TP Đà Nẵng và Quảng Ngãi: Ngăn chặn tình trạng lợn chết thả kênh và bán tháo
Trước thực trạng xác lợn bị vứt xuống kênh và lợn mắc dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) bán ra thị trường, ngành chức năng TP Đà Nẵng và Quảng Ngãi đã khẩn cấp ngăn chặn tình trạng này và khẩn cấp chống dịch.

Số lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi chết đưa đi tiêu hủy. Ảnh: Chí Đại.
Hành vi khiến dịch lây lan
Tại Đà Nẵng từ ngày 1/7 đến nay DTLCP đã bùng phát tại 7 xã, phường, đã có 231 con heo mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy; tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 14 tấn. Trong khi đó tại Quảng Ngãi DTLCP đã xuất hiện 42 thôn, thuộc 11 xã, phường, với 529 con heo mắc bệnh buộc phải tiêu hủy, với tổng trọng lượng gần 29,5 tấn. Lợn chết khiến người chăn nuôi điêu đứng, nhưng cũng có những người thiếu ý thức có thể làm cho dịch nhanh chóng lây lan. Đó là mua bán lơn mặc dịch hay lợn chết không tiêu hủy mà đem đi thả kênh.

Xác lợn thả trôi kênh, đoạn qua xã Thăng Bình được vứt đưa đi tiêu hủy. Ảnh: CV.
Như tại kênh chính Phú Ninh, TP Đà Nẵng, có tình trạng người dân đem lợn chết thả xuống kênh. Cụ thể, một khu vực cống ngăn ở kênh có 2 xác lợn bị vứt trôi, có con bị phân hủy bốc mùi hôi thối. Còn trước đó, ngày 16/7, ở một đoạn kênh chảy qua thôn Quý Thạnh, xã Thăng Bình, TP Đà Nẵng người dân phát hiện lợn chết nổi lềnh bềnh trên mặt kênh. Đáng nói xã này chưa xuất hiện DTLCP. Ngay sau đó, xác lợn được cơ quan chức năng vớt lên đem đi tiêu hủy.
Ông Đoàn Thanh Khiết, Chủ tịch UBND xã Thăng Bình cho biết: “Hiện tại xã Thăng Bình chưa xuất hiện ổ dịch. Thế nhưng, địa phương đã có công văn và tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân trong toàn xã biết để có biện pháp phòng ngừa bệnh DTLCP”.
Bà Nguyễn Thị Đào, ở phường Quảng Phú, TP Đà Nẵng cho hay: “Gia đình tôi có 4 con lợn bị chết do mắc DTLCP, tôi liền báo cáo với cơ quan chức năng đem đi tiêu hủy, đồng thời phun thuốc, rải vôi xung quanh chuồng trại để giữ gìn vệ sinh môi trường. Thế nhưng có nơi người ta vứt xác lợn chết trên kênh. Đây là hành vi quá nguy hiểm, vì không chỉ gây mất vệ sinh môi trường và còn lây lan dịch bệnh. Cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc, không tái diễn tình trạng này”.

Bà Nguyễn Thị Đào ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh phòng dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Tấn Thành.
Còn tại Quảng Ngãi, mới đây Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh phối hợp với đơn vị chức năng phát hiện cơ sở thu mua của bà Trần Thị Thùy Dương, ở tổ dân phố Phú Bình Trung, xã Nghĩa Hành, đang thu gom 72 con lợn, 5 con đã chết. Bà Dương không cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc và kiểm dịch số lợn trên. Bà Trần Thị Thùy Dương khai nhận, trước đó thu gom 72 con lợn từ các thương lái và người dân trên địa bàn xã Nghĩa Hành.

Các lực lượng chức năng làm việc tại điểm thu mua heo bị dịch bệnh. Ảnh: CV.
Số lợn nói trên, cơ quan chức năng đã lấy ngẫu nhiên 22 mẫu máu, hạch, lách để xét nghiệm. Kết quả, Trung tâm chẩn đoán và xét nghiệm thú y Trung ương II - Trạm chẩn đoán và xét nghiệm I tại Đà Nẵng xác định có 21/22 mẫu dương tính với virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASFV).

Lực lượng Công an Quảng Ngãi phát hiện đàn lợn mắc dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: CV.
Khẩn cấp xử lý
Tất cả số lợn của bà Trần Thị Thùy Dương mua bán trái phép đều được đem đi tiêu hủy. Hồ sơ vụ việc đã được chuyển đến cơ quan chức năng để xử lý theo quy định pháp luật.
Thượng tá Đoàn Dương, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, khi phát hiện gia súc, gia cầm không rõ xuất xứ, người dân báo ngay cơ quan chức năng để tiến hành ngăn chặn, xử lý theo quy định pháp luật. Phòng Cảnh sát kinh tế và Công an các xã, phường tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Điểm hố tiêu hủy lợn ở Quảng Ngãi. Ảnh: CV.
Ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường (NNMT) TP Đà Nẵng cho biết, việc vứt xác lợn trôi nổi trên kênh mương, chúng tôi đã chỉ đạo chính quyền xã khẩn trương thu gom tiêu hủy. Để ngăn chặn tình trạng này, chúng tôi đã chỉ đạo Chi Cục chăn nuôi và thú y thành phố phối với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn, hướng dẫn xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan. Hỗ trợ hóa chất cho từng địa phương, để chủ động phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo cụ thể để phòng, chống DTLCP và kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bệnh DTLCP.
Công an xã, phường, đặc khu phối hợp với UBND xã, phường, đặc khu rà soát các tổ chức, cá nhân mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn và tuyên truyền, hướng dẫn việc mua bán, giết mổ động vật theo đúng quy định; thực hiện cam kết không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác;…