Tối ưu hóa nguồn lực, hình thành mô hình phát triển cân bằng, đa ngành
Việc hợp nhất tỉnh Long An và Tây Ninh để hình thành tỉnh Tây Ninh như hiện nay không chỉ là một quyết định hành chính mà còn là dấu mốc lịch sử, khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước.

Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Văn Quyết. Ảnh: Bùi Giang/TTXVN
Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Văn Quyết khẳng định, đây là kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, thể hiện quyết tâm xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Đặc biệt hơn, quyết định này nhận được sự đồng thuận cao của người dân (hơn 99,5% nhân dân Tây Ninh và 98% nhân dân Long An tán thành). Điều này cho thấy, đây thực sự là quyết sách hợp lòng dân, mở ra tương lai thịnh vượng cho vùng đất này.
Tiềm năng vượt trội và sức mạnh cộng hưởng
Với diện tích hơn 8.500km2 và dân số trên 3,25 triệu người, Tây Ninh đã trở thành một trong những địa phương lớn nhất khu vực phía Nam. Vị trí địa lý chiến lược với hơn 375km đường biên giới giáp Campuchia đến cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Điều này tạo ra lợi thế vượt trội cho phát triển kinh tế biên mậu, thương mại và dịch vụ.
Việc hợp nhất Long An và Tây Ninh là sự hợp lực của hai nền kinh tế năng động, tạo nên điểm tựa vững chắc cho tỉnh Tây Ninh vươn mình trong kỷ nguyên mới. Tây Ninh hiện sở hữu nền kinh tế quy mô đáng kể với tổng GRDP kết hợp năm 2024 đạt hơn 312.000 tỷ đồng. Sức mạnh này đến từ sự bổ trợ hoàn hảo. Cụ thể: Long An trước đây nổi trội về công nghiệp và logistics, thu hút FDI mạnh mẽ; còn Tây Ninh lại ghi dấu ấn với nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biên mậu sôi động qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và du lịch tâm linh, sinh thái độc đáo. Sự hợp nhất này giúp tối ưu hóa nguồn lực, hình thành mô hình phát triển cân bằng, đa ngành.
Tây Ninh hiện nay sở hữu nền tảng công nghiệp vững chắc, hệ thống khu, cụm công nghiệp phát triển rộng khắp với 46 khu công nghiệp và 69 cụm công nghiệp. Từ các khu công nghiệp quy mô lớn như: Phước Đông, Thành Thành Công, Trảng Bàng ở phía Bắc đến Long Hậu, Phú An Thạnh, Tân Đức, Hải Sơn… ở phía Nam. Sự kết hợp này tạo nên một hệ thống thu hút mạnh mẽ đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu… với tổng vốn đầu tư FDI kết hợp vượt mức 23 tỷ USD.
Cùng với đó, hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ chính là đòn bẩy mạnh mẽ để Tây Ninh vươn mình bứt phá. Tỉnh được thừa hưởng mạng lưới giao thông hoàn chỉnh với các trục quốc lộ huyết mạch như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 22 (trục Xuyên Á), Quốc lộ 62, Quốc lộ 50, Quốc lộ N2. Đặc biệt, các dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Bến Lức - Long Thành, Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài cùng Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang hình thành sẽ tạo nên mạng lưới kết nối liên vùng, liên tỉnh thông suốt, thúc đẩy giao thương và thu hút đầu tư. Mặt khác, giao thông đường thủy cũng là lợi thế lớn với hệ thống sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây cùng mạng lưới kênh, rạch chằng chịt và Cảng quốc tế Long An trên sông Soài Rạp (có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn) đang vươn mình trở thành cửa ngõ giao thương đường biển quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ logistics và xuất nhập khẩu.
Tỉnh được thừa hưởng những tài nguyên vô giá. Phía Bắc có Núi Bà Đen được ví như "nóc nhà Nam Bộ" và hồ Dầu Tiếng mênh mông - không chỉ là nguồn nước chiến lược mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn. Trong khi đó, phía Nam thừa hưởng đặc trưng của vùng châu thổ Cửu Long hiền hòa với những cánh đồng lúa bạt ngàn, mạng lưới sông ngòi chằng chịt kết hợp với Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen - khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam càng làm tăng thêm giá trị đa dạng sinh học của tỉnh. Sự hòa quyện giữa núi non, sông nước, rừng tràm và đồng bằng tạo nên bức tranh cảnh quan phong phú, mở ra tiềm năng lớn cho du lịch sinh thái, khám phá, nông nghiệp công nghệ cao.
Khơi thông nguồn lực, vươn mình bứt phá
Thực hiện chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tỉnh Tây Ninh hiện nay đã mở ra một dấu mốc lịch sử đánh dấu sự hợp lực của hai địa phương để cùng bứt phá.
Anh Võ Anh Phong (người dân phường Long An, tỉnh Tây Ninh) tin tưởng: "Việc hình thành tỉnh Tây Ninh song song với vận hành hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp là bước đi đúng đắn, phù hợp với yêu cầu đổi mới, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Từ đó, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh bứt phá vươn lên mạnh mẽ".
Theo Giám đốc Sở Tài chính Tây Ninh Trương Văn Liếp, tỉnh sẽ tận dụng sức mạnh tổng hợp về kinh tế - xã hội của Long An trước đây mạnh về công nghiệp - dịch vụ và Tây Ninh mạnh về nông nghiệp, du lịch. Việc hợp nhất giúp tận dụng điểm mạnh, bổ trợ lẫn nhau, tạo ra một mô hình phát triển cân bằng, đa ngành; đồng thời tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí hành chính và nâng cao hiệu lực quản lý.
Các ngành chuyên môn sẽ nghiên cứu, tham mưu xây dựng chiến lược phát triển kinh tế vùng hợp nhất, định hướng Tây Ninh trở thành trung tâm công nghiệp - đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, địa phương phát triển du lịch - nông nghiệp công nghệ cao - năng lượng tái tạo. Tỉnh sẽ định hướng quy hoạch tổng thể mới, chú trọng giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh, quy hoạch đô thị và các trung tâm kinh tế, logistics.
Tây Ninh sẽ xây dựng cơ chế thu hút đầu tư, kết hợp lợi thế của hai địa phương cũ; phát triển các khu kinh tế cửa khẩu và các khu công nghiệp tập trung hiện đại để thu hút đầu tư FDI. Địa phương tăng cường kết nối hạ tầng và logistics, đầu tư mở rộng, hoàn thiện các tuyến giao thông huyết mạch; hình thành trung tâm logistics liên vùng, đặc biệt các khu vực giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh và cửa khẩu Mộc Bài. Tỉnh tiếp tục tập trung củng cố hệ thống hành chính - dịch vụ công hiện đại, xây dựng chính quyền số thống nhất, tích hợp dữ liệu hai tỉnh cũ, triển khai các trung tâm hành chính công hiệu quả, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Văn Quyết, việc hợp nhất hai tỉnh tạo điều kiện để phát huy tối ưu nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của cả hai vùng đất với nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa và khát vọng phát triển. Đây là cơ hội để hình thành một Tây Ninh với diện mạo hành chính, tổ chức và cơ cấu mới, hội đủ 3 yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", đáp ứng kỳ vọng lớn lao trở thành cực tăng trưởng quan trọng của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; "điểm sáng" về phát triển công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, du lịch; cửa ngõ thương mại quốc tế của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Tỉnh giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của lưu vực hai dòng sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Các cơ quan, đơn vị cùng chia sẻ, khắc phục khó khăn trước mắt, đoàn kết, đồng lòng, nhanh chóng ổn định để thực hiện ngay công việc theo chức năng nhiệm vụ, đảm bảo thực hiện toàn diện nhiệm vụ chính trị, không để gián đoạn công việc. Các cơ quan, đơn vị ưu tiên nhiệm vụ trực tiếp phục vụ người dân, giải quyết kịp thời vấn đề phát sinh và duy trì liên tục việc cung cấp dịch vụ công thiết yếu.
Cơ quan, đơn vị chuẩn bị tốt nội dung, điều kiện cần thiết để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2025 - 2030, Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; chú trọng bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.