Toàn cảnh Nhà máy điện rác quy mô lớn thứ 2 thế giới ở Hà Nội

Với quy mô lớn nhất Việt Nam và thứ 2 thế giới, Nhà máy điện rác Sóc Sơn (Hà Nội) có tổng mức đầu tư hơn 320 triệu USD, mỗi ngày tiếp nhận, xử lý 4.500 - 5.000 tấn rác sinh hoạt, chiếm gần 70% lượng rác phát sinh hằng ngày trên địa bàn Thủ đô.

Nhà máy điện rác Sóc Sơn tọa lạc tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (xã Trung Giã, TP Hà Nội). Nhà máy do Công ty CP Năng lượng Môi trường Thiên Ý Hà Nội quản lý và vận hành.

Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác của Bỉ và đốt rác hỗn hợp (không qua phân loại).

Từ khi hoạt động, nhà máy không chỉ giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt, mà còn biến rác thành nguồn năng lượng tái tạo, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Ông Đoàn Ngọc Tú, Phó tổng công trình sư phụ trách vận hành nhà máy cho biết, Nhà máy điện rác Sóc Sơn được xây dựng từ tháng 8/2019 - 5/2021. Tháng 7/2022, nhà máy chính thức hòa vào lưới điện quốc gia.

Nhà máy có 5 lò đốt hiện đại với công suất 90MW.

Hằng ngày, nhà máy tiếp nhận và xử lý 4.500 - 5.000 tấn rác sinh hoạt, chiếm đến gần 70% lượng rác phát sinh trên địa bàn TP Hà Nội.

Tính lũy kế đến hết tháng 6/2025, nhà máy đã xử lý được 3,5 triệu tấn rác thải sinh hoạt cho TP Hà Nội; sản xuất hơn 1,3 tỷ KWh điện, đóng góp quan trọng trong công tác xử lý môi trường cho TP Hà Nội và cung cấp nguồn điện ổn định cho người dân Thủ đô.

Theo ông Đoàn Ngọc Tú, lò đốt của nhà máy có thể xử lý các loại rác có nhiệt trị thấp và độ ẩm cao; khí thải được xử lý đạt tiêu chuẩn EU 2010, đặc biệt là loại bỏ các chất độc hại như dioxin và furans.

Nước rỉ rác cũng được nhà máy sử dụng công nghệ xử lý sinh học kết hợp lọc màng các cấp UF, NF, RO.

Quy trình xử lý của nhà máy hoàn toàn khép kín, bể rác được duy trì áp suất âm đảm bảo không làm phát tán mùi hôi ra môi trường bên ngoài.

Xỉ thải đáy lò được tái chế làm vật liệu hợp chuẩn san lấp và sản xuất gạch không nung; tro bay được hóa rắn, kiểm tra thẩm thấu đạt yêu cầu rồi mới mang đi chôn lấp hợp vệ sinh.

Nước rác sau xử lý có thể sử dụng làm nước trong hồ nuôi cá Koi. Không gian xung quanh nhà máy cũng được trang trí những vườn hoa, cây cảnh, hồ cá. Hình ảnh này góp phần thay đổi hoàn toàn góc nhìn truyền thống về những khu xử lý rác thải, vốn thường gắn liền sự nhếch nhác và mùi hôi khó chịu.

Hiện, nhà máy có hơn 200 lao động, chủ yếu được tuyển dụng từ người địa phương và các vùng lân cận. Lực lượng lao động này được đào tạo bài bản, đảm nhiệm tốt công tác vận hành của nhà máy.

Hiện, nhà máy có hơn 200 lao động, chủ yếu được tuyển dụng từ người địa phương và các vùng lân cận. Lực lượng lao động này được đào tạo bài bản, đảm nhiệm tốt công tác vận hành của nhà máy.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó chủ tịch UBND xã Trung Giã: "Nhà máy điện rác hoạt động đã mang lại những tác động tích cực phát triển kinh tế xã hội địa phương như tiết kiệm diện tích sử dụng cho việc chôn lấp, hạn chế rủi ro về môi trường phát sinh... Hoạt động của nhà máy góp phần giảm diện tích chôn lấp, nước rác được xử lý liên tục; không mất diện tích cho các hồ lưu chứa nước rỉ rác. Việc chuyển từ chôn lấp sang công nghệ đốt giúp giảm tiếng ồn, bụi trong không khí, hạn chế rủi ro môi trường và sức khỏe cho người dân quanh khu xử lý chất thải Sóc Sơn".

Tiến Hào

Kim Thoa

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/toan-canh-nha-may-dien-rac-quy-mo-lon-thu-2-the-gioi-o-ha-noi-192250725174832134.htm
Zalo