Tổng Giám đốc WHO lạc quan về hiệp định toàn cầu ứng phó đại dịch tương lai
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lạc quan rằng một hiệp định toàn cầu về ứng phó đại dịch đã ở ngay 'trong tầm mắt'.
Ngày 2-12, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus lạc quan rằng một thỏa thuận toàn cầu về ứng phó trước các đại dịch tiềm tàng trong tương lai đã nằm trong tầm tay, hãng tin AFP cho hay.
Ông Tedros đưa ra phát ngôn trên trong cuộc họp tại trụ sở WHO ở Geneva (Thụy Sĩ) khi các quốc gia bắt đầu tuần họp mới cho vòng đàm phán thứ 12 về hiệp định toàn cầu về ứng phó đại dịch.
“Các bạn nên tự hào về những gì đã đạt được trong 3 năm qua và các bạn cũng nên tự tin rằng đoạn kết [của quá trình đàm phán] đã ở trong tầm mắt. Nó gần hơn so với những gì các bạn nghĩ” – ông Tedros nói với các nhà đàm phán.
Ông Tedros cho biết các nước thành viên đã thống nhất về các vấn đề lớn sẽ được quy định trong hiệp định toàn cầu về ứng phó đại dịch, song một số chi tiết cụ thể vẫn còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, ông lạc quan rằng các bất đồng còn tồn đọng trong 3 năm qua có thể được giải quyết trước khi thế giới bước sang năm 2025.
Trong ngày 2-12, các nhà đàm phán tập trung vào các vấn đề nghiên cứu và phát triển, tài chính bền vững, chuyển giao công nghệ và bí quyết sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe liên quan công tác phòng ngừa và ứng phó các đại dịch tiềm tàng trong tương lai.
Dự kiến, ngày 6-12, các nhà đàm phán sẽ đánh giá và quyết định liệu họ có đủ thống nhất về nội dung thỏa thuận để triệu tập phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng Y tế thế giới bàn về việc thông qua một hiệp định sau cùng hay chưa.
Hai đồng Chủ tịch cuộc đàm phán là bà Precious Matsoso và bà Anne-Claire Amprou đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tuần họp bổ sung này. Bà Matsoso hy vọng “hầu hết các vấn đề” sẽ được giải quyết trong tuần này, trong khi bà Amprou kêu gọi các nhà đàm phán làm việc linh hoạt, thực tế và hướng tới các giải pháp thực tiễn.
Ông Tedros nhấn mạnh rằng hiệp định sau cùng phải là một thỏa thuận cân bằng, với quy định về các biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ, duy trì liên tục trạng thái sẵn sàng ứng phó trước các đại dịch và ứng phó một cách mạnh mẽ, kiên cường và công bằng.