TP.HCM hạn chế xe xăng: Cần chính sách hỗ trợ tài xế, xây dựng trạm sạc
Liên quan đến nội dung TP.HCM đang rà soát phương án đề xuất hạn chế xe xăng tại các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm, các chuyên gia đặt ra giải pháp để hỗ trợ những đối tượng có tác động.
Trước thông tin TP.HCM đang rà soát phương án đề xuất hạn chế xe xăng tại các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm đang thu hút nhiều người dân quan tâm, PLO tiếp tục ghi nhận những đóng góp ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này.
Cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng
GS.TS Lê Thanh Hải - Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định, việc hạn chế xe xăng là điều không mới ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Chuyên gia nhận định số lượng xe xăng trên cả nước hiện nay rất lớn, cần tính toán phân chia giai đoạn để chuyển đổi. Ảnh: HOÀNG GIANG
Tuy nhiên, hiện nay số lượng xe xăng trên cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng là rất lớn. Do đó, nếu muốn hạn chế xe xăng để giảm phát thải thì chính quyền cần tính toán chia giai đoạn thực hiện và khoanh vùng địa bàn nào thực hiện trước, địa bàn nào cần thực hiện sau. Đồng thời, trong kế hoạch triển khai cần chia khung thời gian cấm xe.
Chính quyền địa phương cần xác định thời điểm hiện nay thực hiện đã phù hợp hay chưa, trước khi thực hiện cần đánh giá tiền khả thi, đánh giá sơ bộ xem hiện nay lượng xe điện phủ được bao nhiêu phần trăm từ đó mới tính toán được mức độ hiệu quả khi thực hiện chuyển đổi.
Hiện nay, TP.HCM vừa mới sáp nhập, do đó cần tính toán lại quy hoạch mới. Sau đó xác định vùng nào là vùng cần ưu tiên chuyển đổi xanh bao gồm các vùng như Vũng Tàu và Bình Dương sau sáp nhập.
GS.TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên
Đại học Quốc gia TP.HCM
Chia sẻ về giải pháp để hạn chế xe xăng ở TP.HCM trong thời gian tới, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó chủ tịch Hội Thiên nhiên và Bảo vệ môi trường cho rằng, hiện nay số lượng xe xăng trên địa bàn TP.HCM chiếm tỉ lệ lớn hơn so với xe điện. Để chuyển đổi cần chú ý tập trung vào các yếu tố như sự thuận về cơ sở hạ tầng và phải có chính sách hỗ trợ cho người dân.
Trong đó, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng trên địa bàn TP.HCM, cụ thể là đầu tư cơ sở hạ tầng sạc điện, chính quyền cần xây dựng thêm nhiều trạm sạc công cộng để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng xe điện khi thực hiện chuyển đổi.
"Chúng ta rất dễ nhận thấy, hiện nay do nhu cầu nên các trạm bán xăng cho xe gắn máy là phổ biến và rộng khắp. Vì vậy, nếu muốn chuyển đổi thì cần tính toán việc xây dựng thêm các trạm sạc điện để không xảy ra tình trạng xe hết điện giữa đường"- PGS.TS Phùng Chí Sỹ góp ý.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng cho rằng chính quyền có thể khuyến khích người dân sử dụng xe điện bằng cách có ưu đãi, hỗ trợ tài chính khi mua xe. Bên cạnh đó, cần tăng cường xe công cộng chạy bằng nguyên liệu thân thiện với môi trường ở các tuyến đường nhỏ thay vì chỉ chạy ở các tuyến đường lớn như hiện nay.
Chính sách hỗ trợ chuyển đổi cho tài xế công nghệ và giao hàng
Một trong những nội dung do Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (thuộc Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM) thực hiện trong Đề án chuyển đổi xe máy điện tại TP.HCM cũng được nhóm nghiên cứu đề ra đó là giải pháp hỗ trợ.
Cụ thể, phương án về chính sách hỗ trợ chuyển đổi toàn bộ 400.000 xe máy xăng sang xe máy điện cho tài xế công nghệ và giao hàng hai bánh, hướng tới một tương lai giao thông xanh và bền vững.

Cần chú trọng hỗ trợ chuyển đổi toàn bộ 400.000 xe máy xăng sang xe máy điện cho tài xế công nghệ và giao hàng hai bánh. Ảnh: HOÀNG GIANG
Theo đó, các chính sách hỗ trợ tài chính trực tiếp và các ưu đãi khác nhằm giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích tài xế nhanh chóng chuyển đổi sang xe điện là miễn giảm thuế và phí. Miễn 100% thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ và phí đăng ký biển số cho xe máy điện được mua mới, đăng ký dịch vụ.
Đồng thời, nhóm đề ra việc vay vốn ưu đãi (qua tổ chức tín dụng) như lãi suất giảm 2%, vay tối đa 25 triệu đồng/xe (70-80% giá trị xe + pin dự phòng).
Tiêu chí lựa chọn là tài xế có xác nhận hợp lệ từ nền tảng/doanh nghiệp vận tải, hoạt động thực tế tại TP.HCM.
Trong đó cần phân loại 3 nhóm gồm: Tài xế gia nhập mới, hoạt động dưới 6 tháng và trên 6 tháng.
Để đề án được thực hiện phù hợp hơn thì nhóm nghiên cứu cũng đề ra phương án hỗ trợ bổ sung từ nhà cung cấp xe. Ví dụ VinFast tặng Voucher 3-5 triệu đồng/xe, chính sách bảo hiểm pin chuyên biệt.
Ngoài ra, đề án cũng đưa ra các chính sách đề xuất phù hợp với đối tượng là doanh nghiệp phát triển hạ tầng năng lượng và đối tượng là doanh nghiệp sản xuất xe điện, pin và trạm sạc.
Cụ thể, đối với đối tượng là doanh nghiệp phát triển hạ tầng năng lượng cần có chính sách toàn diện nhằm xây dựng mạng lưới năng lượng đồng bộ, tiện lợi, đảm bảo xe điện hoạt động liên tục và hiệu quả. Bao gồm các ưu đãi về mặt bằng, khuyến khích mô hình dùng chung, hỗ trợ giá điện, vay vốn ưu đãi và các ràng buộc về bất động sản sẵn sàng EV (dự án sạc xe điện, chỗ đậu xe điện...)
Đồng thời, nâng cấp lưới điện và yêu cầu nội địa hóa thiết bị ưu tiên mặt bằng và mục tiêu hạ tầng. Đơn cử như sử dụng vị trí công cộng (bãi giữ xe, nhà chờ, chợ, cây xăng chuyển đổi...), cho thuê ưu đãi/miễn phí 1-3 năm đầu.
Hoặc đối tượng là doanh nghiệp sản xuất xe điện, pin, trạm sạc cũng cần các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp sản xuất xe điện, pin và trạm sạc trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh và tỉ lệ nội địa hóa.
Cho vay vốn trung, dài hạn (qua tổ chức tín dụng) với lãi suất ưu đãi cho sản xuất xe, pin và trạm sạc hay thế chấp linh hoạt; các chính sách về ưu đãi nội địa hóa như miễn thuế nhập khẩu linh kiện pin trong 3 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong khu công nghiệp cho doanh nghiệp đạt tỷ lệ nội địa hóa ≥ 40%...