Tổng thống Trump công bố thỏa thuận thương mại với Nhật Bản
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố khuôn khổ thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, trong đó áp mức thuế 15% đối với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia này.

“Thỏa thuận này sẽ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm - chưa từng có điều gì giống như vậy”, ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social, đồng thời khẳng định Mỹ “sẽ luôn duy trì mối quan hệ tuyệt vời với Nhật Bản”.
Tổng thống cho biết Nhật Bản sẽ đầu tư 550 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ và “mở cửa” thị trường cho xe hơi và gạo Mỹ. Mức thuế 15% áp lên hàng Nhật Bản là một mức giảm đáng kể so với mức 25% mà ông Trump từng cảnh báo trong thư gửi Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8.
Tuy nhiên, bài đăng của ông vẫn thiếu nhiều chi tiết quan trọng, chẳng hạn như liệu xe hơi sản xuất tại Nhật có tiếp tục bị áp thuế 25% như hiện nay hay không?
Bên cạnh đó, mặc dù chính quyền của ông cho rằng nguồn thu từ thuế nhập khẩu sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách và khiến nhiều nhà máy dịch chuyển về Mỹ để tránh thuế, qua đó thu hẹp mất cân đối thương mại.
Nhưng theo các nhà kinh tế, làn sóng áp thuế mới tiếp tục tạo ra bất định về khả năng các doanh nghiệp sẽ chuyển chi phí sang người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ. Điều này trở nên rõ rệt hôm thứ Ba khi General Motors báo lãi ròng quý II giảm 35%, đồng thời cảnh báo tác động tiêu cực từ thuế quan lên hoạt động kinh doanh trong các tháng tới, khiến giá cổ phiếu lao dốc.
Khi hạn chót 1/8 cho các mức thuế mới đang đến gần, Tổng thống Trump cũng công bố khuôn khổ thương mại với Philippines, theo đó áp mức thuế 19% với hàng hóa từ quốc gia này, trong khi hàng hóa Mỹ xuất sang Philippines sẽ không bị đánh thuế. Ông cũng tái khẳng định mức thuế 19% đối với hàng nhập từ Indonesia.
Theo số liệu của Cục Thống kê Mỹ, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Nhật Bản năm ngoái là 69,4 tỷ USD; với Indonesia là 17,9 tỷ USD và với Philippines là 4,9 tỷ USD.
Tổng thống Trump dự kiến sẽ thực hiện loạt thuế quan mới được liệt kê trong thư gửi các lãnh đạo thế giới vào ngày 1/8 tới, làm dấy lên câu hỏi liệu có thể đạt đột phá nào trong đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) hay không. Tối hôm thứ Ba, ông Trump cho biết phía EU sẽ có mặt tại Washington vào ngày hôm sau để tiến hành các cuộc đàm phán thương mại.
“Ngày mai, ngày kia, châu Âu sẽ đến”, ông nói.
Trước đó trong tháng, ông Trump đã gửi thư tới 27 quốc gia thành viên EU về mức thuế 30% sẽ có hiệu lực từ 1/8.
Chính quyền của ông Trump cũng đang trong giai đoạn đàm phán riêng với Trung Quốc, dự kiến kéo dài đến ngày 12/8, khi hàng hóa từ Trung Quốc đang bị đánh thêm thuế suất cơ bản 30%.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết ông sẽ có mặt tại Stockholm (Thụy Điển) vào đầu tuần tới để gặp gỡ các đối tác Trung Quốc. Ông cho biết mục tiêu là định hướng nền kinh tế Mỹ theo hướng sản xuất nhiều hơn, đồng thời khuyến khích Trung Quốc tiêu dùng nhiều hơn.
“Tổng thống Trump đang tái cấu trúc Mỹ thành một nền kinh tế sản xuất”, ông Bessent phát biểu trên chương trình “Mornings with Maria” của Fox Business.
“Nếu chúng ta làm được điều đó cùng nhau - Mỹ sản xuất nhiều hơn, Trung Quốc tiêu dùng nhiều hơn - đó sẽ là cú hích lớn cho kinh tế toàn cầu”, ông nói thêm.