Tốt nghiệp tiến sĩ, nộp hồ sơ 700 lần vẫn không tìm được việc

Nhiều người trẻ tại Anh đang rơi vào tình trạng không thể tìm được việc dù có bằng cấp tốt, thậm chí đã tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ.

 Người trẻ ở Anh khủng hoảng vì không tìm được việc. Ảnh: Pexels.

Người trẻ ở Anh khủng hoảng vì không tìm được việc. Ảnh: Pexels.

9 tháng sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, Susie (đến từ Sheffield, Anh) vẫn chưa thể tìm được công việc, dù đã nộp đơn cho hơn 700 vị trí việc làm.

Sở hữu 3 tấm bằng, gồm cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, chưa bao giờ Susie nghĩ rằng tìm việc lại khó như vậy. Cô thường mất cả ngày để điều chỉnh CV, viết thư ứng tuyển và nộp đơn, nhưng rồi bị từ chối chỉ sau 2 phút với lời nhắn tự động: "Hồ sơ đang được xem xét kỹ lưỡng".

Sau hàng trăm lần nộp đơn, Susie nhận được công việc với mức lương dưới 30.000 bảng Anh/năm.

"Khoảng 70% công việc tôi không hề nhận được phản hồi, kể cả những vị trí tôi đã trải qua nhiều vòng phỏng vấn", Susie chia sẻ với The Guardian.

Một chọi 2.000

Không riêng Susie, hàng trăm nghìn người trẻ tại Anh cũng gặp khó khăn để tìm được công việc đầu tiên sau khi tốt nghiệp. Họ là những người đang phải đối mặt với thị trường lao động khắc nghiệt nhất trong lịch sử.

Khi các nhà tuyển dụng tạm ngưng tuyển người và sử dụng AI để cắt giảm chi phí, số lượng công việc cấp đầu vào đã giảm mạnh do ChatGPT xuất hiện. Và khi hàng loạt sinh viên tốt nghiệp phải "chọi" để tranh giành những vị trí khan hiếm, việc sử dụng AI trong chính quy trình tuyển dụng cũng khiến quá trình tìm việc trở nên ám ảnh và phi lý lạ thường.

 Martyna sắp có bằng thạc sĩ nhưng cũng không thể tìm được việc. Ảnh: The Guardian.

Martyna sắp có bằng thạc sĩ nhưng cũng không thể tìm được việc. Ảnh: The Guardian.

Martyna, 23 tuổi, sinh viên sắp tốt nghiệp chương trình thạc sĩ tại Đại học York, là một trường hợp như vậy. Từ đầu tháng 5, cô đã nộp đơn cho khoảng 150 công việc trong lĩnh vực marketing, xuất bản và cả bán lẻ, khách sạn. Dù sắp có bằng thạc sĩ, cô mới chỉ được mời phỏng vấn 5 lần, nhiều lần bị từ chối ngay lập tức và bị nhà tuyển dụng "bỏ bom".

Trong số ít email phản hồi mà Martyna nhận được, một email từ chối, nói rằng có đến 2.000 người ứng tuyển cho vị trí đó. Thậm chí, cô từng bị nói rằng nếu không học đại học, vị trí mà cô có thể nhận chỉ là nhân viên bán thức ăn nhanh. Cô cũng từng bị từ chối làm nhân viên pha chế vì thiếu kinh nghiệm.

"Tôi rất nản, cảm giác như bị lừa vậy. Tôi có 2 tấm bằng nhưng đều vô dụng và bây giờ tôi phải gánh khoản nợ sinh viên 90.000 bảng Anh", Martyna rầu rĩ nói.

Nhiều người khác cũng chia sẻ vấn đề tương tự. Họ nói rằng ở nhiều lĩnh vực, kinh nghiệm thực tế hiện được nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn nhiều so với bằng cấp danh giá.

“Công việc không quan tâm bạn có bằng cấp hay không” là điều mà Lucy (24 tuổi) nói với The Guardian. Từ khi tốt nghiệp vào năm 2022, cô đã làm việc bán thời gian tại một tiệm bánh.

Có bằng đại học về truyền thông, nhưng thời gian đầu, Lucy gần như không thể tìm được việc vì thiếu kinh nghiệm. Lúc đó, cô mới nhận ra kinh nghiệm thực tế quan trọng hơn nên quyết định đi làm thêm. Sau một thời gian, cô gái 24 tuổi nhận được công việc toàn thời gian, nhưng trái ngành và mức lương cũng không quá cao.

Không riêng người trẻ, các phụ huynh cũng rất lo lắng vì thị trường lao động tại Anh ở thời điểm hiện tại. Bà Willemien Schurer (53 tuổi), có 2 con trai mới tốt nghiệp đại học, nói rằng con bà không có cách nào để tìm việc vì hàng nghìn người nộp CV giống hệt nhau. Thậm chí, nhiều người còn dùng AI để viết thư xin việc.

Bà Schurer cho biết con trai lớn của bà đã trải qua 5 tháng “tàn phá tinh thần” khi nộp đơn cho khoảng 200 công việc mà không thành công, dù có bằng toán học từ một trường đại học hàng đầu.

“Báo chí nói rằng các nhà tuyển dụng đang than phiền vì có quá nhiều hồ sơ đáp ứng đầy đủ yêu cầu đến mức họ không biết sàng lọc như thế nào. Tình trạng lạm phát điểm ở trường đại học giờ đã lan sang thị trường việc làm", người mẹ nói.

 Những người đã tốt nghiệp nhiều năm cũng "giành" việc với sinh viên mới ra trường. Ảnh: Pexels.

Những người đã tốt nghiệp nhiều năm cũng "giành" việc với sinh viên mới ra trường. Ảnh: Pexels.

AI góp phần

Bàn về tình trạng này, nhiều chuyên gia nói rằng AI chính là một phần nguyên nhân khiến nhiều người trẻ không tìm được việc. Người trẻ viết CV bằng AI, nhà tuyển dụng lại dùng AI để lọc CV. Điều đó có nghĩa thành công sẽ phụ thuộc vào các mối quan hệ nhiều hơn. Nhưng người trẻ lại có ít mối quan hệ đời thực và phụ thuộc quá nhiều vào kỹ thuật số.

Đây là điều mà một giáo sư kinh doanh tại một trường đại học ở Thụy Điển phân tích. Ông dự đoán thị trường việc làm mà sinh viên của ông đang bước vào “đã khó, và sẽ còn khó hơn nữa”.

“Trong khi các công ty dùng AI để cắt giảm chi phí, sinh viên lại dùng AI cho mọi việc học và thay thế tư duy, từ đó khiến họ tự làm giảm cơ hội của mình cho các công việc trong tương lai", giáo sư nói.

Quan điểm này được hàng chục giảng viên đại học tại Anh và các nơi khác đồng tình. Nhiều người bày tỏ lo ngại sâu sắc về tác động của AI lên trải nghiệm đại học, cảnh báo rằng sinh viên đang tốt nghiệp mà không có kỹ năng và kiến thức cần thiết vì họ sử dụng AI để hoàn thành phần lớn bài tập.

Một chuyên gia tuyển dụng nói rằng khả năng viết tốt và tư duy mạch lạc từng là yêu cầu cơ bản cho hầu hết công việc cách đây 10-15 năm. Nhưng giờ đây, đó gần như là kỹ năng chỉ có ở tầng lớp tinh hoa. Gần như không ai làm được nữa.

"Chúng tôi thường xuyên thấy những người có bằng cấp xuất sắc không thể tóm tắt nội dung tài liệu hay giải quyết vấn đề", chuyên gia này nói, đồng thời cho biết họ gần như không còn lý do để tuyển sinh viên mới tốt nghiệp vì AI có thể làm hết.

Nhiều nhà tuyển dụng và chuyên gia nhân sự khác cũng chia sẻ rằng sinh viên mới ra trường mà họ gặp thường gặp khó khăn trong việc gọi điện thoại, tham dự họp, ghi chú bằng tay, truyền đạt thông tin chính xác hoặc hoàn thành nhiệm vụ viết lách mà không có Internet.

Tom, giám đốc điều hành một công ty logistics thương mại điện tử tại Anh, nhận định điều mọi người muốn làm và điều họ thực sự có khả năng làm thường là hai việc rất khác nhau. Theo ông, các trường đại học hiện nay chưa thực sự làm tốt vai trò giúp sinh viên nhận ra sự khác biệt đó.

Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng nhiều trường đại học đang vận hành như các doanh nghiệp - bán đi những giấc mơ, trong khi người trẻ mua vào kỳ vọng. Nhưng khi bước ra đời thực, nhiều người trong số họ phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt, và những giấc mơ đó nhanh chóng biến thành cơn ác mộng

Dù phần lớn sinh viên mới ra trường đều rất mong muốn tìm được một công việc toàn thời gian, nhiều người bày tỏ sự thất vọng trước thực tế rằng việc làm đúng chuyên môn mong muốn ngày càng trở nên xa vời.

Louise, 24 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ ngành Vi sinh tại Đại học Oxford vào năm 2024, là một trong số đó. Cô đã nộp đơn cho hàng trăm vị trí trước khi tìm được việc. Louise cho biết nỗi sợ lớn nhất của cô là không bao giờ có thể làm việc trong lĩnh vực mà bản thân thực sự mong muốn.

Theo cô, hiện có rất ít công việc dành riêng cho sinh viên mới tốt nghiệp, trong khi nhiều vị trí cấp đầu vào lại thu hút cả những ứng viên đã có kinh nghiệm, khiến các vị trí này mất đi tính chất “đầu vào” như trước đây. Cô cũng chia sẻ rằng nhà tuyển dụng đánh giá cao kỹ năng phục vụ khách hàng mà cô tích lũy được từ công việc trong ngành dịch vụ, hơn là kinh nghiệm nghiên cứu hay bằng cấp khoa học mà cô sở hữu

“Công việc tôi được nhận không sử dụng đến các kỹ năng tôi có. Tôi chỉ muốn được dùng đến tấm bằng của mình", Louise chia sẻ.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tot-nghiep-tien-si-nop-ho-so-700-lan-van-khong-tim-duoc-viec-post1568646.html
Zalo