Toàn cảnh tuyến cao tốc gần 20.000 tỷ nối TP.HCM - Tây Ninh
Dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) dài 51km, điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 TP.HCM thuộc huyện Củ Chi (cũ), điểm cuối giao với Quốc lộ 22 (Km53+850) thuộc huyện Bến Cầu (cũ), tỉnh Tây Ninh.

Tháng 9/2025, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) nối TP.HCM với Tây Ninh chính thức khởi công. Đây là dự án được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP (hợp đồng BOT). Dự án có tổng mức đầu tư được phê duyệt (bao gồm lãi vay) là 19.617 tỷ đồng. Vừa qua, TP.HCM vừa bổ sung 673 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công năm 2025 cho dự án thành phần 2 của tuyến cao tốc quan trọng này.

Dự án có chiều dài 51km, đoạn qua địa bàn TP.HCM là 24,7km, đoạn qua địa bàn tỉnh Tây Ninh là 26,3km. Điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 - TP.HCM thuộc huyện Củ Chi (cũ), điểm cuối giao với Quốc lộ 22 (Km53+850) thuộc huyện Bến Cầu (cũ), tỉnh Tây Ninh. Trong hình là Quốc lộ 22, tuyến đường huyết mạch kết nối TP.HCM với cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và đi Campuchia.

Dù là tuyến đường huyết mạch nhưng Quốc lộ 22 hiện hữu không đủ đáp ứng năng lực giao thông, nhất là vào các khung giờ cao điểm, lễ, Tết, tuyến đường này thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe nặng nề. "Hàng ngày tôi phải di chuyển qua lại tuyến đường này, nhiều lúc phải nhích từng chút một, hy vọng sớm có cao tốc để người dân đi lại đỡ cực", anh Quang, tài xế xe tải nói.

Điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 - TP.HCM thuộc huyện Củ Chi (cũ), TP.HCM. Sau hơn 2 năm thi công, đoạn Vành đai 3 qua huyện Củ Chi thành hình với trụ cầu, nền đường, hầm chui, mố cầu hiện rõ trên thực địa, dự án đang tăng tốc để về đích đúng tiến độ.

Khu vực huyện Gò Dầu cũ, tỉnh Tây Ninh, nơi cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đi qua. Cụ thể, tuyến cao tốc sẽ đi qua 5 xã cũ, gồm: Hiệp Thạnh, Phước Trạch, Phước Thạnh, Phước Đông và Thanh Phước, dài khoảng 12,6km, có 925 hộ dân và tổ chức, với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, xã Phước Thạnh cũ có 368 hộ bị ảnh hưởng, với tổng phương án bồi thường dự kiến khoảng 350 tỷ đồng, bao gồm đất, nhà ở, vật kiến trúc, cây trồng và các chính sách hỗ trợ. Tại thị xã Trảng Bàng cũ, tuyến đi qua 3 phường cũ: An Tịnh, Lộc Hưng và Gia Lộc (dài 11,3km), ảnh hưởng đến 1.004 hộ dân, trong đó có 290 hộ bị ảnh hưởng về nhà ở.

Điểm cuối của dự án giao với Quốc lộ 22 (Km53+850) thuộc huyện Bến Cầu (cũ), tỉnh Tây Ninh, chiều dài 2,2km đi qua 2 xã An Thạnh cũ và Lợi Thuận cũ, ảnh hưởng đến 119 hộ dân và tổ chức.

Trong hình, đoạn gần cửa khẩu Mộc Bài. Đây là khu vực có ý nghĩa quan trọng trong giao thương kinh tế, văn hóa và du lịch giữa Việt Nam và Campuchia, đồng thời là cửa ngõ kết nối khu vực phía Nam với các nước ASEAN và tuyến hành lang kinh tế Xuyên Á.

Dự kiến hoàn thành năm 2027, tuyến đường được thiết kế kết nối trực tiếp với cao tốc Phnom Penh - Bavet (Campuchia), hình thành trục liên vận quốc tế TP.HCM - Tây Ninh - Phnom Penh.

Giai đoạn 1, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ đầu tư 4 làn xe tiêu chuẩn và 2 làn dừng khẩn cấp liên tục với chiều rộng 25,5m, vận tốc thiết kế 120km/h. Tuy nhiên, dự án sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô 6 làn xe trên toàn tuyến.

Dự án thành phần 2 của cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dự kiến khởi công tháng 9/2025, gồm các hạng mục đường gom, đường dân sinh, cầu vượt ngang cao tốc, với tổng mức đầu tư hơn 2.421 tỷ đồng, sử dụng hoàn toàn bằng vốn ngân sách.

Hồi tháng 4/2025, hạng mục rà phá bom mìn tuyến cao tốc này trên địa phận TP.HCM và tỉnh Tây Ninh đã được triển khai. Việc cắm mốc, giao ranh để phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng đã hoàn tất.

Hiện nay, TP.HCM tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án thành phần 3 (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với phần tuyến cao tốc đi qua địa bàn). Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 5.052 tỷ đồng. TP.HCM đang cố gắng giải ngân khoảng 4.333 tỷ đồng để bồi thường cho 2.177 hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng do thu hồi đất phục vụ dự án.

Đối với dự án thành phần 1 (tuyến cao tốc chính dài hơn 50 km, triển khai theo hình thức hợp đồng BOT) có tổng mức đầu tư khoảng 10.421 tỷ đồng vẫn đang trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ hoàn tất lựa chọn nhà đầu tư vào tháng 12/2025, dự kiến khởi công vào tháng 1/2026.
Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài khởi công xây dựng sẽ đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khu vực phía Bắc TP.HCM. Đây là tuyến cao tốc có ý nghĩa chiến lược trong giảm áp lực cho Quốc lộ 22, đồng thời tạo động lực phát triển đô thị, công nghiệp, logistics và du lịch dọc hành lang kinh tế TP.HCM - Tây Ninh.
Đặc biệt, tuyến cao tốc sẽ tạo đột phá cho giao thông khu vực Đông Nam Bộ, mở rộng kết nối quốc tế khi tuyến đường này nối thẳng với cao tốc Phnom Penh - Bavet (Campuchia). Đây sẽ là một trong những hành lang vận tải liên vận quan trọng nhất khu vực phía Nam, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, giảm chi phí logistics, đồng thời thúc đẩy phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị - cảng biển giữa TP.HCM, Tây Ninh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2027.