Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ chức vụ Thủ tướng Paetongtarn
Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã đình chỉ chức vụ Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, chờ xét xử một vụ kiện yêu cầu bãi nhiệm bà liên quan vụ rò rỉ đoạn ghi âm cuộc gọi giữa bà và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen.
Ngày 1-7, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã đình chỉ chức vụ Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra, chờ xét xử một vụ kiện yêu cầu bãi nhiệm bà liên quan vụ rò rỉ đoạn ghi âm cuộc gọi giữa bà và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen, tờ The Nation đưa tin.
Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ chức vụ Thủ tướng Paetongtarn
Cả 9 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp đã nhất trí chấp nhận đơn kiến nghị của 36 thượng nghị sĩ, được Chủ tịch Thượng viện Thái Lan Mongkol Surasajja chuyển tới tòa hôm 20-6.
Trong đơn kiến nghị, 36 thượng nghị sĩ yêu cầu tòa án điều tra đoạn ghi âm cuộc trao đổi bị rò rỉ, đồng thời đề nghị đình chỉ bà Shinawatra khỏi nhiệm vụ thủ tướng trong thời gian chờ phán quyết.
Sau đó, hôm 1-7, các thẩm phán đã bỏ phiếu với tỉ lệ 7-2 để đình chỉ bà Paetongtarn khỏi chức vụ thủ tướng trong thời gian chờ phán quyết cuối cùng, song bà vẫn có thể tiếp tục đảm nhiệm cương vị bộ trưởng văn hóa trong nội các mới.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra. Ảnh: THE NATION
Trước đó, bà đã tự đề cử bản thân giữ thêm chức vụ bộ trưởng văn hóa trong nội các mới. Việc bổ nhiệm này đã được Nhà Vua Thái Lan phê chuẩn và công bố trên Công báo Hoàng gia ngay trước thời điểm tòa ra quyết định ngày 1-7.
Ngay sau diễn biến trên, bà Paetongtarn lên tiếng rằng bà chấp nhận quyết định của Tòa án Hiến pháp. Bà Paetongtarn cho biết sẽ nỗ lực hết sức để làm rõ rằng những gì bà đã trao đổi trong cuộc điện đàm đều xuất phát từ lòng yêu nước và mong muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia và giữ gìn hòa bình cho đất nước.
“Tôi sẽ cố gắng chứng minh rằng tôi làm điều đó với tất cả tâm huyết, không hề có ý đồ vụ lợi cá nhân. Tôi chỉ nghĩ đến việc làm sao để không xảy ra hỗn loạn, làm sao để tránh đụng độ, để binh sĩ không phải đổ máu. Tôi không thể chịu đựng được nếu lời nói với một nhà lãnh đạo lại gây ra hậu quả xấu, dẫn đến tranh cãi hay thù oán. Nếu nghe kỹ đoạn ghi âm, mọi người sẽ hiểu rằng tôi hoàn toàn không có ác ý” - bà Paetongtarn nói.
“Tôi sẽ tận dụng thời gian còn lại để giải thích mọi thứ rõ ràng nhất có thể. Cảm ơn tất cả những lời động viên. Tôi vô cùng biết ơn. Và tôi xin lỗi toàn thể nhân dân Thái Lan nếu ai cảm thấy khó chịu hay tức giận vì chuyện này” - bà Paetongtarn nói thêm.
Giảm áp lực từ dư luận
Theo giới phân tích Thái Lan, lệnh đình chỉ tạm thời với bà Paetongtarn có thể giúp xoa dịu áp lực từ dư luận trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối thủ tướng đang gia tăng.
Ông Stithorn Thananithichot – Giám đốc Văn phòng Đổi mới Dân chủ thuộc Viện King Prajadhipok – nói với tờ Bangkok Post rằng nếu bà Paetongtarn không bị đình chỉ, các cuộc biểu tình có khả năng leo thang và tình hình chính trị sẽ thêm căng thẳng.
“Một quyền thủ tướng sẽ tiếp quản trong thời gian chờ phán quyết của tòa, quá trình này có thể kéo dài một đến hai tháng” - ông Stithorn cho biết.
Vụ việc diễn ra trong bối cảnh chính phủ đang hoàn thiện nội các mới sau khi đảng Bhumjaithai - đối tác lớn nhất của Pheu Thai - tuyên bố rút liên minh cầm quyền sau vụ rò rỉ điện đàm.
“Với quá trình cải tổ nội các đang diễn ra và việc chờ Nhà vua phê chuẩn, việc đình chỉ bà Paetongtarn vào thời điểm này sẽ đặt ra câu hỏi như: ai sẽ là người chính thức phản hồi chiếu chỉ hoàng gia?” - theo ông Olarn Thinbangtieo, Phó Trưởng khoa Khoa học chính trị và Luật tại ĐH Burapha (Thái Lan).
Theo nguồn tin của Khaosod, Ban Thư ký Nội các Thái Lan bày tỏ sự lo ngại trước tình huống này, đặc biệt vì đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Thái Lan một thủ tướng bị đình chỉ khi nội các mới chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức.
Điều này đồng nghĩa với việc quyền thủ tướng sẽ phải dẫn dắt nội các mới thực hiện nghi thức tuyên thệ vào ngày 3-7 thay cho thủ tướng bị đình chỉ.