Tổng thống đắc cử Trump muốn hồi sinh đường ống gây tranh cãi từ Hoa Kỳ đến Canada
Theo báo cáo từ Politico, Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump muốn khởi động lại dự án đường ống Keystone XL, hiện đã ngừng hoạt động từ Canada đến Hoa Kỳ.
Đường ống gây tranh cãi này, vốn sẽ vận chuyển hơn 800.000 thùng dầu thô cát Alberta mỗi ngày đến Nebraska. Đường ống này lần đầu tiên bị Tổng thống Barack Obama bác bỏ vào năm 2015, sau đó Tổng thống Trump đã đảo ngược động thái đó vào năm 2017 trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden lại thu hồi sự chấp thuận của ông Trump vào năm 2021.
Ngay sau khi ông Biden từ chối, công ty phát triển đường ống Keystone XL - TC Energy đã tuyên bố sẽ không tiếp tục theo đuổi dự án này nữa.
Tờ Politico đưa tin công ty Canada này không còn sở hữu hệ thống đường ống này nữa, do đó một nhà phát triển mới sẽ phải mua lại đất để xây dựng tuyến đường ống.
Khi được tờ Upstream liên hệ để xin bình luận, TC Energy đã chuyển câu hỏi cho South Bow - công ty được thành lập vào ngày 1 tháng 10 khi TC Energy tách mảng kinh doanh đường ống dẫn chất lỏng của mình.
Trong một tuyên bố, South Bow bình luận: "South Bow ủng hộ những nỗ lực vận chuyển nhiều dầu thô của Canada hơn để đáp ứng nhu cầu của Hoa Kỳ. Chiến lược dài hạn của South Bow là phát triển doanh nghiệp của chúng tôi một cách an toàn và hiệu quả."
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), sản lượng dầu của Hoa Kỳ cũng tăng vọt từ khoảng 9 triệu thùng/ngày khi ông Trump mới nhậm chức lên hơn 13 triệu thùng/ngày vào năm 2024.
Đường ống Keystone XL dự kiến sẽ dài gần 1.200 dặm (1.900km) từ tỉnh Alberta của Canada xuống Nebraska và nối với đường ống Keystone hiện có.
Các nhà bảo vệ môi trường và nhóm người Mỹ bản địa đã đấu tranh chống lại dự án này trong hơn một thập kỷ. Ủy ban Năng lượng Quốc gia Canada đã phê duyệt đường ống vào tháng 3 năm 2010. Nhưng Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đã khuyên ông Barack Obama không nên phê duyệt đường ống. Ông Obama cho biết dự án sẽ không giúp giá xăng thấp hơn, không tạo ra việc làm lâu dài, và cũng không làm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng.
Canada hiện đã vận chuyển 550.000 thùng dầu mỗi ngày đến Hoa Kỳ thông qua đường ống Keystone hiện có. Các mỏ dầu ở Alberta nằm trong đất liền và khi chúng được phát triển hơn nữa, cần có phương tiện tiếp cận thị trường quốc tế. Nhiều nhà máy lọc dầu của Bắc Mỹ có trụ sở tại Bờ Vịnh, và các nhóm ngành công nghiệp ở cả hai bên biên giới đều muốn hưởng lợi.
Nguồn cung dầu tăng từ Canada có nghĩa là giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Đông. Theo nguyên tắc thị trường, nguồn cung dầu tăng có nghĩa là giá thấp hơn cho người tiêu dùng.
Ông Trump cho biết dự án này sẽ tạo ra 28.000 việc làm trong lĩnh vực xây dựng.