Tổng thống đắc cử Trump cân nhắc đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang cân nhắc khả năng tiến hành các cuộc đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với hy vọng các nỗ lực ngoại giao có thể làm giảm nguy cơ xung đột.

Tái khởi động nỗ lực ngoại giao

Theo hãng tin Reuters, một vài nhân vật trong nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump coi cách tiếp cận trực tiếp giữa hai bên là cách khả dĩ nhất để “phá băng” mối quan hệ với ông Kim Jong-un sau những nỗ lực trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của ông Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore năm 2018 (Ảnh: Getty Images).

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore năm 2018 (Ảnh: Getty Images).

Các nguồn tin thân cận cho hay, quá trình thảo luận về chính sách trong nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump diễn ra rất suôn sẻ dù Tổng thống đắc cử chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Hiện vẫn chưa rõ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ phản ứng như thế nào nếu được ông Trump mời đối thoại trực tiếp.

Vì trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống của ông Joe Biden, Triều Tiên đã phớt lờ đề xuất khởi động các cuộc đàm phán từ phía Mỹ và xích lại gần hơn với Nga.

“Chúng tôi đã tiến gần đến mức có thể đàm phán với Mỹ”, ông Kim Jong-un tuyên bố tại triển lãm quân sự diễn ra ở thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên tuần trước.

Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên từ năm 2017-2021, ông Trump đã tiến hành 3 cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore, Hà Nội và khu vực biên giới liên Triều, đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ có mặt tại đây.

Song nỗ lực ngoại giao của Mỹ và Triều Tiên đã không đạt được kết quả cụ thể dù ông Trump từng mô tả các cuộc đối thoại của hai bên là rất thân thiện.

Trong khi phía Mỹ kêu gọi Triều Tiên dừng phát triển vũ khí hạt nhân thì ông Kim Jong-un lại đòi Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt.

Dù vậy, ông Trump và một vài đồng minh rời Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu với ấn tượng rằng biện pháp tiếp cận trực tiếp là cách tốt nhất để Washington có thể gây ảnh hưởng đến hành động của phía Triều Tiên tại khu phi quân sự chia tách 2 miền Triều Tiên hàng chục năm qua.

Vẫn còn nhiều trở ngại phía trước

Trong nỗ lực ngoại giao mới khi lên nắm quyền, Tổng thống đắc cử Trump có thể đặt mục tiêu tái khởi động những cam kết giữa hai bên ở mức cơ bản song chưa đưa ra một lộ trình cụ thể, một nguồn tin cho hay.

Bởi, vấn đề Triều Tiên có thể bị gạt xuống thứ yếu bất kỳ lúc nào trước sức ép về mặt ngoại giao cần được ưu tiên hơn vào thời điểm này như các cuộc xung đột ở Trung Đông và Ukraine.

Chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên là một trong những rào cản lớn trong quan hệ Mỹ - Triều (Ảnh: KCNA).

Chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên là một trong những rào cản lớn trong quan hệ Mỹ - Triều (Ảnh: KCNA).

Cuối tuần trước, ông Trump đã đề cử ông Alex Wong, một trong những nhân vật thực thi đề xuất tiếp cận trực tiếp với Triều Tiên trong nhiệm kỳ đầu làm Tổng thống của ông, làm Phó Cố vấn An ninh Quốc gia.

Song, trong nhiệm kỳ thứ 2 tại Nhà Trắng, ông Trump có thể phải đối mặt với những căng thẳng ngày một gia tăng trong vấn đề Triều Tiên so với nhiệm kỳ đầu. Các đồng minh của ông Trump mong đợi Tổng thống đắc cử có thể sẵn sàng tiếp cận trực diện.

“Kinh nghiệm của tôi với ông Trump là ông ấy nhiều khả năng sẽ cởi mở hơn trong việc tiếp cận trực tiếp. Tôi lạc quan rằng, chúng ta có thể chứng kiến hai bên cải thiện quan hệ, nối lại đối thoại qua đó ông Kim Jong-un có thể chấp thuận khác biệt về quan điểm”, Thượng nghị sĩ Bill Hagerty chia sẻ.

Dù vậy, Washington có nhiều mối lo ngại liên quan đến việc Triều Tiên mở rộng chương trình hạt nhân và tên lửa, tăng cường giọng điệu thù địch với Hàn Quốc và hợp tác chặt chẽ hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Giới chức Mỹ lo ngại, những yếu tố trên có thể làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột giữa các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tại châu Âu và châu Á, bao gồm cả Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hiện binh sĩ Mỹ đang được triển khai tại khu vực nhằm răn đe Triều Tiên. Tổng thống đắc cử Trump đã nhiều lần yêu cầu các đồng minh của Mỹ chia sẻ thêm chi phí cho việc triển khai binh sĩ Mỹ nói trên.

Mới đây nhất, trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Peru tháng 11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị Trung Quốc sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để tác động lên Triều Tiên.

Song cơ hội hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc có thể bị hạn chế trong bối cảnh ông Trump đe dọa áp thuế cao đối với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.

Hơn thế nữa, nhiều nhân vật trong Nội các mới do ông Trump lựa chọn như Ngoại trưởng Marco Rubio và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz đều là những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tong-thong-dac-cu-trump-can-nhac-doi-thoai-truc-tiep-voi-lanh-dao-trieu-tien-kim-jong-un-192241127072052897.htm
Zalo