Toan tính bất thành của gã đàn ông xóm núi
Những tưởng mọi việc đã được tính toán, chuẩn bị 'chu đáo' khiến 'ma không biết, quỷ không hay', thế nhưng, việc các đối tượng sinh sống ở khu vực biên giới lợi dụng đêm tối, tổ chức đưa đón người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam đã bị lực lượng nghiệp vụ BĐBP tỉnh Lạng Sơn phát hiện, bắt giữ. Đây là bài học cảnh tỉnh cho những đối tượng lười lao động, vì tiền mà bất chấp pháp luật.

Cán bộ BĐBP tỉnh Lạng Sơn phát tờ rơi, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới. Ảnh: Vy Thượng
Thời gian qua, địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Chi Lăng, BĐBP tỉnh Lạng Sơn luôn được đánh giá phức tạp về tình hình an ninh trật tự, trong đó nổi lên là hoạt động tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép. Trước tình hình trên, Đồn Biên phòng Chi Lăng đã tăng cường lực lượng bám nắm địa bàn nhằm phát hiện các đối tượng với những dấu hiệu vi phạm pháp luật để kịp thời ngăn chặn. Đầu tháng 3/2025, Đồn Biên phòng Chi Lăng liên tục nhận được tin báo từ cơ sở cho biết, xuất hiện những “người lạ” ra vào khu vực biên giới với những biểu hiện nghi vấn về việc tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép. Đơn vị đã báo cáo Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (nay là Phòng Nghiệp vụ), BĐBP tỉnh Lạng Sơn, đề nghị tăng cường lực lượng, hỗ trợ nghiệp vụ để điều tra, xác minh, làm rõ. Căn cứ vào tài liệu thu thập được, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn (nay là Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn) đã xác lập Chuyên án SL325 nhằm tổ chức đấu tranh triệt phá, bắt giữ đối tượng phạm tội để xử lý theo quy định của pháp luật, ổn định tình hình địa bàn khu vực biên giới.
Giữa tháng 3/2025, khu vực biên giới xã Tam Gia (tỉnh Lạng Sơn), những “người lạ cũ” lại tiếp tục xuất hiện với tần suất dày hơn. Chiều 16/3, cơ sở mật phát hiện “người đàn ông lạ” đi vào mốc 1250 (thuộc xã Tam Gia), có biểu hiện quan sát đường lên biên giới sang trấn Đồng Miên (Trung Quốc). Sáng hôm sau, vào khoảng lúc 10 giờ, trinh sát lại nhận được thông tin, tiếp tục có “người lạ” khác đi vào khu vực biên giới xã Tam Gia và có biểu hiện quan sát đường vào mốc 1250. Đây chính là hai người đàn ông mà ngày 4/3 nhiều lần ra vào khu vực biên giới quan sát mốc 1248, 1250 và đường lên biên giới. Trên đường tuần tra biên giới, hai người đàn ông này cũng dò hỏi người đi làm nương là có đường sang Trung Quốc không? Khi biết là có thì hỏi, từ Trung Quốc vào Việt Nam có dễ không, từ huyện Ninh Minh (Trung Quốc) đến mốc 1248 khoảng bao xa, lực lượng chức năng có kiểm soát nghiêm ngặt không? Xâu chuỗi các sự việc, Ban Chuyên án nhận định, các đối tượng sẽ sớm đưa người xuất, nhập cảnh qua khu vực mốc 1248 hoặc 1250. Sau khi phân tích, Ban Chuyên án xác định, các đối tượng chuẩn bị đưa dẫn người xuất, nhập cảnh qua khu vực biên giới xã Tam Gia. Các phương án đánh bắt nhanh chóng được đưa ra bàn bạc và tổ chức phân công cho từng tổ, bộ phận.
Vào lúc 23 giờ 30 phút, ngày 19/3, tại tỉnh lộ 237 thuộc xã Tam Gia, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Chi Lăng và Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Bắc (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm BĐBP) mật phục, phát hiện 2 xe mô tô chở theo 4 người đi từ hướng khu vực biên giới vào nội địa. Lực lượng đánh án tổ chức dừng xe, nhưng 2 người đàn ông điều khiển xe không chấp hành. Một chiếc xe thả 2 người ngồi sau rồi tăng ga bỏ chạy. Chiếc xe mô tô mang biển kiểm soát 12Z1-044.49 bị bắt giữ với 3 người trên xe. Tại Đồn Biên phòng Chi Lăng, người đàn ông Việt Nam khai tên là Lường Văn Năm (sinh năm 1998, trú tại thôn Thống Nhất, xã Tam Gia, tỉnh Lạng Sơn).
Bị bắt quả tang nên Lường Văn Năm đã thành thực khai báo hành vi vi phạm của mình. Theo đó, vào 17 giờ, ngày 19/3, Lường Văn Năm nhận được điện thoại của người đàn ông cùng xã tên N.C hỏi, tối có đi chở người Trung Quốc không? Sau khi thỏa thuận, cả hai thống nhất với giá 1,5 triệu đồng. Đến 23 giờ cùng ngày, khi Lường Văn Nam đang ở nhà thì N.C gọi điện nói, đến ngã 3 cột đèn thuộc thôn Đoàn Kết, xã Tam Gia để chở người. Đến nơi, Lường Văn Năm đã thấy 2 người Trung Quốc chờ sẵn nên ra hiệu lên xe chở đi. Sau đó, Lường Văn Năm cũng thấy N.C chở 2 người Trung Quốc cùng đi trên đường. Tuy nhiên, khi xe ra đến tỉnh lộ thì bị BĐBP phát hiện. N.C đã bỏ lại 2 người Trung Quốc rồi tẩu thoát.
Lời khai của những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đêm 19/3 cho thấy, việc “tuyển người” đều diễn ra trên mạng xã hội nên những người này không biết tên tuổi thật, thân nhân, lai lịch của những người dẫn mình đi tìm “miền đất hứa”. Họ sẵn sàng phó thác số phận cho những người không quen biết chỉ vì nghĩ rằng, khi nào xong việc mới phải trả tiền mà không biết rằng tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ phía sau. Nếu như Trịnh V (sinh năm 1990, trú tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) và Ngụy Nha N (sinh năm 1991, trú tại tỉnh Hồ Bắc) là người yêu của nhau, muốn sang Việt Nam đi du lịch (nhưng không có hộ chiếu nên lên mạng tìm người dẫn đường), thì Cao Hải L (sinh năm 1995, trú tại Nội Mông Cổ) và Bao Lượng L (sinh năm 2002, trú tại Nội Mông Cổ) lại phó mặc cho người không quen biết đưa mình nhập cảnh vào Việt Nam để đi nước thứ 3 tìm việc làm. Cao Hải L và Bao Lượng L là bạn bè.
Sau Tết Nguyên đán 2025, cả hai rủ nhau đi đến Tứ Xuyên để tìm việc làm. Đến đây, Bao Lượng L nói, có người rủ sang làm việc ở Campuchia, chi phí sẽ trả sau khi có việc làm và nhận lương. Nghe vậy, Cao Hải L đồng ý. Cả hai đi đến thành phố Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây) và được một người đàn ông đến đón. Sau đó, xe tiếp tục đón thêm một nam và một nữ tại sân bay Nam Ninh (được xác định là Trịnh V và Ngụy Nha N). Và hành trình từ sân bay tới hàng rào biên giới, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, có người tới đón cho đến lúc bị lực lượng BĐBP Việt Nam phát hiện đúng như lời khai của Trịnh V và Ngụy Nha N. Khi được các trinh sát Biên phòng hỏi, có biết những chuyện lừa bán người sang Campuchia vào các công ty lừa đảo, nếu không hoàn thành công việc sẽ bị đánh đập, tra tấn, cả Cao Hải L và Bao Lượng L đều ngạc nhiên vì chưa từng nghe chuyện đó, bởi vậy, việc bị lực lượng BĐBP phát hiện, ngăn chặn kịp thời đã trở thành may mắn.