sinh tập trung hơn, ít bị trầm cảm hơn và tương tác xã hội cải thiện rõ rệt.