Tôi săn được cực quang đạt đỉnh 20 năm ở Na Uy

Dù từng ngắm cực quang tại Na Uy, tôi vẫn 'nghẹt thở' trước màn trình diễn ánh sáng của thiên nhiên, thật sự ấn tượng và mãn nhãn.

 Đam mê check-in với bầu trời, tôi săn cực quang ở Na Uy 2 lần, sắp tới là Iceland và quần đảo Lofoten.

Đam mê check-in với bầu trời, tôi săn cực quang ở Na Uy 2 lần, sắp tới là Iceland và quần đảo Lofoten.

Tôi là Bùi Xuân Việt (34 tuổi, sống tại Đồng Nai) - một nhiếp ảnh gia thuộc về bầu trời. Cách đây 6 năm, tôi bắt đầu cầm máy, ghi lại phong cảnh và hiện tượng thiên nhiên, những bức ảnh của tôi xoay quanh dải ngân hà và cực quang.

Năm 2023, tôi săn thành công cực quang tại Na Uy. Nghe tin Mặt Trời bắt đầu vào vùng tối và hoạt động bức xạ đạt đỉnh 20 năm từ năm 2024-2025, tôi quay lại miền Bắc của Na Uy để thử vận may. Kết quả, sau nhiều đêm lái xe, luồng ánh sáng đầy màu sắc hiện ra trước mắt.

Chuyến săn cực quang của tôi kéo dài 10 ngày, tính tổng thời gian di chuyển từ Việt Nam đến khi kết thúc hành trình với chi phí khoảng 150 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn dành thời gian thăm thú cảnh đẹp ở Na Uy.

Chết lặng với dải ánh sáng cực đại

"Iceland - thánh địa ánh sáng" - đây là suy nghĩ của nhiều người mỗi khi nhắc đến các quốc gia nổi tiếng về cực quang, nhưng tôi không nghĩ vậy. Vĩ độ và cường độ cực quang của Iceland đều thấp hơn Na Uy. Theo khoa học, quốc gia nằm càng gần vùng cực càng có tỷ lệ cực quang cao, đó là lý do tôi chọn Na Uy.

 Sau cơn bão Mặt Trời, dải lụa sáng nhảy múa trên bầu trời, màu xanh xen kẽ màu hồng.

Sau cơn bão Mặt Trời, dải lụa sáng nhảy múa trên bầu trời, màu xanh xen kẽ màu hồng.

Tôi đặt một khách sạn tại thủ đô Oslo, đi siêu thị mua nguyên liệu và mang về phòng nấu vì thức ăn ở Na Uy tương đối đắt đỏ. Nhằm tránh ô nhiễm ánh sáng, tôi thuê ôtô riêng di chuyển ra hỏi khu vực trung tâm.

Cực quang thường xuất hiện ban đêm, thậm chí là gần sáng với vị trí không cố định. Trong tư thế sẵn sàng, khi ứng dụng điện thoại thông báo mức hoạt động mặt trời rất cao (bão Mặt Trời), tôi lao ra ngoài giữa đêm đông lạnh buốt.

Mặc gió to đến nghiêng ngả, tôi vẫn lái xe quãng đường 200-300 km mỗi đêm quanh miền Bắc để tìm nơi có thời tiết đẹp, mây mù không che lấp. Tôi ở ngoài trời đến khi mệt mới trở về khách sạn hoặc ngủ lại trên xe. Sau nhiều đêm rượt đuổi với ánh sáng, tôi săn được cực quang ở đảo Senja - hòn đảo lớn thứ 2 ở Na Uy.

Tôi vỡ òa hạnh phúc khi thấy cực quang chuyển động liên tục trên nền trời đầy sao.

Tôi vỡ òa hạnh phúc khi thấy cực quang chuyển động liên tục trên nền trời đầy sao.

Khi cực quang dần hiện rõ, tim tôi thắt nghẹn và tay chân như tê liệt. Trong những phút đầu luống cuống, tôi không gắn được tripod (chân máy), cũng không tìm ra hướng đặt máy ảnh. Sau vài phút hít thở, tôi lấy lại bình tĩnh, bắt đầu tận hưởng màn trình diễn đầy ấn tượng của thiên nhiên.

Hiện tượng quang học này được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ Mặt Trời, kết hợp với tầng khí quyển của hành tinh. Trên nền trời đen, dải ánh sáng đầy màu sắc nhảy múa theo cường độ gió, phát sáng cả một vùng, biến dãy núi và mặt hồ thành những kì quan thu nhỏ.

Ngày hôm đó, tôi ngắm được cực quang kéo dài 5 tiếng, từ lúc hoàng hôn đến giữa đêm. Khi quay về lại Việt Nam, hình ảnh những dải ánh sáng rực rỡ vẫn in sâu trong tâm trí.

 Cảnh quan siêu thực ở Na Uy cũng làm tôi ấn tượng đến tận bây giờ.

Cảnh quan siêu thực ở Na Uy cũng làm tôi ấn tượng đến tận bây giờ.

Hết bàng hoàng trước cực quang mãn nhãn, tôi lại kinh ngạc khi chứng kiến những đỉnh núi phủ đầy băng tuyết, soi bóng xuống mặt hồ trong như pha lê ở quần đảo Lofoten hay hệ động vật hoang dã phong phú tại đảo Kvaloya - hòn đảo lớn thứ 4 ở Na Uy.

Ấn tượng nhất với tôi là vùng Tromsoy với những ngôi nhà gỗ ven biển. Nơi đây có đường bờ biển dài, một bên là núi, bên kia là vịnh biển xanh. Cuộc sống người dân vẫn giữ được nét truyền thống, nhưng lại đủ sôi động cho du khách trải nghiệm. Với tôi, Na Uy là vùng đất quyến rũ, dù quay lại bao nhiêu lần vẫn còn nhiều điều ẩn giấu để khám phá.

Sáng tác ảnh trong thời tiết -20 độ C

Tôi có niềm đam mê mãnh liệt với thiên nhiên hùng vĩ và đất trời bao la. Trong chuyến đi lần này, tôi bấm máy trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Cuối đông, nhiệt độ Na Uy thay đổi theo từng giờ, từ -20 độ C giảm đột ngột xuống -30 độ C là chuyện bình thường. Mật độ tuyết không dày, nhưng cái buốt từ gió đông đủ cắt da cắt thịt.

 Điều kiện thời tiết khắc nghiệt làm tăng độ khó khi săn ảnh.

Điều kiện thời tiết khắc nghiệt làm tăng độ khó khi săn ảnh.

Ảnh cực quang là thể loại khó, đòi hỏi nhiều kỹ thuật, thậm chí không có thông số cụ thể. Không tĩnh như cảnh vật, cực quang có thể sáng bừng, chuyển động mạnh hoặc đứng yên với cường độ sáng yếu ớt.

Tôi phơi sáng máy ảnh trong khoảng vài giây đến vài phút, mở khẩu độ (lỗ nhỏ trong ống kính để thu ánh sáng) lớn nhất và cài đặt ISO (làm sáng hoặc tối) tự động để linh hoạt ánh sáng theo tốc độ chụp. Trong vòng 15 phút, tôi điều chỉnh thông số gần 20 lần theo sự dịch chuyển của cực quang và độ che phủ của những đám mây.

Lường trước được cái lạnh, tôi che chắn rất kĩ, nhưng tay chân vẫn đông cứng mỗi khi đợt gió to thổi qua, dẫn đến một số bức ảnh bị cháy sáng, nhòe nét do không kiểm soát thông số kịp thời. Nếu không đủ đam mê, có lẽ tôi đã bỏ cuộc giữa chừng.

 Mùa đông ở Na Uy lạnh đến xé toạc da thịt.

Mùa đông ở Na Uy lạnh đến xé toạc da thịt.

Hành trình săn cực quang tại Na Uy không dễ dàng, ngoài sự kiên nhẫn còn có yếu tố may mắn. Đôi khi thời tiết thuận lợi, mức hoạt động mặt trời lý tưởng nhưng vẫn có khả năng hụt.

Du khách nên tìm hiểu kĩ thời tiết và địa điểm, tập thích nghi trước với việc lái xe xuyên đêm, chuẩn bị quần áo dày, miếng dán giữ nhiệt và trùm kín hết mức để chống lại cái lạnh của mùa đông. Chỉ vài phút hở đầu, tai hoặc cổ, du khách có thể nhiễm lạnh, riêng thể trạng yếu sẽ khó thở, đau đầu và nặng hơn là viêm phổi.

Trường hợp đi du lịch bình thường, du khách có thể chụp bằng điện thoại, với điều kiện cực quang có cường độ sáng cao và di chuyển mạnh để camera bắt được. Nếu cực quang yếu, thu vào bức ảnh chỉ là màn đêm đen.

Từ tháng 4 đến tháng 9, ngày ở vùng cực rất dài, thậm chí không có ban đêm nên việc săn cực quang là không thể. Từ tháng 9 đến tháng 3 là thời điểm cực quang hoạt động mạnh mẽ nhất. Năm nay, Mặt Trời vào pha tối của chu kỳ 10 năm một lần, cực quang mạnh đến mức vượt phạm vi địa lý, đứng ở miền Nam nước Pháp vẫn thấy rõ mồn một.

Từ nửa cuối năm nay đến hết năm 2025, tôi dự tính săn cực quang thêm 3 chuyến tại Iceland và tiếp tục quay lại quần đảo Lofoten của Na Uy.

Trúc Hồ (ghi)

Ảnh: Bùi Xuân Việt

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/toi-san-duoc-cuc-quang-dat-dinh-20-nam-o-na-uy-post1482005.html
Zalo