Tốc độ già hóa dân số đứng đầu cả nước, TP.HCM thích ứng ra sao?
TP.HCM là địa phương có tốc độ già hóa dân số đứng đầu Việt Nam với 1,3 triệu người trên 60 tuổi.
Ngày 11-12, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp với Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học Già hóa dân số và chính sách nhằm thích ứng với già hóa dân số tại TP.HCM.
Người cao tuổi sống lâu nhưng không khỏe
ThS Phạm Chánh Trung, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số TP.HCM, cho biết già hóa dân số tại TP.HCM bắt đầu muộn hơn so với cả nước khoảng 6 năm nhưng tốc độ lại diễn ra rất nhanh.
Hiện số lượng người cao tuổi từ 60 trở lên tại TP đang đứng đầu cả nước. Chỉ trong vòng 6 năm (2017-2023), số người cao tuổi tăng thêm gần 200 ngàn người, bình quân mỗi năm tăng gần 30.000 người.
Còn theo số liệu từ cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an, tính đến hết ngày 1-12-2023, số người trên 60 tuổi tại TP là khoảng 1,3 triệu người, chiếm 12,05% tổng dân số TP.
“Sự gia tăng nhanh chóng này cho thấy tốc độ già hóa tại TP.HCM đang vượt qua các dự báo trước đây, đặt ra yêu cầu cấp thiết về chính sách và hạ tầng y tế, xã hội nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống cho nhóm dân số cao tuổi đang ngày càng đông” - ông Trung nhận định.
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Tân, Trưởng bộ môn Lão khoa (Đại học Y dược TP.HCM), chia sẻ tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng nhanh từ 65,5 tuổi vào năm 1993 lên 74,5 tuổi vào năm 2023, vượt qua nhiều quốc gia có thu nhập bình quân đầu người tương tự.
Năm 2023, tuổi thọ bình quân của người dân TP.HCM là 76,46 tuổi, cao hơn so với cả nước là 74,50 tuổi.
"Việc gia tăng tuổi thọ đặt ra những thách thức mới về chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội cho người cao tuổi. Dù tuổi thọ trung bình đang ngày càng được kéo dài, song một phần lớn thời gian sống thêm lại rơi vào tình trạng sức khỏe kém, hay còn gọi là sống lâu nhưng không khỏe” - bác sĩ Tân nói.
Theo đó, khi gia tăng tỉ lệ người cao tuổi gặp các vấn đề sức khỏe kém sẽ kéo theo gánh nặng của các bệnh mạn tính và thời gian bệnh kéo dài. Quá trình lão hóa cũng dẫn đến nhiều thay đổi sinh học làm gia tăng nguy cơ tử vong, các giới hạn về chức năng và giảm chất lượng cuộc sống.
Theo số liệu từ Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam (VNCA) năm 2007, tình trạng sức khỏe của người cao tuổi nước ta giảm sút rõ rệt theo độ tuổi. Cạnh đó, tỉ lệ người có sức khỏe yếu và rất yếu tăng nhanh. Người cao tuổi trung bình phải chịu đựng 14 năm bệnh tật, mắc 3-6 bệnh nền như xương khớp, tim mạch, tiểu đường, huyết áp...
Cần nhiều chính sách chăm sóc người cao tuổi
Theo bác sĩ Tân, ngành y tế đang đối mặt với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh già hóa dân số nhanh chóng. Mô hình bệnh tật đã chuyển dịch từ các bệnh nhiễm trùng sang bệnh không lây nhiễm mạn tính như tim mạch, đái tháo đường và các rối loạn tâm thần...
Những bệnh lý này không chỉ gây suy giảm chức năng mà còn làm tăng nguy cơ tàn tật, điển hình như mất thị lực, mất thính lực và đau mạn tính. Từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của người cao tuổi.
Cùng với đó, chi phí chăm sóc sức khỏe cho nhóm dân số này cao gấp 7-8 lần so với trẻ em, tạo ra gánh nặng tài chính đáng kể, đặc biệt ở các gia đình có ít thành viên hoặc sống ở vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, nhận thức về chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi vẫn còn thấp, nhiều người không biết cách phòng ngừa các bệnh phổ biến như tăng huyết áp, thoái hóa khớp...
“Mạng lưới y tế cơ sở yếu, thiếu thuốc, trang thiết bị và phân phối không đồng đều cũng làm gia tăng khoảng cách trong tiếp cận dịch vụ y tế, đặc biệt ở các khu vực nông thôn và miền núi” - bác sĩ Tân nhận định.
Để ứng phó với thách thức mà già hóa dân số đặt ra, bác sĩ Tân cho rằng cần xây dựng các gói dịch vụ chăm sóc dài hạn bao gồm chăm sóc y tế, chăm sóc xã hội và hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày cho người cao tuổi, tăng cường hợp tác công tư trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi.
Đặc biệt, cần phát triển các dịch vụ hỗ trợ cho người cao tuổi sống một mình hoặc chỉ sống với vợ/chồng, giúp họ duy trì cuộc sống độc lập và chất lượng. Phát triển các dịch vụ chăm sóc tại nhà và các mô hình tích hợp dịch vụ chăm sóc sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của người cao tuổi trong cộng đồng.
Các chính sách y tế cần tập trung vào cải thiện chất lượng BHYT, hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các gia đình khó khăn, đồng thời đầu tư vào hệ thống y tế cơ sở ở khu vực nông thôn. Tăng cường giáo dục sức khỏe để người cao tuổi chủ động phòng ngừa bệnh tật, giảm thiểu chi phí điều trị và nâng cao chất lượng sống.
Làm gì để đảm bảo an sinh cho người cao tuổi?
Để đảm bảo an sinh cho người cao tuổi, cần xây dựng chính sách, cơ chế khuyến khích hỗ trợ họ tham gia vào hoạt động kinh tế, đặc biệt là những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
Tiếp đó là cải cách hệ thống hưu trí, đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm, đặc biệt chú trọng đến các loại hình bảo hiểm tự nguyện. Mở rộng hệ thống trợ cấp xã hội, chú trọng đến nhóm người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực tham gia chăm sóc người cao tuổi vì thị trường này đang vô cùng khan hiếm nhân lực trong khi đó nhu cầu trong nước và thị trường xuất khẩu lao động là rất lớn.
Song song đó, phải chú trọng phát triển hệ thống nhà dưỡng lão, đa dạng hóa các mô hình nhà dưỡng lão theo nhiều phân khúc.
ThS PHẠM CHÁNH TRUNG, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số TP.HCM