Tổng Thư ký Quốc hội: Công tác nhân sự được tiến hành thận trọng và thống nhất rất cao
'Công tác nhân sự được tiến hành thận trọng, đúng định hướng của Đảng với quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận, thống nhất rất cao', Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng nêu.
Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/12, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ông Tùng cho biết, sau 29,5 ngày làm việc nghiêm túc, với tinh thần tiếp tục đổi mới, Kỳ họp thứ 8 đã thành công tốt đẹp. Tại phiên khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội.
Theo Tổng Thư ký, tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026; bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Lương Cường.
Quốc hội cũng miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội và cho thôi làm đại biểu đối với ông Bùi Văn Cường; bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Tổng Thư ký Quốc hội đối với ông Lê Quang Tùng.
Cùng với đó, Quốc hội cũng phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm Bộ trưởng Tài chính đối với ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thắng; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Tài chính với ông Nguyễn Văn Thắng, bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trần Hồng Minh.
Ngoài ra, Quốc hội cũng đã phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đối với ông Nguyễn Quốc Đoàn và ông Lê Tiến.
“Công tác nhân sự được tiến hành thận trọng, đúng định hướng của Đảng với quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận, thống nhất rất cao.
Lễ tuyên thệ, nhậm chức của Chủ tịch nước được tổ chức trang trọng, truyền hình phát thanh trực tiếp, nhận được sự đồng thuận rất cao của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân”, ông Tùng cho hay.
Cũng theo ông Lê Quang Tùng, với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, Quốc hội quyết định nhiều nội dung quan trọng như: Tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; đồng ý chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Quốc hội cũng đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo đề nghị của Chính phủ; thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Về công tác giám sát, tại kỳ họp, Quốc hội đã dành 2 ngày chất vấn Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn. Nội dung chất vấn thiết thực, có tính thời sự, sát thực tiễn đời sống, “đúng” và “trúng” vấn đề được quan tâm.
Kỳ họp thứ 9 khai mạc ngày 20/5
Về Kỳ họp thứ 9, do số lượng nội dung rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp nên Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức theo 2 đợt họp để có thời gian cho các cơ quan tiếp thu, giải trình ý kiến. Dự kiến, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ làm việc trong 26 ngày.
Trên cơ sở đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất: Kỳ họp thứ 9 sẽ khai mạc ngày 20/5, bế mạc ngày 2/7, hoặc ngày 28/6/2025 (theo phương án này sẽ làm việc một số ngày cuối tuần).
Nêu ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị tăng thời gian thảo luận ở tổ, giảm đọc báo cáo, giảm số lượng thành viên chất vấn. Qua đó, chỉ nên duy trì chất vấn 3 thành viên như kỳ 8, thay vì 4 thành viên Chính phủ như trước đây.
Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng, sự phối hợp giữa các cơ quan rất chủ động, kịp thời, nhất là đối với những vấn đề mới phát sinh.
Theo ông Sơn, ngay sau khi Quốc hội bế mạc, Thủ tướng đã phân công các thành viên Chính phủ, triển khai ngay các nghị quyết và các văn bản liên quan. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng phân công nhiệm vụ cụ thể, chuẩn bị các tài liệu trình Quốc hội theo đúng tinh thần “chuẩn bị từ sớm, từ xa”. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang chuẩn bị sửa đổi các luật liên quan để trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường vào tháng 2/2025.
Cũng tại phiên họp, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị bổ sung nội dung thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia vào chương trình Kỳ họp thứ 9, vì vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, Kỳ họp 8 dù có nhiều nội dung phức tạp, khó khăn, song với sự phối hợp, trao đổi từ sớm từ xa giữa Chính phủ với Quốc hội, đã xử lý kịp thời các phát sinh, vướng mắc, tháo gỡ được những điểm nghẽn để phát triển.
Đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội, công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, đúng quy trình. Các dự án lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, điện hạt nhân Ninh Thuận.., được Quốc hội thông qua đều là những “quyết định mang tính lịch sử”.
Về thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội "chốt" sẽ tiến hành phiên khai mạc vào ngày 20/5 và kết thúc kỳ họp vào ngày 30/6/2025.