Tổng thống Trump phàn nàn vì Nhật Bản thiếu gạo mà không mua của Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/6 dọa áp thuế quan cao hơn lên hàng hóa Nhật Bản xuất khẩu sang Mỹ vì cho rằng nước này không chịu mua thêm gạo Mỹ...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nhật Bản Shinjiro Koizumi phát biểu trước báo giới khi khảo sát kho gạo ở Nagakawa ngày 30/6/2025 - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/6 dọa áp thuế quan cao hơn lên hàng hóa Nhật Bản xuất khẩu sang Mỹ vì cho rằng nước này không chịu mua thêm gạo Mỹ.
“Họ không mua gạo của chúng ta trong khi họ đang rất thiếu gạo. Nói cách khác, chúng ta sẽ gửi một lá thư đến họ, và chúng ta sẽ vui lòng có họ là đối tác thương mại trong nhiều năm tới”, ông Trump viết trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social.
Trên thực tế, theo số liệu từ Cục Thống kê Mỹ (Census Bureau), Nhật Bản nhập khẩu 298 triệu USD gạo từ Mỹ trong năm ngoái. Trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu gạo Mỹ của Nhật Bản là 114 triệu USD.
Hiện chưa rõ vấn đề nhập khẩu gạo có được bàn tới hay không trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản. Ngày 1/7, chánh thư ký nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nói rằng đàm phán thương mại song phương Nhật - Mỹ vẫn đang diễn ra và Chính phủ Nhật Bản đã hay biết về tuyên bố trên của ông Trump, nhưng từ chối đưa ra bình luận.
“Chúng tôi tránh việc tiết lộ những thông tin cụ thể về cuộc đàm phán thương mại của chúng tôi với Mỹ, nhưng Nhật Bản sẽ tiếp tục theo đuổi một cách mạnh mẽ các cuộc thảo luận chân thành và trung thực nhằm mục đích đạt được một thỏa thuận có lợi cho cả Nhật Bản và Mỹ”, ông Hayashi nói.
Vừa trở về từ vòng đàm phán thương mại Nhật - Mỹ thứ bảy ở Washington, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa, nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Tokyo, khẳng định tại một cuộc họp báo rằng nước này sẽ không hy sinh ngành nông nghiệp để đạt một thỏa thuận với Mỹ. “Tôi đã nhiều lần khẳng định rằng ngành nông nghiệp là nền móng của đất nước. Trong đàm phán với Mỹ, lập trường của chúng tôi không hề thay đổi: chúng tôi sẽ không đàm phán mà hy sinh ngành nông nghiệp”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Akazawa.
Một báo cáo năm 2021 do Văn phòng Đại diện Thương mại (USTR) thời Tổng thống Joe Biden công bố đã viết rằng “hệ thống nhập khẩu và phân phối gạo được quản lý chặt chẽ và thiếu minh bạch của Nhật Bản hạn chế khả năng của các nhà xuất khẩu Mỹ trong việc tiếp cận sâu rộng với người tiêu dùng Nhật Bản”. Một nguồn thạo tin nói với hãng tin CNN rằng đó chính là điều mà ông Trump muốn đề cập trong bài đăng của mình trên Truth.
Ông Trump gần đây đã nói rằng chính quyền của ông có kế hoạch gửi thư cho một số quốc gia để thông báo về mức thuế quan mới mà Mỹ áp lên hàng hóa của mỗi nước tương ứng.
Kế hoạch thuế quan đối ứng gây chấn động được ông Trump công bố hôm 2/4, và sau đó chỉ 1 tuần, ông tuyên bố hoãn áp thuế suất cao hơn của thuế này, dao động từ 11-50%, trong vòng 90 ngày. Theo kế hoạch, vào ngày 9/7, thuế suất cao hơn của thuế đối ứng sẽ có hiệu lực trở lại với các quốc gia chưa đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ. Hiện tại, Mỹ mới đạt được thỏa thuận với Anh và Trung Quốc, và đây mới chỉ là các thỏa thuận khung.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn chương trình Fox News được phát sóng vào ngày Chủ nhật vừa rồi, ông Trump đã nêu tên Nhật Bản là một trong những quốc gia có thể nhận được thư thông báo thuế quan. “Tôi có thể gửi một lá thư tới Nhật, viết là: ‘Nhật Bản thân mến, chuyện là thế này. Các bạn sẽ phải trả thuế quan 25% đối với ô tô các bạn xuất khẩu sang Mỹ’”, ông nói.
Tuy là đồng minh thân cận của Mỹ, Nhật Bản bị Mỹ áp thuế quan đối ứng 24%, hiện đang được giảm còn 10% đến hết ngày 8/7. Ngoài ra, Nhật Bản bị Mỹ đánh thuế ô tô 25% và thuế nhôm, thép 50% tương tự như tất cả các quốc gia khác.
Giám đốc Kevin Hassett của Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng (NEC) ngày 30/6 cho biết Mỹ vẫn đang đàm phán thương mại với Nhật Bản.
“Chưa có gì kết thúc cả. Tôi biết những gì Tổng thống vừa đăng, nhưng sẽ có các cuộc thảo luận diễn ra đến cùng. Ngay cả khi chúng tôi có đạt một thỏa thuận khung, thì vẫn có những nội dung cần phải hoàn tất”, ông Hasset nói.
Về phần mình, Nhật Bản đang ở trong một cuộc khủng hoảng thiếu gạo, với giá gạo ở nước này tăng khoảng gấp đôi trong vòng 1 năm qua. Nhật Bản chưa tới mức cạn gạo, nhưng nước này vẫn chưa phục hồi được hoàn toàn nguồn cung gạo sau khi vụ mất mùa năm 2023 xảy ra đúng vào lúc kết thúc thời kỳ giảm phát kéo dài và các nhà bán lẻ trong nước sẵn sàng hơn với việc tăng giá gạo.
Chính phủ của Thủ tướng Shigeru Ishiba - vốn đã đối mặt với sự không hài lòng của cử tri sau khi giá gạo trong nước tăng gần gấp đôi trong năm 2024 - đang đứng trước một cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7/2025 mà giới phân tích dự báo là kết quả sẽ phụ thuộc không nhỏ vào quan điểm của công chúng về lạm phát và giá gạo.
Dù kim ngạch nhập khẩu gạo Mỹ của Nhật Bản còn thấp, nước này đã nhập khối lượng gạo Mỹ nhiều lịch sử trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, Nhật Bản hạn chế lượng gạo nhập khẩu phi thuế quan ở mức 100.000 tấn/năm và áp mức thuế 341 yên (2,37 USD)/kg gạo vượt quá mức đó. Lượng nhập như vậy chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ trong tổng nhu cầu tiêu thụ gạo của Nhật Bản là khoảng 7 triệu tấn/năm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nhật Bản Shinjiro Koizumi xem việc nhập khẩu nhiều gạo từ nước ngoài là một mối đe dọa đối với an ninh lương thực của Nhật Bản, nhưng Chính phủ nước này đã cho tổ chức sớm một cuộc đấu thầu nhập khẩu gạo vốn thường được tổ chức vào tháng 9 hàng năm. Đây là đợt đấu thầu cho 30.000 tấn gạo nhập khẩu miễn thuế đầu tiên trong năm nay như một phần trong nỗ lực hạ giá gạo trong nước.
Kết quả của cuộc đấu thầu đó - được tổ chức vào ngày 27/6 - cho thấy đã có các hồ sơ đăng ký với khối lượng tổng cộng 81.853 tấn gạo, tức là gần gấp ba lần số lượng được mời thầu. Trong đó, có 25.541 tấn gạo từ Mỹ, tiếp theo là 1.500 tấn từ Australia, và 708 tấn từ Thái Lan.
Lượng gạo nhập khẩu vào Nhật Bản phải chịu thuế quan cũng đã tăng mạnh. Chỉ riêng trong tháng 5, các công ty tư nhân của nước này đã nhập khẩu khoảng 10.600 tấn gạo, trong đó khoảng 3/4 là gạo Mỹ, theo dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật.